Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Mặc dù vẫn còn đi sau các nước tiên tiến trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, nhưng Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong lĩnh vực này.



Cấy tạo tôm càng xanh đực bằng cách vi phẫu tuyến hoóc môn tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2

Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số và đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã tìm kiếm các giải pháp tối ưu để kịp thời xử lý những vấn đề trên nhằm phát triển một nền nông nghiệp xanh bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và góp phần vào an ninh lương thực thế giới. Trong đó, giải pháp công nghệ sinh học được xem là một chiến lược quan trọng.

Trong những năm gần đây, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong nước như Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã có những đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ở phía Nam - khu vực nông nghiệp quan trọng của đất nước.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất lúa gạo lớn nhất của đất nước, vì vậy việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất lúa gạo được coi là một yếu tố quyết định, giúp cải thiện các giống lúa, tăng sản lượng cũng như chất lượng gạo để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu và đối phó với tình hình biến đổi khí hậu.

Viện Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đã phát hiện ra một giống lúa có năng suất cao và chất lượng tốt. Viện cũng đã tìm thấy 30 giống lúa có chất lượng đầy hứa hẹn cho phép Viện phát triển với quy mô lớn sau khi kiểm tra thử nghiệm năng suất. Bên cạnh đó, Viện cũng đã nghiên cứu thành công công nghệ biến đổi gen để tạo ra một giống lúa có hàm lượng dinh dưỡng cao và có khả năng chịu đựng hạn hán.

Viện Cây ăn quả miền Nam thì tập trung vào việc nghiên cứu công nghệ sinh học để phát triển các loài cây ăn quả đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Công nghệ nổi bật nhất của Viện là nhân giống cây có múi không bệnh với kỹ thuật ghép "shoot-tip". Sử dụng kỹ thuật này, các nhà khoa học đã tạo ra những giống cây có múi có khả năng chống chọi với một số bệnh do vi rút gây ra. Cho đến nay, Viện đã chuyển giao nhiều giống cây trồng không bệnh có năng suất cao cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giúp họ chủ động trong việc canh tác và thu hoạch.

Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 2004 với tổng chi phí xây dựng khoảng 100 triệu USD. Trung tâm đã đạt được những kết quả ban đầu khi ứng dụng công nghệ sinh học trong việc lai tạo giống hoa lan và xác định được hơn 100 loài lan rừng quý hiếm ở Việt Nam.

Trung tâm cũng thực hiện thành công các nghiên cứu về dụng cụ PCR phòng chống vi rút và áp dụng hệ thống nhúng tạm thời vào nuôi trồng tế bào thực vật, giúp gia tăng số lượng cây giống có tỷ lệ sống sót cao hơn. Bên cạnh đó, trung tâm còn nghiên cứu thành công các đặc điểm kháng bệnh đốm trắng ở cá trê, sử dụng công nghệ tái hợp gen và tạo đột biến, cũng như nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào động vật để hoàn thành quá trình tạo ra các phôi bò bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã nghiên cứu và áp dụng những thành tựu công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón hữu cơ nhằm hướng tới một nền nông nghiệp xanh bền vững.

Công ty Thiên Sinh và Công ty TNHH Hữu Cơ là những công ty đi đầu trong việc áp dụng công nghệ vi sinh vật lên men để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học và phân bón hữu cơ vi sinh nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cải tạo đất và bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, các nhà khoa học cũng đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc ứng dụng công nghệ sinh học. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã thành công trong việc cấy tạo tôm sú không mang mầm bệnh, mở ra triển vọng lớn trong lĩnh vực xuất khẩu. Đối với cá trê, Viện cũng đã thành công khi áp dụng công nghệ sinh học để nghiên cứu kháng bệnh đốm trắng và tạo ra giống cá có tốc độ tăng trưởng cao, an toàn và sạch bệnh.

Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam cũng là đơn vị đã đạt được nhiều kết quả trên động vật. Những thành tựu bao gồm việc xác định gen để lựa chọn loài và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải thiện sinh sản để tạo ra giống bê có giới tính mong muốn và công nghệ cấy phôi thai trong bụng mẹ. Tất cả những thành tựu này đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển lĩnh vực chăn nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh.

Công nghệ sinh học trên thế giới đã có những tiến bộ đáng kể. Một trong những thành tựu nổi bật là công nghệ biến đổi gen sinh vật (GMO).

Các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận với công nghệ này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về biến đổi gen, chủ yếu là trong giới nghiên cứu nên các nhà khoa học Việt Nam chỉ chọn lọc và áp dụng những thành tựu của công nghệ biến đổi gen nhằm mang lại lợi ích kinh tế và đảm bảo an toàn sinh học.



TS. Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một thí nghiệm trong phòng lên men tại trung tâm



Nghiên cứu phôi học tại Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam



Kiểm tra sự phát triển của cây trồng bằng dây chuyền công nghệ ánh sáng tại Trường Đại học Cửu Long



Một giảng viên của Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Cửu Long hướng dẫn sinh viên về kỹ thuật nuôi cấy mô cho cây chuối



Những cán bộ của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu việc biến đổi gen để tạo ra các giống lúa giàu chất dinh dưỡng và có thể chống chọi với hạn hán



Áp dụng công nghệ sinh học để phát triển mô tại Viện Cây ăn quả miền Nam



Hệ thống ống kính quang hợp sử dụng trong nuôi trồng rong biển tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2



Thiết bị lên men cho các sản phẩm vi sinh vật tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy 2



Một góc phòng thí nghiệm nông nghiệp tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh



Cá vược được kích thích sinh sản tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2



Dây chuyền đóng gói phân bón KOMIX của Công ty Thiên Sinh



Dây chuyền lên men vi sinh vật để sản xuất phân bón sinh học HUMIX tại Công ty TNHH Hữu Cơ



Kiểm tra chất lượng phân bón trong phòng thí nghiệm tại Công ty Thiên Sinh



Chăm sóc hoa lan tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh

Trần Đình Phú
Theo: english.vietnamnet.vn
Ảnh: english.vietnamnet.vn

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán