Trang chủ»Du lịch

Du lịch

Đền Angkor - Thủ đô cổ xưa hùng vĩ của Campuchia

Thủ đô cổ xưa của Đế quốc Khmer là công trình có thành tựu kiến trúc và nghệ thuật đáng chú ý nhất của thế giới cổ đại.



Ảnh: www.nationalgeographic.com.au

Nằm sâu trong khu rừng của Campuchia, tỉnh Xiêm Riệp, những ngọn tháp của một thành phố đá cổ vươn lên bầu trời xanh trong khu phức hợp của Công viên khảo cổ Angkor. Thủ đô của Đế quốc Khmer phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15, khi những vị vua trị vì một đế chế trải dài từ Myanmar (Miến Điện) đến Việt Nam. Khu "ngoại ô" Angkor với diện tích hơn 1.000 km vuông, bao gồm cả khu vực rừng rậm mới được phát hiện - diện tích của nó lớn hơn đáng kể so với 5 quận của thành phố New York.

Là một trong hàng trăm ngôi đền và công trình kiến ​​trúc còn sót lại, đền Angkor Wat là ngôi đền đồ sộ nổi tiếng nhất Campuchia, do đó hình ảnh của nó xuất hiện trên quốc kỳ Campuchia và được tôn sùng vì những lý do chính đáng.

Đền Angkor Wat được xây dựng như một ngôi nhà của vị thần Hindu Vishnu. Ngôi đền là một thành tựu kiến ​​trúc với những kho báu nghệ thuật như các những bức tranh phù điêu nằm dọc theo những bức tường và kể những câu chuyện dài về lịch sử và truyền thuyết của Campuchia.

Ngoài ra, nghệ thuật tranh phù điêu của Angkor cũng mô tả những cảnh sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Điều này đem lại cho các học giả cái nhìn vô giá về cuộc sống thường nhật trong quá khứ.

Tuy nhiên, một trong những câu chuyện mà những người ghi chép về Angkor đã không nói đến là lý do tại sao những người cai trị thành phố này đã bỏ đi và tái định cư tại Phnom Penh. Giả thuyết lý giải cho câu hỏi này là những thất bại trong chiến tranh và việc thay đổi tôn giáo, (vì Ấn Độ giáo Khmer dần dần được thay thế bởi Phật Giáo Nguyên Thủy trong thế kỷ 13 và 14), nhưng bí ẩn này đã khiến các nhà khoa học bối rối trong nhiều thế kỷ.

Angkor không chỉ nổi tiếng về kiến trúc đá mà còn về hệ thống dẫn nước. Công trình kiến trúc này có hệ thống dẫn nước khổng lồ bằng kênh đào nhân tạo, đê, và hồ chứa nước, lớn nhất trong số đó là hồ West Baray dài 8 km và rộng 2,4 km. Những công trình đáng kinh ngạc với kỹ thuật tạo nên một phần không thể thiếu trong một thiết kế tổng thể trung thành với tinh thần tôn giáo. Các con kênh trong quần thể là sự mô phỏng cho các đại dương bao quanh Núi Meru, ngôi nhà của các vị thần Hindu.

Ngoài ra, những công trình đồ sộ này cũng phục vụ mục đích thiết thực bằng cách khai thác khéo léo dòng sông và nước mưa để khai thác nguồn nước uống cho khoảng 750.000 cư dân tại thành phố tiền công nghiệp lớn nhất thế giới. Nguồn nước này cũng dùng cho việc tưới tiêu các loại cây trồng như lúa, vốn được người Khmer xem như tiền tệ.

Một số học giả suy đoán rằng sự sụp đổ của hệ thống nước phức tạp này đã dẫn đến sự kết thúc của Angkor. Một loạt các cơn gió mùa yếu ớt và sự sụp đổ của các công trình nước do các vấn đề môi trường, như nạn phá rừng, gây ra lũ lụt gây tàn phát và làm nghẹt hệ thống bằng trầm tích, có thể đã tạo ra sự di chuyển quyền lực tới Phnom Penh.

Ngay cả sau khi thời kỳ huy hoàng của nó đã trôi qua, Angkor vẫn nổi tiếng với những người hành hương Phật giáo, những người đi từ khắp Đông Nam Á và khắp nơi trên thế giới. Ngày nay, địa danh này cũng thu hút khách du lịch với gần một triệu lượt khách mỗi năm.

Khi Angkor được công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1992, khu di tích này cũng đã được thêm vào Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa. Ngoài ra, công trình vĩ đại đã bị đe dọa bởi việc cướp bóc, các cuộc khai quật bất hợp pháp. Năm 1993, UNESCO đã phát động một chiến dịch lớn để khôi phục và bảo vệ Angkor. Nhờ nỗ lực về hợp tác quốc tế, Angkor đã hồi phục mạnh mẽ và đã được xóa khỏi Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa vào năm 2004.

UNESCO tiếp tục là một phần của tương lai Angkor khi hợp tác với chính quyền Campuchia để đảm bảo rằng việc tiếp cận và phát triển du lịch không làm ảnh hưởng đến kho báu văn hóa vĩ đại này.

Nam Hàn
(Lược dịch)

123456789[10]...29  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán