Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Tham vọng vũ trụ của Việt Nam: làm chủ công nghệ vệ tinh

Vào năm 2020, Việt Nam sẽ có trung tâm vũ trụ đầu tiên. Dự đoán đây sẽ là trung tâm vũ trụ hàng đầu Đông Nam Á. Sau đây là buổi phỏng vấn với ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia về vấn đề này.



Ảnh: tuoitrenews.vn

Ngày 19 tháng 9 năm 2012, lễ khởi công trung tâm vệ tinh đầu tiên Việt Nam đã diễn ra tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho biết trung tâm này sẽ hoàn thành vào năm 2020, giúp nước ta có thể tự sản xuất và phóng vệ tinh vào quỹ đạo. Ông cũng hy vọng trung tâm 700 triệu USD này có thể hợp tác với phía Nhật Bản để tạo thành một chuỗi cung cấp các giải pháp công nghệ cho các nước láng giềng trong tương lai.

Dưới đây là phỏng vấn Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn về vấn đề này

Trung tâm vũ trụ là một dự án công nghệ cao quy mô lớn được chuẩn bị trong thời gian rất ngắn. Ông có thể nói rõ hơn về quá trình chuẩn bị?

Vào năm 2008, khi Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất dự án, Chính phủ đã ủng hộ. Ít lâu sau, trong các chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã nhiều lần đề xuất dự án này với Chính phủ Nhật Bản. Tôi muốn nhấn mạnh đây là một dự án rất đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao dùng vốn ODA.

Tháng 9 năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức đề nghị với Thủ tướng Nhật Bản về dự án này trong chuyến thăm Nhật. Tháng 5 năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm trung tâm vũ trụ Nhật Bản để tìm hiểu về mô hình và cách vận hành.

Tháng 10 năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục đề nghị Nhật Bản hỗ trợ dự án này của Việt Nam. Hai bên đã có nhiều chuyến thăm, làm việc về vấn đề này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đánh giá tính khả thi của dự án và đưa vào danh sách một trong những dự án được ưu tiên cho vốn ODA.

Trung tâm vũ trụ này có thể nói là một bước ngoặt trong các dự án ODA đối với Việt Nam và Nhật Bản.



Mô hình trung tâm vũ trụ. Ảnh: Trung tâm Vệ tinh Quốc gia Việt Nam

Nhiệm vụ của trung tâm vũ trụ đầu tiên của Việt Nam là gì khi nó hoàn thành vào năm 2020?

Theo chiến lược vũ trụ của Việt Nam đến năm 2020, vào thời điểm đó, chúng ta sẽ có thể tự sản xuất các vệ tinh quan sát trái đất nhỏ. Đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên cho trung tâm vũ trụ Việt Nam. Khi chúng ta có vệ tinh, chúng ta sẽ dùng những hình ảnh vệ tinh để áp dụng vào đời sống thực tế.

Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh để theo dõi và cảnh báo các vấn đề thiên tai, dự báo sản lượng thủy sản, ông nghiệp, cập nhật bản đồ điện tử cho việc quản lý và quy vùng đất đai, nghiên cứu thay đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác.

Hiện nay, nếu chúng ta muốn có ảnh vệ tinh, chúng ta phải đặt trước, hai ngày sau mới nhận được. Nhưng nếu có trung tâm này, mọi việc sẽ được thực hiện trong vòng 6 giờ. Hơn nữa, chúng ta sẽ giảm thiệt hại về tài sản và con người nhờ những cảnh báo của trung tâm vũ trụ này.

Nhiệm vụ thứ ba là đào tạo chuyên gia. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ gửi 70 cán bộ sang Nhật học về công nghệ và ứng dụng vệ tinh.

Chúng ta có tham vọng nào xa hơn trong tương lai không?

Tham vọng của chúng ta là làm chủ công nghệ trong thiết kế, sản xuất và vận hành vệ tinh. Tất cả sẽ được thực hiện tại Việt Nam bởi các chuyên gia Việt Nam.

Trong tương lai, trung tâm của chúng ta có thể hợp tác với phía Nhật để hình thành một chuỗi cung ứng các giải pháp công nghệ cho các quốc gia láng giềng.

So với các quốc gia láng giềng, trung tâm vũ trụ Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào?

Tất cả quốc gia đều có tham vọng làm chủ vũ trụ. Nhưng đến năm 2020, chúng ta sẽ sở hữu một trung tâm vũ trụ hàng đầu Đông Nam Á.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã đầu tư, nhưng sự đầu tư của chúng ta thì có phương pháp và đồng bộ. Ví dụ, Thái Lan thì mạnh về ứng dụng, còn Malaysia thì tập trung vào phát triển các vệ tinh nhỏ.

Chúng ta cần làm gì để tiến độ của dự án được đảo bảm?

Phía Nhật Bản đã hứa sẽ thực hiện đúng tiến độ và cam kết hoàn thành những công trình cơ bản vào năm 2016 như là một nền tảng để phóng vệ tinh đầu tiên vào đầu năm 2017.

Vệ tinh này sẽ do Nhật Bản thiết kế và sản xuất. Sau đó, vệ tinh thứ hai sẽ được thiết kế và lắp ráp ngay tại trung tâm vũ trụ này ở Việt Nam. Đến cuối năm 2020, vệ tinh sản xuất ở Việt Nam sẽ hoàn thành và được phóng vào quỹ đạo.

Cho đến nay, vốn không còn là vấn đề nữa. Với cam kết mạnh mẽ của chính phủ hai nước, tôi tin dự án này sẽ được triển khai đúng kế hoạch đề ra.

Năm nay, chúng ta có 24 nhân viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về quản lý dự án. Trong 3 năm tới, sẽ có 36 kỹ sư được đào tạo trình độ sau đại học về công nghệ vệ tinh tại 5 trường đại học ở Nhật Bản và 32 kỹ sư được đào tạo về ứng dụng công nghệ vệ tinh. Chúng ta hoàn toàn đủ tự tin để vận hành trung tâm vũ trụ này.

Sơn Dương
Theo www.tuoitrenews.vn

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán