Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Giấc mơ điều chế thuốc trị bệnh Alzheimer của nhà khoa học nữ Việt Nam

TS. Trần Thị Phương Thảo thuộc trường Đại học Y Dược Hà Nội đang nghiên cứu tổng hợp các dẫn xuất ức chế enzym Glutaminyl cyclase mới để điều trị một trong những nguyên nhân gây bệnh Alzheimer.



TS. Trần Thị Phương Thảo - Ảnh: english.vietnamnet.vn

TS. Thảo là người nổi tiếng trong giới nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Năm 2017, bà được trao Học bổng nghiên cứu sinh Quốc gia L’Oreal giành cho Phụ nữ nghiên cứu khoa học vì những đóng góp cho sức khỏe cộng đồng bằng cách tìm kiếm những phương thuốc điều trị bệnh Alzheimer.

Bệnh nhân Alzheimer đang gia tăng đáng kể ở Việt Nam và trên toàn cầu. Trong khi đó, các loại thuốc có sẵn chỉ có thể điều trị các triệu chứng, nghĩa là các loại thuốc này chỉ làm chậm quá trình tạo mảng amyloid (amyloid beta - Aβ) - một trong hai “nghi phạm” chính gây bệnh Alzheimer.

TS. Thảo muốn tìm ra những dược chất có thể tấn công trực tiếp vào một trong những nguyên nhân gây bệnh để điều trị tận gốc.

Nghiên cứu mà bà đang theo đuổi là tổng hợp các chất ức chế Glutaminyl cyclace (QC), một enzyme tồn tại trong cơ thể con người liên quan đến sự hình thành bệnh. Nếu thành công, loại thuốc này có thể điều trị tận gốc một trong những nguyên nhân gây bệnh Alzheimer.

Năm 2015, sau khi hoàn thành khóa đào tạo tiến sĩ tại Hàn Quốc, TS. Thảo trở về Việt Nam và tiếp tục dự án nghiên cứu mà cô đã bắt đầu theo đuổi khi còn là một nghiên cứu sinh.

Vì cơ sở vật chất tại Việt Nam vẫn còn nghèo nàn nên bà phải cố gắng thiết kế các thí nghiệm phù hợp với điều kiện đang có. Trong nhiều trường hợp, bà phải tìm sự giúp đỡ từ các đơn vị trong và ngoài nước.

Khi thực hiện nghiên cứu, TS. Thảo không đặt mục tiêu phải thành công. Bà nói “Tôi nghĩ rằng nếu các dược chất mà tôi tạo ra không thể áp dụng trong điều trị thì chúng vẫn hữu ích cho cá nhân tôi và các đồng nghiệp”.

Những dược chất này chưa được tổng hợp trên thế giới, chưa được nghiên cứu hoặc thử nghiệm trong hoạt động sinh học theo cùng hướng của TS. Thảo.

Đối với Thảo và các nhà khoa học trẻ khác ở Việt Nam, tài chính luôn là vấn đề lớn nhất. Cũng giống như những người phụ nữ khác, TS. Thảo phải sắp xếp thời gian cho công việc hàng ngày để có thể dành thời gian cho nghiên cứu và gia đình của mình.

TS. Thảo là tác giả và đồng tác giả của 14 bài báo được xuất bản trên tạp chí SCI, đồng tác giả của 13 bài báo trên các tạp chí trong nước và quốc tế và đồng sở hữu ba bằng sáng chế.

Đình Phú
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán