Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Giáo dục đạo đức cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi

Trẻ em trải qua nhiều thay đổi trong độ tuổi từ 6 đến 12. Chúng bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về thế giới xung quanh, kể cả những khái niệm phức tạp như sự công bằng hay lòng trung thành. Đồng thời, ở độ tuổi này, trẻ cũng trở nên độc lập hơn, ít phụ thuộc vào cha mẹ. Chúng bắt đầu phát triển ý thức đạo đức, vì vậy các bậc phụ huynh cần phát huy những ảnh hưởng tích cực để trẻ được thấm nhuần những giá trị quan trọng trong cuộc sống.



Ảnh minh họa

Những sự phát triển điển hình

Rất khó để xác định những cột mốc phát triển trong đạo đức của trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 12 vì mỗi trẻ sẽ có tốc độ nhận thức và phát triển khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những sự phát triển nhất định ở trẻ mà các bậc phụ huynh có thể nhận thấy ở giai đoạn này. Trẻ bắt đầu học hỏi những thứ từ quan điểm của người khác để trở nên đồng cảm, biết tại sao mình không nên làm những việc như nói dối, trộm cắp hay phản bội bạn bè. Ngoài ra, trẻ cũng có khả năng chịu đựng tốt hơn khi gặp thất bại hay thất vọng về một điều gì đó. Điều này sẽ giúp trẻ tránh việc mắng mỏ, nói hay làm những điều gây tổn thương cho người khác.

Làm gương cho trẻ

Nếu trẻ em biết điều nào là đúng cần phải làm thì chúng sẽ thường xuyên làm điều đó. Vì vậy, đối với cha mẹ, điều quan trọng là cần phải làm gương để trẻ noi theo, giúp trẻ phát triển ý thức đạo đức và chỉ làm những điều đúng đắn. Người lớn cần cư xử một cách thận trọng và biết tôn trọng người khác cũng như tôn trọng con cái của chính mình. Điều này sẽ giúp trẻ biết cách cư xử đúng mực với người khác trong nhiều tình huống khác nhau.

Trò chuyện với trẻ

Những gì phụ huynh nói cũng quan trọng như những gì phụ huynh làm. Theo Ohio State University Extension, cha mẹ nên trò chuyện với con cái về những giá trị đạo đức và hành động để chứng minh những giá trị đó. Ví dụ như đọc những quyển sách mang thông điệp về đạo đức, nói về những gì bạn nhìn thấy trên TV hay phim ảnh…Ở độ tuổi từ 6 đến 12, trẻ đang trong quá trình tìm hiểu về thế giới và trở nên độc lập hơn. Vì vậy, việc dạy cho trẻ tư duy phê phán cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng mà cha mẹ nên làm. Không phải tất cả các tình huống đều có câu trả lời rõ ràng là cái nào đúng, cái nào sai. Cho nên trẻ em cần biết cách đánh giá từng trường hợp để cư xử một cách đúng đắn.

Dạy trẻ lòng vị tha

Trẻ em có thể học được sự đồng cảm và phát triển một ý thức mạnh mẽ về đạo đức bằng cách giúp đỡ người khác. Cũng theo Ohio State University Extension, các công việc tình nguyện và đóng góp vào quỹ từ thiện có thể giúp trẻ học hỏi được tinh thần trách nhiệm và mang lại giá trị cho chính bản thân mình. Thậm chí giao cho trẻ làm các việc vặt xung quanh nhà, bảo trẻ giúp đỡ những đứa bé nhỏ hơn cũng là cách giúp trẻ xây dựng ý thức trách nhiệm, hiểu được tầm quan trọng của làm việc nhóm vì lợi ích chung của tất cả mọi người.

Mỹ Hằng
Theo globalpost.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán