Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Bộ đồ lặn có thiết kế tối tân giống “Iron Man”

Phil Nuytten không phải là Tony Stark - nhân vật phát minh ra bộ giáp “Iron Man” của Hollywood nhưng trong lĩnh vực thiết kế đồ lặn, ông thực sự là một ngôi sao.

Thuở thiếu niên, Nuytten đã bộc lộ tài năng hiếm có khi thiết kế thành công thiết bị lặn đầu tiên trong đời. Năm 1985, ông thiết kế bộ đồ lặn “Newsuit” có tính đột phá cao được NASA và quân đội Hoa Kỳ ứng dụng vào thực tế. Ngoài ra, công ty của ông còn xây dựng hệ thống thoát hiểm dưới nước cho Hải quân Hoa Kỳ.      

Phát minh Exosuit

Từ cơ sở nghiên cứu của công ty tại Vancouver, British Columbia, Nuytten phát biểu với CNN rằng Exosuit tương tự như việc áp dụng bộ giáp sắt “Iron Man” vào đời thực. Tuy nhiên, thay vì bay trên không trung, Exosuit được các thợ lặn sử dụng để “bay” dưới mặt nước. Bộ đồ lặn này được đẩy bằng động cơ nước 1.6 mã lực mỗi bên.



Ảnh: gizmag.com

Exosuit được xây dựng bằng hợp kim nhôm và nặng 530 pound có thể hoạt động bình thường ở độ sâu 1.000 feet dưới mặt nước. Ở độ sâu này, về cơ bản môi trường xung quanh sẽ rất lạnh, tối tăm và mức áp suất là 500 pound/1 inch vuông nhưng với cấu tạo chắc chắn, Exosuit sẽ bảo vệ cơ thể của thợ lặn không bị nghiền nát. Ngoài ra, hệ thống đèn LED sẽ giúp thợ lặn quan sát được môi trường thiếu ánh sáng trầm trọng xung quanh.

Phòng tránh bệnh khí ép

Những thiết kế đặc biệt như Exosuit được gọi là đồ lặn khí quyển (ADS: atmospheric diving suits), nó giúp duy trì áp suất trên và dưới mặt nước ở mức cân bằng. Đối tượng sử dụng được nhắm đến là những công nhân làm việc dưới giàn khoan dầu, các chuyên gia cứu hộ hoặc các nhà khoa học khám phá đáy đại dương. 

Nhiều thế kỷ qua, đồ lặn khí quyển đã được phát triển và cải tiến với hy vọng ngăn ngừa những tác động nguy hiểm của bệnh khí ép.

Các thợ lặn thường mắc bệnh khí ép khi di chuyển quá nhanh từ một môi trường áp suất cao tới một môi trường áp suất bình thường. Sự thay đổi đột ngột này có thể thải ra các bong bóng khí nitơ vào máu, gây tổn hại mạch máu, ngăn chặn dòng chảy của máu và gây ra chứng đau khớp.

Nuytten hy vọng rằng phát minh của ông sẽ góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển môi trường sống dưới nước của con người.

Nuytten trả lời tờ The Globe and Mail rằng một ngày nào đó, ông muốn thấy Exosuits được sử dụng bởi các công nhân khai thác khoáng sản có giá trị từ đáy đại dương. Ông đề nghị xây dựng một môi trường sống dưới biển thử nghiệm ngoài khơi Vancouver và đó sẽ là nhà của các thợ mỏ đại dương.

Đình Phú
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán