Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục trung học

Giáo dục trung học

Những cách giúp trẻ học tập thành công

Các bậc phụ huynh nếu muốn con học tập thành công ở trường thì cần phải đưa ra sự cân bằng hợp lý. Họ nên can thiệp, nhưng đừng can thiệp quá sâu. Nên đặt ra giới hạn, nhưng vẫn cho phép tự do. Nên động viên trẻ trở nên nổi trội, nhưng đừng mưu cầu sự hoàn hảo. Tuy nhiên, không phải là quá khó để giúp trẻ cảm thấy hứng thú trong học tập. Dưới đây là những lời khuyên từ các chuyên gia mà bạn có thể áp dụng.


Ảnh minh họa

1. Tạo thói quen

Theo tiến sĩ Michael Popkin, tác giả của quyển sách Helping Your Child Succeed in School, đồng thời là người sáng lập chương trình Active Parenting Publishers cho biết "Trẻ em hưởng lợi từ lề thói của gia đình". Ông khuyên nên để trẻ thức dậy đúng giờ vào mỗi buổi sáng, ăn bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng và cố gắng đọc sách khoảng 20 phút trước khi đi ngủ. "Hãy để trẻ cùng đọc sách với bạn. Hãy biến đây thành khoảng thời gian để tương tác. Trẻ có thể đặt câu hỏi và thảo luận về những gì chúng đang đọc."

2. Chuẩn bị từ đêm hôm trước

Để tránh sự hỗn loạn vào buổi sáng, cần loại đi những quyết định ở phút cuối cùng. Một buổi sáng tồi tệ chắc chắn sẽ dẫn đến một ngày học tập đầy khó khăn ở trường. Vì vậy, hãy giúp trẻ chuẩn bị mọi thứ có thể trước khi đi ngủ như quần áo, dụng cụ học tập. Một chiếc balô với đầy đủ vật dụng cần thiết sẽ khiến trẻ cảm thấy tự tin hơn. Stacy DeBroff, tác giả của quyển sách The Mom Book Goes to School, người thành lập trang web Mom Central cho biết "Giáo viên thường xem học sinh là có phẩm chất kém nếu chúng cứ luôn quên mang những thứ quan trọng, cần thiết cho việc học. Và điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ."

3. Sống ngăn nắp

Trẻ cần có hệ thống lưu trữ và tìm kiếm tài liệu một cách khoa học. DeBroff khuyên mỗi năm nên sử dụng bìa cứng có màu sắc khác nhau để trẻ đựng riêng tài liệu cho từng môn học và tìm kiếm chúng một cách nhanh chóng. Việc giúp trẻ lưu trữ tài liệu gọn gàng và an toàn còn có tác dụng giúp trẻ phát triển thói quen sống có tổ chức, mang lại nhiều ý nghĩa trong cuốc sống của chúng.

4. Tạo ra một không gian yên tĩnh để trẻ tự làm bài tập về nhà

Thời gian hợp lý cùng với không gian yên tĩnh là điều rất cần thiết cho trẻ. Bạn nên xem việc làm bài tập về nhà là một nhiệm vụ được ưu tiên. Nhưng cũng đừng quên đây là nhiệm vụ của trẻ, không phải của bạn. Popkin khuyên rằng "Không nên gây gián đoạn trong quá trình trẻ làm bài tập. Sẵn sàng hỗ trợ nhưng đừng làm thay trẻ”. Bài tập về nhà cung cấp những thông tin rất bổ ích cho giáo viên về mức độ hiểu bài của trẻ. Vì vậy, nếu làm thay cho chúng, bạn sẽ gây ra điều tai hại đấy. Nếu cảm thấy cần phải giúp đỡ, bạn chỉ cần chỉ ra lỗi sai và để trẻ tự điều chỉnh.

5. Hạn chế những phiền nhiễu

TV, máy tính và các trò chơi video có thể là những “đối thủ đáng gờm” đối với sự tập trung của trẻ, đặc biệt là khi làm bài tập về nhà. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là những phương tiện giải trí này khiến trẻ tạo ra quan điểm trường học là nơi nhàm chán. Robert Needlman, bác sĩ nhi khoa về hành vi và sự phát triển thuộc Trung tâm y tế MetroHealth ở Cleveland nói “TV biến trẻ em thành người tiếp nhận thông tin một cách thụ động, hướng não trẻ tập trung vào những thông tin dễ thay đổi và dễ gây hứng thú. Kết quả là chúng sẽ sao lãng, không chú ý vào những thông tin ít thú vị hơn như lắng nghe người khác đọc sách hoặc nghe giáo viên giảng bài”.

6. Khuyến khích sự tò mò

Hãy tạo ra các cuộc trò chuyện trong bữa tối. Chia sẻ những điều thú vị của chính bạn chẳng hạn như bạn đã học được những gì từ việc làm vườn và chơi đàn piano. Hoặc có thể nói về các sự kiện hiện tại. Hãy nuôi dưỡng trí tò mò của trẻ về thế giới và truyền cho con tình yêu dành cho học tập.

7. Cho phép trẻ nghỉ ngơi

Trẻ em cũng cần thời gian để thư giãn, vì vậy bạn hãy đảm bảo rằng ít nhất phải có một khoảng thời gian nào đó trong ngày trẻ không phải làm gì cả. Cụ thể, đừng lên kế hoạch cho trẻ với quá nhiều hoạt động vào buổi chiều. DeBroff nói “Trẻ cần có thời gian để bổ sung năng lượng cho mình”. Theo Viện hàn lâm nhi Hoa Kỳ (AAP), những trò chơi cho phép phát huy tính sáng tạo, không cần đến sự hướng dẫn của người lớn sẽ giúp bảo vệ sự phát triển về mặt cảm xúc cho trẻ vì trẻ có thể tự chế ngự lo âu, căng thẳng và trở nên dẻo dai hơn. Không cho trẻ nghỉ ngơi sẽ tạo tạo ra những sự lo lắng không cần thiết.

8. Xây dựng mối quan hệ với giáo viên

DeBroff nói “Hãy mở các đường dây thông tin liên lạc”. Bà khuyên vào đầu mỗi năm học, phụ huynh nên trao đổi với giáo viên về những gì sẽ giúp con học tốt hơn cũng như những khó khăn mà con đang gặp phải. Bạn tuyệt đối không nên chỉ trích giáo viên trước mặt con. “Hãy làm sao để giáo viên sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn khi trở ngại xuất hiện”.

Mỹ Hằng
Theo schoolfamily.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán