Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

EU đề ra các dự luật dành cho trí tuệ nhân tạo nhằm ứng phó vấn đề lạm dụng

Những công nghệ lạm dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phương hại đến quyền lợi và sự an toàn của người khác như quét khuôn mặt trực tiếp sẽ bị cấm hoặc kiểm soát chặt, theo lời các quan chức cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) trong một buổi hội thảo bàn về các quy định chế tài mảng công nghệ đang phát triển với tốc độ vũ bão này.



Bà Margrethe Vestager (bên trái), Cao uỷ châu Âu phụ trách vấn đề Châu Âu thích nghi với thời đại số, cùng ông Thierry Breton (bên phải), Cao uỷ Châu Âu phụ trách thị trường nội khối, tham gia buổi hội thảo về cách EU ứng phó với trí tuệ nhân tạo được tổ chức ở trụ sở EU tại Brussels vào ngày 21/4/2021 - Ảnh: Olivier Hoslet, Pool (AP)

Bản dự luật bao gồm các điều khoản dành cho những ứng dụng tiềm tàng nhiều hiểm hoạ, chẳng hạn các hệ thống AI phân biệt đối xử trong giáo dục, tuyển dụng, hay cho vay. Một vài ứng dụng AI bị cấm hoàn toàn, ví dụ hệ thống “tín dụng xã hội” với chức năng phán xét người dân dựa theo hành vi của họ.

Đây là động thái mới nhất nhằm khẳng định vị thế của liên minh 27 quốc gia trên đấu trường công nghệ quốc tế, cố gắng bắt kịp hai gã khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc. Các quan chức EU cho biết toàn khối sẽ thực hiện cách tiếp cận “4 mức độ rủi ro” nhằm đảm bảo quyền lợi cá nhân lẫn động lực cho những phát minh công nghệ mới.

Bản thảo trên vẫn còn chặng đường dài trước khi trở thành bộ luật chính thức. Đầu tiên bản thảo phải được Hội đồng và Nghị viện châu Âu xem xét và tu chỉnh nếu cần thiết, một tiến trình có thể kéo dài vài năm. Hiện các nhà chức trách vẫn chưa đưa ra được mốc thời gian cụ thể.

Được biết EU trước giờ vẫn là liên minh tiên phong thực hiện những động thái có sức ảnh hưởng sâu rộng về chế tài công nghệ. Margrethe Vestager, chánh uỷ phụ trách vấn đề cạnh tranh của khối, từng đệ đơn kiện chống độc quyền nhằm vào các ông lớn Thung lũng Silicon như Google trước khi các vụ kiện này trở thành chuyện thường ngày. Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung hay GDPR, bộ luật nghiêm ngặt được EU đặt ra trong cuộc chiến bảo vệ quyền riêng tư, thực tế đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu.

Tuy những vụ kiện liên quan đến quyền riêng tư nhận được nhiều sự ủng hộ, Google lại tiếp tục thắng thế trên không gian mạng. Quan chức EU hiện vẫn cố gắng cải thiện các quy định bảo vệ người sử dụng Internet khỏi những nội dung độc hại và các vụ mua bán lọc lừa.

Theo các đề xuất, việc lạm dụng AI bao gồm các hành vi thao túng, lợi dụng trẻ em hay sử dụng các dạng chuyển tải thông tin đánh vào tiềm thức.

Một trong những mảng bị nghiêm cấm là vấn đề “nhận diện sinh trắc từ xa” gây tranh cãi, chẳng hạn như nhận diện khuôn mặt của một cá nhân cụ thể trong đám đông. Bà Vestager nói: “Giám sát hàng loạt hoàn toàn không có chỗ đứng trong xã hội chúng ta.”

Một vài ứng dụng của công nghệ này như tìm trẻ lạc, truy nã, hay ngăn chặn khủng bố vẫn có đất sống. Song, nhiều nhà làm luật EU cùng các nhóm ủng hộ quyền lợi không gian số vẫn muốn cấm triệt để bởi quan ngại nhiều chính quyền có thể lợi dụng lỗ hổng này để biện bạch cho các vi phạm trong tương lai.

Patrick Breyer, một nhà làm luật EU, phát biểu: “Các công nghệ sinh trắc và giám sát hàng loạt sử dụng tại các không gian công cộng sẽ phương hại đến sự tự do và xã hội mở của chúng ta. Chúng ta không thể để công nghệ này phân biệt đối xử và buộc tội sai bất cứ ai.”

Theo bà Vestager, nhiều ứng dụng AI khác được cho là có độ nguy hiểm cao bởi chúng “can dự vào nhiều mặt quan trọng trong cuộc sống” như các phiên toà hình sự, vấn đề thi hành pháp luật, hạ tầng cơ sở trọng yếu như phương tiện giao thông - ví dụ như phần mềm điều khiển xe tự lái - cùng vấn đề quản lý nhập cư, tị nạn, và kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, chúng vẫn được cho phép sử dụng miễn là người vận hành tuân thủ các điều lệ như sử dụng dữ liệu chất lượng cao nhằm giảm thiểu nguy cơ phân biệt đối xử và đảm bảo luôn có sự giám sát của con người.

Bản dự luật cũng đề cập đến các ứng dụng AI có “mức nguy hiểm thấp” như chatbot (ứng dụng trao đổi tin nhắn tự động) phải được gán nhãn để người đối diện biết họ đang trò chuyện với máy. Theo các quan chức, phần lớn ứng dụng AI, như bộ lọc thư rác, sẽ không bị dự luật chế định, hoặc đã được quy định trong các luật bảo vệ người tiêu dùng hiện hữu.

Uỷ ban Châu Âu đề nghị thành lập Ban Trí tuệ Nhân tạo nhằm phát triển các tiêu chuẩn và thi hành các điều luật sẽ được áp dụng cho bất cứ nhà cung cấp cũng như bất cứ ai sử dụng hệ thống AI mà ảnh hưởng đến công dân của khối.

Số tiền phạt xử lý vi phạm có thể lên đến 30.000 EUR hoặc 6% doanh thu toàn cầu trong năm đối với các công ty, áp dụng mức phạt cao hơn. Tuy nhiên, theo bà Vestager, trước khi bị phạt, bên cung cấp sẽ được các nhà chức trách yêu cầu sửa lại sản phẩm AI của họ hoặc ngừng buôn bán mặt hàng đó.

Giới quan chức EU cho biết các dự luật nằm trong nỗ lực bắt kịp Mỹ và Trung Quốc về mảng công nghệ, thúc đẩy ngành này phát triển bằng cách quy định các công ty minh bạch hơn, từ đó gia tăng tín nhiệm người dùng đối với các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán