Trang chủ»Câu chuyện trong tháng

Câu chuyện trong tháng

Thế nào là quyền tự do kinh doanh?

Hiến pháp đầu tiên của của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp ngắn gọn, súc tích. Toàn văn Hiến pháp không có điều nào quy định trực tiếp về quyền tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế, nhưng lại quy định rất rõ về những quyền cơ bản của công dân: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” (Điều 6). Điều 7 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”; còn Điều 12 quy định: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Với quy định như vậy thì không thể ban hành luật để quốc hữu hoá tài sản của công dân. Điều đó cũng có nghĩa là, kết quả kinh doanh của công dân được bảo vệ.

Quyền tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế đã có sự thay đổi rất cơ bản từ Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.

Tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước không được khuyến khích trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980.

Đến Hiến pháp năm 1992, tự do kinh doanh, phát triển kinh tế nhiều thành phần đã trở thành nguyên lý thể hiện rõ hơn. Điều 15, quy định: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”. Và Điều 57 quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam ghi nhận quyền tự do kinh doanh của công dân. Mặc dù nó còn hạn chế ở phạm vi quyền tự do kinh doanh, các chủ thể chỉ được tự do kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật cho phép (tự do trong phạm vi đóng). Tuy nhiên, một số quy định về tự do kinh doanh trong Hiến pháp đã không còn phù hợp trong điều kiện mới cụ thể là: Điều 19 quy định: “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân” đã trở thành cơ sở pháp lý cho sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong một thời gian khá dài. Vì được xác định là “giữ vai trò chủ đạo”, nên kinh tế quốc doanh (các doanh nghiệp nhà nước), đã nhận được nhiều ưu đãi, nắm giữ phần lớn nguồn lực về vốn, đất đai, lao động của nền kinh tế. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những phân biệt đối xử như trên đã không thể duy trì.

Bước tiến quan trọng nhất của Hiến pháp 2013 là khẳng định các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau trong hoạt động. Tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn về quyền tự do kinh doanh và sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Quyền tự do kinh doanh đã có một bước tiến mới, cởi mở với nguyên tắc: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Quy định này hàm chứa hai ý quan trọng, đó là: mọi người có quyền tự do kinh doanh; và giới hạn của quyền tự do đó là những gì luật cấm, nói khác đi, muốn cấm cái gì, thì Nhà nước phải quy định bằng luật.

Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện cụ thể trong các nội dung sau đây:

- Quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh: Chủ đầu tư được chọn kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, kinh doanh đơn ngành hoặc đa ngành, trong trường hợp những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chủ đầu tư được phép tiến hành sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó.

- Quyền tự do lựa chọn mô hình kinh doanh: Chủ đầu tư được tự do quyết định mức vốn đầu tư, nhưng phải đáp ứng quy định về vốn pháp định tối thiểu nếu kinh doanh một số ngành nghề nhất định như: kinh doanh vàng, dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo vệ…

- Quyền tự do lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế: Tùy thuộc vào số lượng người đầu tư, phương thức, cách thức huy động vốn đầu tư mà chủ đầu tư có thể chọn một loại hình tổ chức kinh tế phù hợp để kinh doanh từ đơn giản như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh đến phức tạp như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

- Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức huy động vốn: Chủ đầu tư quyết dịnh việc tăng vốn vay hay tăng vốn điều lệ; cách thức tăng vốn vay thông qua hợp đồng hay thông qua việc phát hành trái phiếu.

- Quyền tự do hợp đồng: Các chủ thể kinh doanh có quyền tự do lựa chọn khách hàng, tự do đàm phán, thỏa thuận, thống nhất các điều khoản của hợp đồng, tự do thỏa thuận hình thức hay nội dung của hợp đồng.

- Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp: Các chủ thể kinh doanh có quyền tự do quyết định cách thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng, hòa giải, tòa án hay trọng tài.

- Quyền tự do cạnh tranh lành mạnh: Nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Ngoài ra, quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 còn thể hiện ở việc gia tăng các quyền của doanh nghiệp, bao gồm điều tiết nguồn vốn trong kinh doanh, quyền tăng giảm vốn điều lệ (kể cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), quyền tự do biểu quyết, một doanh nghiệp có nhiều hơn một chức danh giám đốc, quyền được giữ chức danh giám đốc đồng thời cho nhiều doanh nghiệp, quyền tự khắc và quản lý con dấu. Nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn phương thức bảo hộ, giải quyết các tranh chấp đầu tư ngoài hệ thống cơ quan tư pháp tòa án của một quốc gia, như được chọn cơ chế giải quyết theo trọng tài thương mại quốc tế, cơ chế giải quyết tranh chấp bảo hộ đầu tư...

Trần Thị Thanh Hoa
Giáo viên Giáo dục công dân - Trường Quốc tế Á Châu

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán