Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Louis Braille - người phát minh ra bảng hệ thống chữ nổi cho người mù

Phát minh ra bảng hệ thống chữ nổi khi chỉ mới 15 tuổi, Braille được vinh danh là “Người đem ánh sáng cho thế giới bóng tối”. Phát minh của ông được ví như một cuộc cách mạng làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của những người khiếm thị trên thế giới.



Tượng bán thân về Louis Braille của Étienne Leroux tại Thư viện Quốc gia Pháp - Ảnh: wikipedia.org

Louis Braille (1809 - 1852) sinh ra tại Coupvray, thị trấn nhỏ cách thủ đô Paris 20 dặm về phía Đông. Ông và 3 anh chị em sống cùng mẹ là bà Monique và cha là ông Simon-René trong khu đất rộng 3 hécta và những vườn nho ở vùng quê. Ông Simon-René là thợ thuộc da, làm nghề đóng yên ngựa.

Năm 3 tuổi, Braille mù cả hai mắt vì bị nhiễm trùng sau một tai nạn. Cha mẹ của Braille đã chăm lo cho người con bất hạnh của mình khá chu đáo. Họ đã cho Braille vào học ở trường dành cho người khuyết tật. Vào năm 1819, khi Braille được 10 tuổi, cha mẹ ông đã xin được học bổng cho Braille vào trường Hoàng gia cho người khiếm thị trẻ (Institution Royale des Jeunes Aveugles) tại Paris. Từ khi vào trường, Braille tỏ ra là một học sinh gương mẫu. Ông học giỏi tất cả các môn và giành được nhiều giải thưởng về lao động và học tập. Năng khiếu âm nhạc của ông cũng nảy nở, khi ông chơi thạo đàn Oocgan và Xelô.

Nơi Braille học chỉ có 14 quyển sách. Thời điểm đó, những đứa trẻ được học đọc các ký tự in nổi nhưng không thể học viết vì các ký tự được tạo thành do những trang giấy ép lên sợi dây đồng. Nhận ra những hạn chế của hệ thống chữ này, vào năm 1821, khi mới 12 tuổi Braille đã bắt đầu nghĩ đến việc sáng tạo ra một loại chữ viết mới thông qua việc cảm nhận bằng ngón tay dành cho người khiếm thị. Đó chính là chữ nổi Braille. Braille hoàn thiện nó vào năm 1824, lúc ông vừa tròn 15 tuổi. Phát minh trên lấy ý tưởng từ hệ thống chữ viết 12 chấm của đại úy Barbier cho phép người ta trao đổi mệnh lệnh quân đội trong đêm tối. Braille đã cải tiến hệ thống của mình còn 6 chấm nổi nhỏ gọn trên giấy, có thể viết được hết bảng chữ cái, cả ký hiệu toán học và nhạc lý.



Hệ thống chữ nổi Braille - Ảnh: express.be

Năm 1828, Braille làm trợ giảng rồi sau đó được bổ nhiệm làm giáo viên thực thụ của trường mà ông theo học. Ông dạy nhiều môn như: Văn phạm, Lịch sử, Địa lý, Đại số, Hình học, Nhạc…

Năm 1829, ông đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình mà ngày nay vẫn còn được dùng làm sách chính thức trong các trường, có tựa đề “Phương pháp viết chữ, nhạc, và các bài hát đơn giản bằng dấu chấm, để người mù sử dụng và được thiết kế cho họ, của Louis Braille, giáo viên tại Học viện Hoàng gia dành cho Thanh thiếu niên mù”.

Năm 1830, ông bắt đầu có những triệu chứng của bệnh lao phổi. Đến năm 1840, ông chỉ còn dạy nhạc. Louis Braille qua đời vào ngày 06/01/1852, khi mới 43 tuổi. Ông được chôn cất tại Coupvray theo yêu cầu của gia đình.

Năm 1895, phát minh của ông đã được thế giới thừa nhận là một phương tiện không thể thay thế trong lĩnh vực giáo dục người khiếm thị. Để tri ân ông, người ta đã đặt tượng Louis Braille trong Điện Panthéon, nơi muôn đời ghi ơn các bậc danh nhân công thần của nước Pháp và lấy tên ông đặt cho loại chữ này. Chữ Braille được du nhập vào nước ta và được Việt hóa từ năm 1898.

Thùy Giang
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán