Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Quần thể kiến trúc Changdeokgung

Changdeokgung (Xương Đức Cung) là một trong năm cung điện lớn được các vua của triều đại Joseon xây dựng và là cung điện được bảo tồn tốt nhất trong số này. Sau Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung), Changdeokgung là cung điện quan trọng thứ hai. Năm 1997, nơi này được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Năm 1405, vua Taejong ra lệnh xây dựng Changdeokgung. Những năm 1590, thời kỳ Nhật chiếm đóng, Gyeongbokgung bị phá hủy. Changdeokgung trở thành cung chính thay thế cho đến năm 1896. Tương tự những cung điện khác dưới triều vua Joseon, Changdeokgung có vị trí phong thủy tốt, phong cảnh hữu tình với phía sau là núi, phía trước là một dòng sông nhỏ. Quần thể kiến trúc này chiếm 57,9ha ở Jongno-gu, phía Bắc Seoul.

Cho đến ngày nay, cung điện vẫn còn lưu giữ nhiều di sản có giá trị về mặt văn hóa như Injeongjeon Hall (Nhân Chính điện), Daejojeon Hall (Đại Tạo điện), Seonjeongjeon Hall (Tuyên Chính điện) và Nakseonjae (Nhạc Thiện Trai).

Donhwamun - Ảnh: vfg.cocolog-nifty.com

Đi qua cánh cổng cao Donhwamun, rẽ phải và men theo chiếc cầu đá (xây dựng vào năm 1412) nếu chú ý, bạn sẽ thấy hai bên thành cầu có tạc một vài con linh thú. Phía bên trái là tòa nhà chính lộng lẫy, Injeongjeon Hall (Nhân Chính điện), được xây dựng vào năm thứ 5 dưới sự trị vì của vua Taejong (năm 1405). Nơi này được dùng tổ chức các nghi lễ quan trọng cho các thành viên hoàng gia và tiếp đón các sứ thần nước khác. Hài hòa với sân lát gạch, hành lang rộng và cây cối ở phía sau, quy mô và thiết kế của điện được xem là chuẩn mực - thanh thoát, đầy màu sắc nhưng không kém phần trang nghiêm. Đèn điện trang bị bên trong cho thấy nơi này đã từng được sử dụng rất nhiều trong thế kỷ 20.

Injeongjeon - Ảnh: skippingclouds.blogspot.com

Kế bên Injeongjeon là những tòa nhà dành cho việc nghị sự, trong đó có một nơi đặc biệt với mái vòm lợp ngói màu xanh. Tiến vào phía trong, bạn sẽ thấy nơi sinh hoạt dành cho những thành viên hoàng gia. Một phần nội thất còn sót lại trong phòng cũng đủ để giúp khách tham quan hình dung về thời hoàng kim của những cung điện dưới triều vua Joseon. Bạn không nên bỏ lỡ căn bếp rộng được lát bằng gạch trắng phau ngay bên cạnh. Phía sau công trình này là sân vườn với hệ thống sưởi sàn ondol (*). Phía bên phải là công trình hoàn toàn khác biệt, Nakseonjae. Nơi này được vua Heonjong (1834 - 1849) cho xây dựng theo phong cách đậm chất Nho giáo với vật liệu là gỗ mộc và nhiều thế hệ hoàng gia đã sinh sống tại đây cho đến năm 1989.

Nakseonjae - Ảnh: ROK Drop / GI Korea

Daejojeon Hall là nơi ở của hoàng hậu, nó bị phá hủy bởi hỏa hoạn vào năm 1917, sau đó được xây dựng lại, với vật liệu sử dụng từ Gyeongbokgung. Daejojeon là nơi chứng kiến những năm cuối đời của vị nữ hoàng đế cuối cùng triều đại Joseon.

Daejojeon Hall - Ảnh: Lee Iljoo

Băng qua những khoảng rừng rậm, bạn sẽ thấy một trảng rừng thưa nổi lên giữa những cây cổ thụ lớn. Đây chính là điểm nổi bật ở quần thể này, Biwon hay còn gọi là Huwon. Nơi đây là chốn nghỉ ngơi, đọc sách và sáng tác thơ của các vua Triều Tiên. Các kỳ khoa cử, gwageo, được tổ chức ngoài trời cũng diễn ra ở khuôn viên này.

Huwon - Ảnh: Robert Koehler

Khu vườn với diện tích 32ha này bao gồm nhiều hồ sen, nhà thủy tạ, bồn cỏ làm kiểng, cây cối và hoa. Khung cảnh thiên nhiên xung quanh và công trình được thiết kế hài hòa với nhau. Trong vườn, có hơn 26.000 cây thuộc 100 loài thực vật khác nhau, một vài cây cổ thụ phía sau cung điện hiện đã trên 300 năm tuổi. Đây là nơi chỉ dành riêng cho vua nên được gọi là “Geumwon” (Cấm viên), ngay cả các vị quan lớn cũng không dám vào nếu không được vua cho phép. Vườn được gọi với những cái tên khác nhau như: Naewon (Nội viên), Biwon (Bí viên),.... Phổ biến nhất trong số các tên gọi này vẫn là Huwon (Hậu viên) – được sử dụng rộng rãi dưới thời Joseon.

Huwon - Ảnh: Robert Koehler

Changdeokgung phản ánh giá trị kiến trúc tinh tế, đồng thời nó có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kiến trúc, thiết kế sân vườn, quy hoạch cảnh quan và những lĩnh vực nghệ thuật có liên quan trong nhiều thế kỷ. Đây là ví dụ tiêu biểu cho thiết kế vườn và lối kiến trúc cung điện Đông Á, quần thể này nổi bật ở chỗ các công trình hài hòa và hòa nhập với khung cảnh thiên nhiên xung quanh, thích nghi với địa thế và duy trì được độ che phủ của cây. Với những nét đặc biệt kể trên, quần thể kiến trúc Changdeokgung được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1997.

(*) Hệ thống sưởi sàn ondol: Nền nhà của người Hàn được làm bằng đất, và dưới nền đất ấy, họ đã tạo nên một hệ thống các đường ngầm bằng đá thông đến các phòng, đồng thời các đường ngầm đều kết nối với bếp lò. Khi đốt lửa trong bếp lò, làn khói sẽ mang hơi ấm lan tỏa theo các đường ngầm và sưởi ấm sàn nhà. Mặt khác, sau khi làn khói tan biến đi, không khí bị đốt nóng sẽ vẫn còn lưu lại trong ống khói, không khí này lại một lần nữa tiếp thêm nhiệt lượng cho ngôi nhà. (Theo http://world.kbs.co.kr)

Đăng Thư
(Tổng hợp và lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán