Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Dược chất chống ung thư được sản xuất tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Cứ mỗi hai tuần, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cung cấp chất phóng xạ cho 23 khoa Y học hạt nhân trên toàn quốc nhằm phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị cho 300.000 bệnh nhân mỗi năm.

Theo Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết, kể từ ngày trở lại hoạt động vào tháng 3/1984, Viện đã tạo ra thành công các đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của lò phản ứng hạt nhân.

Từ năm 1997, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, cụ thể như cung cấp các thiết bị tạo ra đồng vị phóng xạ được sử dụng trong ngành y tế bao gồm dây chuyền sản xuất chất đồng vị I-131 và dây chuyền sản xuất P-32, Te-99m. Các thiết bị đã được trung tâm sử dụng một cách hiệu quả và từng bước thay thế bằng những thiết bị tiên tiến hơn.

Hiện trung tâm có thể tạo ra 30 sản phẩm khác nhau, chủ yếu được sử dụng để điều trị ung thư tại các khoa Y học hạt nhân của các bệnh viện lớn trong nước như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Pháp Việt, Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Quân đội 103 và Bệnh viện K tại Hà Nội. Bên cạnh đó, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cũng cung cấp sản phẩm đến các bệnh viện lớn tại những thành phố khác như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Khánh Hòa.

Các sản phẩm như I-131 và viên nang dùng để chẩn đoán và điều trị các bệnh về tuyến giáp, P-32 dùng để điều trị các bệnh ngoài da, Sm-153 dùng để điều trị giảm đau do ung thư di căn và một số đồng vị khác được sản xuất theo đơn đặt hàng.

Tất cả các sản phẩm của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đều được sản xuất dưới sự kiểm soát của IAEA nhằm đảm bảo an toàn phóng xạ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới WHO và có giá thành thấp hơn so với các sản phẩm nhập khẩu. Một số sản phẩm sản xuất tại Đà Lạt có chi phí sản xuất chỉ bằng 1/10 so với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, do công suất của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt còn hạn chế nên dược chất phóng xạ được sản xuất chỉ có thể đáp ứng khoảng 60 phần trăm nhu cầu trong nước.

Vì vậy, nhà nước đang lên kế hoạch xây dựng một lò phản ứng mới với công suất lớn hơn. Ngoài các nhiệm vụ mở rộng nghiên cứu vật lý, kỹ thuật neutron, các ứng dụng của đồng vị phóng xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật khác, thì lò phản ứng mới cũng sẽ sản xuất nhiều chất đồng vị hơn nữa để đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh ngày càng tăng trong nước.

Trần Đình Phú
Theo: english.vietnamnet.vn

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán