Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Sản xuất & thị trường cà phê thế giới

Từ những năm 1800, cà phê là mặt hàng thương mại quốc tế có giá trị. Tổ chức Cà phê Quốc tế (International Coffee Organization - ICO) được thành lập vào năm 1963 và hoạt động theo các Hiệp định Cà phê Quốc tế năm 1962, 1968, 1976, 1983, 1994 và 2001, các thỏa thuận đã được đàm phán dưới quyền của Liên Hiệp Quốc. Các Hiệp định Cà phê Quốc tế là nỗ lực thành công nhất để kiểm soát nguồn cung cà phê. Giai đoạn từ những năm 1960 đến năm 1989, các hiệp định đã giúp ổn định thị trường và kìm hãm sự giảm giá. Các thỏa thuận bao gồm cả nước nhập khẩu và xuất khẩu, sử dụng hệ thống hạn ngạch, thực hiện kiểm soát giá và thúc đẩy tiêu thụ cà phê. Các thỏa thuận đầu tiên đã giúp củng cố nền kinh tế của các quốc gia sản xuất cà phê ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Thành công của các Hiệp định Cà phê Quốc tế là nỗ lực của Hoa Kỳ, đã giúp thực thi hệ thống hạn ngạch trong việc ngăn chặn chính trị gây bất ổn cho các nước Mỹ Latinh nghèo. Nhưng khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận vào năm 1989, các vấn đề đã nảy sinh. Vì vậy năm 1989, ICO đã gia hạn thỏa thuận năm 1983 để có thêm thời gian đàm phán, đình chỉ hệ thống hạn ngạch, giảm giá cà phê xuống khoảng 1/2 so với trước đó và ghi nhận mức thấp vào đầu những năm 1990. ICO đã không thể đạt được sự đồng thuận về quy định giá, và giá cà phê giảm mạnh. Cà phê chiếm gần 1/2 tổng xuất khẩu từ các nước nhiệt đới và là đại diện cho các vấn đề kinh tế và nông nghiệp mà các nước đang phát triển phải đối mặt ngày nay. Đến năm 2001, giá cà phê đã giảm xuống mức thấp nhất chưa từng có, tổng cộng chưa bằng 1/3 của năm 1960. Sự sụt giảm về giá này đã tác động đến hơn 25 triệu hộ gia đình tại các quốc gia sản xuất cà phê và làm suy yếu sự bền vững kinh tế của các quốc gia ở Mỹ Latinh, Châu Á và Châu Phi. Nguyên nhân của sự sụt giảm giá cà phê là do dỡ bỏ quy định giá của Hiệp định Cà phê Quốc tế làm thị trường biến động dẫn đến việc trồng trọt tăng khiến cung vượt cầu. Trong năm 2001 và 2002, sản lượng cà phê thế giới được ước tính là khoảng 116 triệu bao (60 kg/bao), trong khi tiêu thụ chỉ có 5 triệu bao. Từ những năm 1990, Việt Nam cũng trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn. Các nhà kinh tế cho rằng việc tăng kiểm soát nguồn cung, điều tiết giá cả và thương mại công bằng có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng cà phê hiện nay. Thương mại công bằng đảm bảo cho nông dân một mức giá tối thiểu cố định cho cà phê, loại bỏ các nhà xuất khẩu trung gian. Các nước sản xuất cà phê cũng phải giảm bớt sự phụ thuộc xuất khẩu và đa dạng hóa các loại cây trồng thay thế. Nhưng điều này khó thực hiện, đặc biệt là các nước Châu Phi nghèo phụ thuộc vào cà phê như Burundi, Uganda và Ethiopia, nơi mà hơn 1/2 thu nhập xuất khẩu phụ thuộc vào cà phê. Giá cà phê giảm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nông dân ở các nước sản xuất, nhưng tại Hoa Kỳ - nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới - những biến động như vậy hầu như không đáng kể. Thị trường cà phê thế giới bị chi phối bởi bốn tập đoàn đa quốc gia: Kraft General Food (chủ sở hữu Maxwell House), Nestle, Proctor & Gamble (chủ sở hữu Folgers và nhiều thương hiệu khác) và Sara Lee (chủ sở hữu của Chock Full O'Nuts và Hills Brothers). Trong một thị trường không được kiểm soát, các tập đoàn lớn đã chi phối giá cà phê thế giới. Với các chính sách tự do hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thiết lập vào năm 1995 gồm 134 quốc gia thành viên đàm phán và điều chỉnh về các hiệp định thương mại cũng làm ảnh hưởng đến giá cà phê thế giới.

Ở các quốc gia như Ethiopia, các nhà sản xuất cà phê nhỏ đã phải chịu hậu quả của WTO. Việc thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu và điều chỉnh một hệ thống tiền tệ quốc tế, tư nhân hóa các doanh nghiệp công và xóa bỏ các hạn chế đối với quyền sở hữu nước ngoài ở nhiều nước đang phát triển đã ký kết thỏa thuận IMF cho vay. Việc ký kết IMF cũng bao gồm một cam kết cho vay mới từ các nhà cho vay quốc tế tư nhân. Do đó, tổng thu nhập quốc dân ở các nước Châu Phi cận Sahara đã bị ảnh hưởng, và thị phần thương mại của Châu Phi đã giảm đi trong 20 năm qua - tỷ lệ thương mại thế giới của Châu Phi đã giảm xuống còn 1% và 7 triệu người ở Ethiopia hiện đang phụ thuộc vào viện trợ thực phẩm hàng năm. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) giám sát các trung tâm phát triển và hệ thống phân phối của nhà máy cà phê và xu hướng tiêu dùng trên toàn thế giới. Trong số liệu thống kê năm 2016, FAO đã đề cập đến 8 chủ đề quan trọng của an ninh lương thực ảnh hưởng đến lợi nhuận dự kiến của các mặt hàng như cà phê trong năm 2030.



Tầm quan trọng của cà phê đối với nền kinh tế thế giới là không thể phủ nhận vì đây là một trong những sản phẩm chính có giá trị trong thương mại thế giới. Sản lượng cà phê thế giới đã tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua, đạt gần 9 triệu tấn vào năm 2012. Theo FAO, cà phê chất lượng được sản xuất tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới, hầu hết là thành viên của Tổ chức Cà phê Quốc tế. Brazil sản xuất hơn 1/3 tổng sản lượng cà phê trong năm 2012. Sản lượng của Colombia tăng mạnh trong thập niên 90, nhưng hiện tại đã bị Việt Nam và Indonesia vượt qua. Việt Nam trở thành một đối thủ cạnh tranh khốc liệt khi tổng giá trị sản lượng hiện chỉ đứng sau Brazil, và Indonesia là nhà sản xuất cà phê lớn thứ ba. Các quốc gia Châu Á này ít biến động về số lượng sản xuất so với Brazil và Colombia. Hiện Brazil đã tăng gấp ba lần về giá trị, vẫn cao hơn đáng kể so với bất kỳ quốc gia nào khác và vẫn là nhà sản xuất cà phê quan trọng và ảnh hưởng mạnh nhất đến sản lượng của thế giới. Nhìn chung, sản lượng cà phê trên thế giới tăng trưởng mạnh trong 30 năm qua, bất chấp sự biến động theo mùa. Một số quốc gia sản xuất hàng đầu đã bị các đối thủ mới nổi (Việt Nam và Indonesia) vượt qua. 



Theo Business Insider, cà phê là mặt hàng được tìm kiếm nhiều thứ hai trên toàn thế giới, một ngành công nghiệp trị giá hơn 100 tỷ USD trên toàn cầu. Chỉ riêng xuất khẩu, ngành công nghiệp này trị giá 20 tỷ USD và tiếp tục tăng trung bình với 500 tỷ ly cà phê được tiêu thụ mỗi năm trên thế giới. Ngành công nghiệp cà phê đang tăng trưởng kép hàng năm là 5,5% và cà phê được sản xuất gần như độc quyền tại các quốc gia đang phát triển. Trong số các khu vực này, Nam Mỹ được xếp hạng là nhà sản xuất cà phê lớn nhất, điển hình như Brazil sản xuất khoảng 43,2 triệu bao cà phê, chiếm khoảng 27% trong tổng số 158,93 triệu bao được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm. Người tiêu dùng chính có độ tuổi từ 19 đến 34. Dự kiến tăng trưởng mạnh nhất là ở Trung Quốc, Panama, Kenya, Senegal và Hoa Kỳ. Tại Mỹ, cà phê chiếm 1,6% tổng GDP, người tiêu dùng đã chi hơn 74,2 tỷ USD cho sản phẩm này và cung cấp 1.695.710 việc làm. Những nhà tiêu dùng cà phê lớn nhất chủ yếu đến từ Châu Âu, Hà Lan ở mức 260,4 lít/người, Phần Lan ở mức 184,9 lít/người, Canada ở mức 152,1 lít/người, và Thụy Điển ở mức 141,9 lít/người. Các công ty danh tiếng nhất trong thị trường cà phê bao gồm Công ty J.M. Smucker, Công ty Kraft Heinz, Tập đoàn Starbucks, Nestle S.A. và Dunkin' Donuts. Thị trường cà phê hiện đang có sự tăng trưởng đáng kể ở các nền kinh tế trên thế giới, với sự gia tăng đô thị hóa và nhu cầu về sản phẩm nhanh, chất lượng, thúc đẩy sự mở rộng. Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới tạo nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp này. Theo báo cáo của USDA (U.S. Department of Agriculture), sản lượng cà phê thế giới năm 2018/19 được dự báo cao hơn 11,4 triệu bao so với năm trước (mức kỷ lục 171,2 triệu bao) do sản lượng kỷ lục của Brazil. Với dự báo tiêu thụ toàn cầu ở mức kỷ lục 163,2 triệu bao, xuất khẩu được dự kiến sẽ tăng đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ. Chứng khoán được dự báo sẽ tăng trở lại sau 3 năm sụt giảm.



Nguồn: USDA

Sản xuất của Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 600.000 bao lên mức kỷ lục 29,9 triệu vì thời tiết mát mẻ hơn và những cơn mưa trái mùa. Cà phê vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, trong khi xuất khẩu lớn nhất vẫn là gạo. Sản xuất cà phê ở Việt Nam đã được mở rộng nhanh chóng - từ 6.000 tấn trong năm 1975 lên gần 2 triệu tấn trong năm 2016. Sự tăng trưởng này giúp Việt Nam giữ vị trí thứ hai các nước sản xuất cà phê quan trọng nhất thế giới. Tổng sản lượng của Trung Mỹ và Mexico được dự báo không thay đổi ở mức 20,3 triệu bao. Sản lượng ở Guatemala, Honduras, Mexico và Panama trong giai đoạn này đã phục hồi, nhưng vẫn bị suy thoái ở Costa Rica, ElSalvador và Nicaragua. Sản lượng của Colombia được dự báo không thay đổi với 14,5 triệu bao mặc dù sản lượng vẫn cao trong điều kiện tăng trưởng thuận lợi. Sản lượng Indonesia được dự báo sẽ tăng 500.000 lên 11,1 triệu bao. Sản lượng Robusta dự kiến sẽ đạt 9,7 triệu bao trong điều kiện phát triển thuận lợi ở các vùng đất thấp ở Nam Sumatra và Java, nơi có khoảng 75% diện tích đất được trồng. Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu hạt cà phê lớn thứ hai trên thế giới, dự báo sẽ tăng 2,4 triệu bao lên 27 triệu bao. Các quốc gia cung cấp cà phê hàng đầu cho Hoa Kỳ là: Brazil - 23%, Colombia - 22%, Việt Nam - 15%, Honduras - 6%.

Sung Tích
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán