Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Walmart - Tập đoàn có doanh thu lớn nhất thế giới

Ngày 02/07/1962, Sam Walton khai trương cửa hàng Walmart đầu tiên tại Rogers, Arkansas. Mục tiêu của Walmart là mang đến cho khách hàng nhiều loại hàng hóa chất lượng với giá cả hợp lý. Không ai có thể hình dung được chính Walmart đã làm thay đổi thị trường bán lẻ của thế giới và sẽ tiếp tục tạo nên những sự thay đổi lớn đối với dịch vụ này trong tương lai. Walmart trở thành công ty quốc tế vào năm 1991 và cổ phiếu của Walmart được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York vào năm 1972.



Một cửa hàng của Walmart - Ảnh: sandiegofreepress.org

Với những thăng trầm sau gần 40 năm đi vào hoạt động, Walmart trở thành tập đoàn có doanh thu lớn nhất thế giới, vượt xa tập đoàn bán lẻ đứng thứ hai thế giới là Carrefour của Pháp. Doanh thu của Carrefour chỉ gần bằng một nửa của Walmart. Walmart bước vào thế kỷ 21 với những thay đổi về cách thức tiếp cận khách hàng và các hình thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin, với hình thức mua bán online.

Một số cột mốc:

Năm 2000, trang walmart.com được thành lập cho phép khách hàng mua sắm trực tuyến. Walmart sử dụng hơn 1,1 triệu liên kết trong tổng số 3.989 cửa hàng và câu lạc bộ trên toàn thế giới.

Năm 2002, Walmart đứng đầu bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất của Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn.

Năm 2002, Walmart bước vào thị trường Nhật Bản thông qua việc đầu tư vào hệ thống siêu thị Seiyu.

Năm 2005, Walmart là nhà viện trợ chính cho nạn nhân của bão Katrina và Rita.

Năm 2007, trang walmart.com cho phép khách hàng thực hiện mua hàng trực tuyến và nhận hàng hóa tại tất cả các cửa hàng có sự hiện diện của Walmart trên toàn thế giới.

Năm 2009, lần đầu tiên Walmart đạt doanh thu hơn 400 tỷ USD.

Năm 2010, Walmart liên doanh với Bharti Enterprises - một công ty chuyên bán lẻ lớn nhất Ấn Độ.

Năm 2011, Walmart đã có hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới, sau khi mua lại công ty Massmart ở Nam Phi.

Năm 2011, hai cửa hàng nhỏ Walmart Express đầu tiên đã được mở cửa ở Arkansas và WalmartLabs (phòng nghiên cứu của Walmart) cũng được ra đời.

Năm 2012, Walmart kỷ niệm 50 năm thành lập.

Hiện nay, Walmart sử dụng 2,2 triệu nhân sự trên toàn thế giới, phục vụ 200 triệu khách hàng mỗi tuần tại hơn 10.000 cửa hàng ở 27 quốc gia bên ngoài nước Mỹ. Wamart quốc tế (Walmart International) hiện nay là bộ phận phát triển nhanh nhất của Walmart và được dẫn dắt bởi Doug McMillon. Kể từ ngày 01/02/2014, Doug McMillon chính thức trở thành CEO của tập đoàn Walmart thay cho Michael Duke - người kế nhiệm Lee Scott vào năm 2009.



Walmart - Biểu tượng của nền kinh tế Hoa Kỳ Ảnh: deadlysins.info

Walmart đang có doanh thu xấp xỉ 500 tỉ USD hằng năm, nhưng lại đang chật vật trong việc tìm cách thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là tại thị trường Mỹ - nơi chiếm phần lớn doanh thu. Tháng 11/2013, tập đoàn báo cáo quý thứ 3 liên tiếp có doanh số bán thấp ở Mỹ và Walmart International cũng có dấu hiệu cho thấy doanh thu đang giảm sút. Dưới sự lãnh đạo của ông McMillon từ năm 2009, Walmart International gồm các cơ sở hoạt động bên ngoài nước Mỹ với 6.000 cửa hàng và trên 823.000 nhân viên tại 26 quốc gia, doanh số bán đạt 135 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/01/2013, chiếm 29% tổng doanh thu của Walmart.



Doug McMillon - CEO mới của Walmart từ ngày 01/02/2014 - Ảnh: cnn.com

Tổ chức nghiên cứu Buckingham Research Group cho rằng, McMillon dày dặn kinh nghiệm và là "sự lựa chọn tuyệt vời" với sự cống hiến của ông trong suốt 22 năm làm việc tại Walmart. Giá cổ phiếu Walmart đã tăng 0,8% vào hôm 25/11/2013, đạt 80,43 USD/cổ phiếu sau khi nghe tin Doug McMillon được bổ nhiệm làm CEO cho Walmart. Điều này cho thấy, bản thân các nhà đầu tư cũng đặt kỳ vọng rất lớn ở McMillon. Sự ủng hộ bước đầu là điều mà McMillon đang rất cần, bởi ông sẽ là người lèo lái Walmart vào đúng thời điểm vô cùng khó khăn này.

Mua sắm trực tuyến đang dần thay thế cách mua truyền thống. Trong quý III năm 2013, doanh số bán lẻ trực tuyến của Walmart đã tăng 40% và tập đoàn dự kiến bộ phận thương mại điện tử sẽ đạt con số 10 tỉ USD, chiếm 2,1% tổng doanh số năm 2013. Tuy nhiên, Walmart vẫn chưa phát huy hết tiềm lực sẵn có của mình và vẫn còn bị bỏ xa bởi Amazon với doanh số đạt 61 tỉ USD năm 2013. Theo các nhà phân tích, Amazon đã chiếm thị phần của Walmart đối với sản phẩm như sách, âm nhạc, đĩa phim, đồ điện tử và đồ chơi. Amazon vẫn đang trên đà phát triển, với doanh thu dự báo sẽ lên tới 100 tỷ USD vào năm 2015. Hiện nay, Walmart vẫn chưa có chiến lược cụ thể cho việc kinh doanh trưc tuyến mà vẫn tiếp tục đầu tư lớn với kế hoạch mở ra khoảng 130 đại siêu thị trong năm 2014. Tuy nhiên, Walmart vẫn có thể thành công trên thị trường trực tuyến mà không phải biến thành Amazon thứ hai. Các nhân sự của Walmart luôn lặp lại rằng cách duy nhất để thành công là "giữ bản sắc của Walmart". Và họ nói đúng. Walmart không cần đến một sự thay đổi lớn lao. Điều công ty cần làm là làm chủ công nghệ kỹ thuật số giống như họ đã từng làm với công nghệ thông tin. Thay vì theo đuổi Amazon, Walmart cần tạo dựng vị thế cho mình tại thế giới kỹ thuật số, giống như đã làm trong thế giới thực.

Trong năm tài khóa 2012, Walmart đạt doanh thu xấp xỉ 444 tỷ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì trong một thập kỷ nữa, doanh số hằng năm của Walmart có thể vượt 1.000 tỷ USD. Những số liệu này chỉ một quốc gia mạnh mới có thể có được. Nếu như giai đoạn giữa thế kỷ 20 được xem là kỷ nguyên của hãng sản xuất xe hơi General Motors và giai đoạn cuối thế kỷ 20 là của hãng phần mềm Microsoft, thì đầu thế kỷ 21 này rõ ràng đã là của Walmart.



Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp ông Bill Fouldy tại Hà Nội Ảnh: vietnambreakingnews.com

Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Walmart ông Bill Fouldy đã đề cập đến việc xúc tiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tới chuỗi cửa hàng bán lẻ của hãng này trên thế giới, đồng thời bày tỏ mong muốn thiết lập cơ sở bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông Fouldy cho biết, văn phòng đại diện của Walmart tại TP.HCM đã được mở từ tháng 6/2013, tìm hiểu các đầu mối sản xuất hàng hóa của Việt Nam về giày dép, hàng may mặc, vật dụng gia đình để xuất khẩu đến chuỗi cửa hàng bán lẻ của hãng tại Canada, Chi-lê, Mexico và Trung Quốc. Walmart cũng mong muốn mở rộng mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam tới các đại lý của hãng và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại châu Á, Walmart đã có mặt ở Trung Quốc, Nhật và Ấn Độ. Riêng tại Hàn Quốc, chuỗi bán lẻ này đã phải rút lui và nhượng lại cho đối tác bán lẻ trong nước cách đây vài năm vì kinh doanh kém hiệu quả. Thị trường bán lẻ Việt Nam vừa chào đón Tập đoàn Aeon của Nhật. Tập đoàn này đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam là Aeon Mall Celadon City ở quận Tân Phú, TP.HCM, với vốn đầu tư hơn 100 triệu USD. Sự xuất hiện của Walmart trong tương lai có thể là cú hích mới cho ngành bán lẻ trong nước.

Sung Tích
(Tổng hợp)

Các nguồn tham khảo:

- The New York Times
- Business Insider
- Fortune Magazing
- VP VCCI

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán