Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Việt Nam sản xuất lốp không săm dành cho máy bay

Lốp không săm dành cho máy bay là một trong sáu công trình được trao giải nhất tại Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13.



Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân đã sản xuất thành công lốp dành cho máy bay MiG 21 và Su-22 nhưng tất cả đều có săm bên trong

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân, cho biết không có đơn vị trong nước nào nghiên cứu về lĩnh vực này cho đến khi ông và các đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện. Ngoài ra, không có bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào đặt nhà máy hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất lốp không săm dành cho máy bay.

Chế tạo lốp không săm dành cho máy bay đòi hỏi công nghệ phức tạp và thiết bị hiện đại. Các chuyên gia ước tính chi phí chuyển giao công nghệ và nhập khẩu dây chuyền sản xuất lốp không săm là 20 triệu USD.

Ông Đoàn cùng các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu công nghệ sản xuất lốp không săm bằng các thiết bị và dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng và Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân.

Để đảm bảo việc hoàn thiện công nghệ, các nhà khoa học bắt đầu từ việc chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào trong đó 60% cao su thiên nhiên được sản xuất tại Việt Nam, các nguyên liệu và hóa chất khác hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài.

Hai vấn đề lớn mà các nhà khoa học phải đối mặt đó là tải trọng và tốc độ, cả hai đều ảnh hưởng đến việc thiết kế và chất lượng của sản phẩm.

Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân đã sản xuất thành công lốp dành cho máy bay MiG-21 và Su-22 nhưng tất cả đều là lốp xe bình thường với săm bên trong. Trong khi đó, xu hướng hiện tại là sử dụng lốp không săm vì chất lượng tốt hơn và an toàn hơn cho máy bay.

Nhóm nghiên cứu quyết định tạo một lớp màng bảo vệ bằng nano cho lốp xe vì họ tin rằng điều này sẽ rất hữu ích khi máy bay được sử dụng ở những nơi có khí hậu nhiệt đới với độ ẩm cao.

Nói về chi phí sản xuất, ông Đoàn cho biết các nhà sản xuất có thể tiết kiệm chi phí khi sử dụng dây chuyền sản xuất lốp ô tô hiện có. Họ chỉ cần cài đặt thêm một vài thiết bị với chi phí dự kiến khoảng 5 - 10% tổng giá trị dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, các nhà sản xuất có thể kiểm soát nguồn cung cấp cao su tự nhiên, chi phí lao động tại Việt Nam thấp hơn so với nước ngoài 3-5 lần và phí vận chuyển hàng hóa trong nước cũng ít tốn kém hơn so với nhập khẩu từ nước ngoài.

Đình Phú
Theo english.vietnamnet.vn

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán