Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Xử lý rác thải tại Việt Nam

Rác thải ở Việt Nam đang là một hiện trạng đáng lo ngại. Sự phát triển kinh tế cùng với sự gia tăng dân số không ngừng đang khiến rác thải sinh hoạt và y tế tại các thành phố lớn ở Việt Nam tăng nhanh hơn cả các nước khác trên thế giới. Hiện nay, tại thành phố Hà Nội, khối lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15% một năm, tổng lượng rác thải ra ngoài môi trường lên tới 5.000 tấn/ngày. Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm cần tới 235 tỉ đồng để xử lý. Xét về rác thải y tế, khoảng 50% số bệnh viện tại Việt Nam vẫn chưa áp dụng quy trình xử lý rác y tế đạt chuẩn. Mỗi ngày, ngành y tế thải ra từ 350 đến 450 tấn rác thải, trong đó có 40 tấn thuộc loại độc hại. Tác hại của rác thải đến cuộc sống của người dân là rất nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. Riêng việc nước thải và nước rỉ ra từ chất thải rắn thấm xuống đất lâu ngày cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt. Đây là một bài toán đau đầu cho các nhà khoa học và môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đang từng bước giải quyết vấn đề nan giải này một cách tích cực.



Rác thải ở Việt Nam đang là một hiện trạng đáng lo ngại

Năm 2012, Đại sứ quán và Cơ quan Thương mại Pháp Ubifrance đã tổ chức hội thảo “Bảo vệ môi trường và sức khỏe” tại Hà Nội. Trong buổi hội thảo, các nhà khoa học tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc xử lý chất thải y tế bằng công nghệ vi sinh và quá trình phân hủy của các chất hữu cơ trong các quy trình xử lý nước thải. Công nghệ được Công ty APB Environment đưa ra dựa trên việc sử dụng các gốc vi khuẩn, mà phần lớn được tách từ các mẫu lấy từ môi trường, từ người, động vật hoặc cây cỏ ở khắp nơi trên thế giới. Bà Catherine Galtier, giám đốc điều hành công ty khẳng định, sẽ đưa ra các biện pháp giải quyết rác thải y tế tại Việt Nam một cách phù hợp và lâu dài. Được biết trong giai đoạn đầu, dự án được công ty thực hiện sẽ được triển khai tại năm bệnh viện tuyến Trung ương và năm bệnh viện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.



Dây chuyền công nghệ sản xuất dầu đốt công nghiệp từ nilon phế thải

Tại Cà Mau, một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt áp dụng mô hình công nghệ VIBIO đang hoạt động, biến rác thải thành phân vi sinh và các chất hữu ích khác như Compost 50-55%, đóng rắn 3-5%, phế liệu 15-20%, hóa dầu 10-15%, đốt 3,5%, chôn lấp 5-7%. Lượng rác thu gom trên địa bàn tỉnh mới đáp ứng công suất 160 tấn/ngày của nhà máy. Cà Mau đang lên kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy giống như vậy tại huyện Trần Văn Thời, và sẽ đưa công nghệ chế biến phân vi sinh thành phân thương phẩm bán ra thị trường.

Tại thành phố Đà Nẵng, nhà máy chế biến rác thải nilon thành dầu PO của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam là nhà máy xử lý rác thải rắn đầu tiên tại Việt Nam cho ra thành phẩm là dầu và các loại nguyên liệu có lợi cho môi trường khác. Hơn 50 tấn nilon mỗi ngày trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ được đưa đi xử lý. Theo tính toán của công ty, cứ 3 tấn nilon được tái chế sẽ cho ra 1 tấn dầu PO và RO. Trong tương lai, mỗi ngày nhà máy có thể sản xuất ra 17 tấn dầu cho thành phố Đà Nẵng với lượng rác thải như hiện nay. Ở giai đoạn 1, nhà máy đang đi vào hoạt động với công suất xử lý 9 tấn/ngày. Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty cho biết, lượng rác thải chôn lấp tại đây sẽ chỉ còn khoảng 10%. Hơn 90% rác sẽ được chế biến thành các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.

Được biết, kinh phí xây dựng các nhà máy và quy trình xử lý rác thải là không hề nhỏ. Nhà máy tại Đà Nẵng có tổng đầu tư lên tới 520 tỷ đồng. Thế nhưng, đối với giá trị sức khỏe của người dân thì không thể tính bằng tiền. Với mật độ dân số 260 người/1 km2, lượng rác thải năm sau cao hơn năm trước, Việt Nam còn cần rất nhiều các công nghệ hiện đại, các giải pháp xử lý rác và những nhà máy như thế này.

Hải Phong
(Tổng hợp từ Internet)

123456789[10]...17  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán