Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Khu vườn Nhật Bản

Nghệ thuật thiết kế và bài trí khu vườn được xem là một trong những phần quan trọng nhất của văn hóa Nhật Bản trong nhiều thế kỷ qua. Thiết kế vườn ở Nhật Bản có liên quan chặt chẽ đến triết lý và tôn giáo của đất nước này. Mọi người sử dụng triết lý của các tôn giáo như Thần đạo Nhật Bản, đạo Phật, đạo Lão để tạo ra các phong cách nhà vườn khác nhau nhằm mang lại ý nghĩa tinh thần cho các khu vườn và biến chúng thành nơi để mọi người tận hưởng sự yên bình và thiền định.

Lịch sử về các khu vườn ở Nhật Bản

Lịch sử về các khu vườn ở Nhật Bản có từ thế kỷ thứ VII. Những khu vườn Nhật Bản đầu tiên thể hiện tầm nhìn của Thần đạo Nhật Bản, đạo Phật và đạo Lão xuất hiện từ thời kỳ Asuka. Phong cảnh trong các khu vườn được thiết kế giống như hình dạng tự nhiên của chúng. Từ giai đoạn này, những nguyên tắc cơ bản của việc thiết kế một khu vườn được thiết lập.

Thời kỳ Heian là giai đoạn quan trọng tiếp theo của sự phát triển nghệ thuật làm vườn của Nhật Bản. Những khu vườn mang phong cách quý phái với các hồ nước nhân tạo và hải đảo được đặt phía trước. Thời kỳ Heian cũng là khoảng thời gian mà cuốn sách đầu tiên về kỹ thuật làm vườn được viết.

Trong suốt thời kỳ Kamakura và Muromachi, kỹ thuật làm vườn đã được cải tiến một cách đáng kể bởi sự nổi lên của phong cách Thiền định. Rất nhiều khu vườn được thiết kế trong khoảng thời gian đó là tài sản của các tướng quân, những người thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội Nhật Bản. Những khu vườn nổi tiếng được xây dựng trong thời đại Meiji thì thuộc về các doanh nhân và chính trị gia. Ngày nay, hầu hết những khu vườn này được mở ra cho công chúng tham quan và là một phần trong các công viên thành phố.

Những nguyên tắc cơ bản trong việc thiết kế vườn ở Nhật Bản

Bản thiết kế một khu vườn truyền thống ở Nhật phải tuân theo các nguyên tắc nghiêm ngặt sau:

  • Yếu tố tự nhiên: khu vườn phải được thiết kế trông như nó được phát triển một cách tự nhiên
  • Yếu tố không đối xứng: điều này tạo cho người nhìn cảm giác khu vườn phát triển tự nhiên
  • Số lẻ: những số lẻ như 3, 5 và 7 sẽ làm tăng hiệu ứng không đối xứng
  • Sự đơn giản: tuân theo ý tưởng "ít hơn có nghĩa là nhiều hơn"
  • Hình tam giác: đây là hình dạng thông dụng của các vật thể được làm từ đá, cây cối, v.v…
  • Yếu tố tương phản: tạo ra sự khác biệt rõ nét giữa các yếu tố
  • Đường thẳng: tạo nên sự yên bình
  • Đường cong: làm mềm các hiệu ứng
  • Yếu tố mở: cho thấy sự tương tác giữa các yếu tố

Những yếu tố cơ bản trong việc thiết kế vườn của Nhật Bản

Bản thiết kế của một khu vườn Nhật Bản dựa trên các nguyên tắc của sự tượng trưng. Những yếu tố cốt yếu đều mang những ý nghĩa khác nhau:

  • Một chiếc đèn lồng bằng đá đại diện cho 4 yếu tố trong tự nhiên: đất, nước, lửa và gió.
  • Bức tượng sư tử đực và cái được đặt ở lối vào của khu vườn để bảo vệ khu vườn từ những kẻ xâm nhập và đại diện cho hai yếu tố đối lập: âm và dương (lửa và nước, nam và nữ).
  • Những chậu nước sẽ tạo ra những âm thanh đặc biệt khi được đổ đầy nước.
  • Cá chép Nhật bơi trong hồ có ý nghĩa trang trí.
  • Những cây cầu đặc trưng của người Nhật được gọi là moonbridge có ý nghĩa phản ánh những cảm xúc nghệ thuật.



Moonbridge

Những kiểu vườn khác nhau ở Nhật

Những khu vườn truyền thống của Nhật được phân chia thành 5 loại khác nhau:

1. Khu vườn với đồi dốc và ao nước

Kiểu vườn này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những ao nước đại diện cho biển cả và những ngọn đồi tượng trưng cho các hòn đảo. Những yếu tố cần thiết trong một khu vườn gồm đèn lồng, cây xanh, cây cầu và ao nước. Với kỹ thuật tỉ mỉ, những yếu tố này được thiết kế gọn gàng trong những khoảng sân nhỏ.

2. Khu vườn với những phong cảnh khô thoáng

Kiểu vườn này trông rất đơn giản và hiện đại, thường được thiết kế trong khu vực nhỏ. Những khu vườn kiểu này thể hiện phong cảnh thiên nhiên theo cách rất trừu tượng bằng cách sử dụng đá, sỏi và cát để tạo ra những ngọn núi, hải đảo và sông ngòi. Khu vườn kiểu này sử dụng triết lý của Thiền tông và thường cố gắng thể hiện một ý nghĩa sâu sắc.

3. Vườn trà đạo

Vườn trà đạo tạo nên không khí thân mật và là một góc thư giãn lý tưởng. Vườn trà đạo được thiết kế để tổ chức các nghi lễ uống trà. Khu vườn có một phòng trà dùng để tổ chức nghi lễ và một bể nước được làm bằng đá dùng cho du khách tẩy uế trước khi tham gia vào nghi lễ.

4. Vườn dạo mát

Là kiểu vườn để mọi người có thể đi bộ và chiêm ngưỡng phong cảnh trong vườn. Khu vườn kiểu này phải đủ rộng lớn để du khách có thể đi bộ dọc những con đường mòn nối liền nhau từ khu vực này qua khu vực khác.

5. Vườn bên trong nhà

Kiểu vườn này làm cho chúng ta có cảm giác như đang ở bên ngoài nhưng thực chất là chúng ta vẫn ở trong nhà. Khác với kiểu vườn khác, tất cả những yếu tố trong khu vườn mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn là chức năng.

Trần Đình Phú
Theo japanorbit
Ảnh: Internet

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán