Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Phát hiện những hành tinh có kích thước bằng Trái Đất đầu tiên

Các phi hành gia đã phát hiện ra 2 hành tinh đầu tiên có kích cỡ gần tương đương với Trái Đất. Chúng cũng xoay quanh một ngôi sao giống như Mặt Trời trong Thái Dương hệ.

Theo nhóm nghiên cứu thì có thể cách đây rất lâu các hành tinh này đã có điều kiện tương tự như Trái Đất và có thể đã có sự sống ở những người anh em sinh đôi của Trái Đất này.

Họ cho rằng đây là các hành tinh quan trọng nhất đã từng được khám phá bên ngoài hệ Mặt Trời. Trưởng nhóm nghiên cứu là Tiến sĩ Francois Fressin, thuộc Trung tâm nghiên cứu Vật lý thiên thể - Đại học Havard tại Cambridge Mỹ, phát biểu rằng sự khám phá này mở ra một kỷ nguyên mới của thiên văn học, một kỷ nguyên sẽ khám phá ra thêm nhiều hành tinh giống như Trái Đất nữa.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cả 2 hành tinh đều quá nóng nên sự sống không thể tồn tại. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Fressin, các hành tinh này đã từng ở cách xa các ngôi sao của chúng và đủ nguội để nước xuất hiện trên bề mặt, điều kiện cần thiết cho sự sống. Ông nói: “Chúng ta biết được rằng có thể 2 hành tinh này đã di chuyển đến gần ngôi sao của chúng hơn. Trong quá khứ, hành tinh lớn hơn có thể đã từng là anh em sinh đôi của Trái Đất, nó có kích thước bằng Trái Đất và có thể đã từng có nhiệt độ bằng Trái Đất.”

Một trong 2 hành tinh có tên là Kepler-20f có kích thước gần đúng bằng Trái Đất. Kepler-20e thì nhỏ hơn một chút, nó có bán kính bằng 0,87 lần bán kính Trái Đất và ở gần ngôi sao của nó hơn so với Kepler-20f.



Hành tinh Kepler-20f

20e quay một vòng quanh ngôi sao của nó chỉ mất 6 ngày còn 20f thì chỉ mất 20 ngày trong khi đó Trái Đất mất đến một năm. Lí do đơn giản là vì khoảng cách giữa 2 hành tinh và Mặt Trời của chúng ngắn hơn nhiều so với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời.

Các nhà nghiên cứu nói rằng 2 hành tinh này có bề mặt sỏi đá và có cấu tạo giống hành tinh của chúng ta với 1/3 là lõi sắt. Phần còn lại có thể là lớp vỏ si-li-cat. Tiến sĩ Fressin cũng cho rằng trên hành tinh ở xa hơn có thể đã từng hình thành một lớp khí quyển dày có chứa hơi nước.

Đây là một khám phá quan trọng vì nó khẳng định sự tồn tại của những hành tinh có kích thước bằng Trái Đất ở bên ngoài Thái Dương hệ. Nó cũng cho thấy kính thiên văn Kepler có thể phát hiện các hành tinh tương đối nhỏ quanh các ngôi sao cách chúng ta hàng ngàn năm ánh sáng. Kính Kepler đã phát hiện được 35 hành tinh. Ngoại trừ 20e và 20f, các hành tinh khác đều lớn hơn Trái Đất.

Cho đến nay, khám phá đáng chú ý nhất, cũng bởi một nhóm có Tiến sĩ Fressin tham gia, là một hành tinh to gấp 2,5 lần Trái Đất nằm trong vùng gọi là “Goldilocks Zone”. Đây là một vùng không gian xung quanh các ngôi sao không quá nóng cũng không quá lạnh, có điều kiện thích hợp để hình thành nước và từ đó sự sống có thể phát sinh. Song, Tiến sĩ Fressin tin rằng 2 hành tinh 20e và 20f mới là những khám phá quan trọng hơn nhiều.

Kính Kepler hiện đang dò quét 150.000 ngôi sao và Giáo sư Andrew Coats thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian Mullard tại Surrey tin rằng họ sẽ sớm tìm ra một hành tinh có kích thước bằng Trái Đất nằm trong vùng Goldilocks Zone.



Kính thiên văn không gian Kepler

Giao Tiên
Theo bbc.co.uk

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán