Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Nguồn vốn FDI và xu thế chuyển dịch

Theo Cơ quan Giám sát dòng vốn (EPFR) trong quý 1/2014, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút 41 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi - nhiều hơn 26,7 tỷ USD năm 2013. Trong khi đó, vốn đầu tư vào các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Đức… lên đến 95,6 tỷ USD, gấp 2,5 lần năm 2013. Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế giới có thể tăng lên 1.800 tỷ USD vào năm 2015. Theo Bank of America Merrill Lynch năm 2013, Trung Quốc thu hút 117,6 tỷ USD vốn FDI trong khi vốn FDI vào Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đã tăng 7% lên hơn 128 tỷ USD trong năm 2013.



Theo Báo cáo Đầu tư thế giới (WIR) ngày 24/6/2014 của UNCTAD, FDI trên toàn cầu tăng sau khi giảm mạnh vào năm 2012 và năm 2013 đạt 1,45 nghìn tỷ USD tăng 9%. Năm 2013, các nền kinh tế đang phát triển đứng đầu thế giới về lượng vốn FDI lên đến 778 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn FDI toàn cầu. Trong khi đó, FDI các nước phát triển tăng 9% lên 566 tỷ USD, chiếm 39% tổng FDI của thế giới. Các nền kinh tế chuyển đổi nhận được 108 tỷ USD vốn FDI trong năm 2013. Xét theo khu vực thì châu Á đứng đầu với dòng vốn FDI đạt 426 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn FDI toàn cầu trong năm 2013. Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ đều thu hút được khoảng 250 tỷ USD. Mỹ là nước thu hút FDI lớn nhất thế giới với 188 tỷ USD năm 2013 (so với 161 tỷ USD trong năm 2012) và Trung Quốc đứng thứ hai với 124 tỷ USD trong năm 2013 (so với 121 tỷ USD trong năm 2012).



Theo UNCTAD, xu thế nguồn vốn FDI vào các nước đang phát triển trong thời gian qua đang thay đổi. Năm 2000, FDI vào các nước đang phát triển chỉ chiếm khoảng 19%, nhưng năm 2013 lên tới 54%. Việc kinh tế các nước phát triển đang hồi phục sẽ làm dịch chuyển nguồn vốn FDI vào các nước này, tăng 35% trong năm 2014 và vào năm 2016 sẽ chiếm tới 52% tổng FDI toàn cầu.

Trung Quốc đầu tư FDI ra nước ngoài trong năm 2013 là 100 tỷ USD, đứng thứ 3 trên thế giới, và dự đoán còn tiếp tục tăng và sẽ vượt FDI vào Trung Quốc khi các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mua các công ty nước ngoài và chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước mới nổi, có nguồn lao động rẻ. Năm 2013, châu Á tiếp tục đứng đầu về thu hút FDI, chiếm gần 30% tổng dòng vốn FDI toàn cầu, khoảng 426 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2012. Tốc độ tăng trưởng FDI vào khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á tăng từ khoảng 2-10%, trong khi dòng vốn vào khu vực Tây Á giảm 9%. Trong đó, FDI vào khu vực Đông Á và Đông Nam Á vẫn tăng 4% và đạt 347 tỷ USD trong năm 2013. Đầu tư ra nước ngoài của khu vực này năm 2013 cũng tăng 7%, đạt 293 tỷ USD. Cuối năm 2012, trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21, 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác Hiệp định thương mại tự do (FTA) của  khu vực (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand) đã tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Năm 2013, tổng dòng vốn FDI vào ASEAN+6 đã đạt tới 343 tỷ USD, chiếm 24% tổng dòng vốn FDI toàn cầu. Như vậy, việc mở rộng khu vực thương mại tự do trong và ngoài khu vực đã góp phần cho tăng trưởng FDI và các lợi ích phát triển gắn kết của khu vực.

Trong nửa cuối năm 2013, kinh tế thế giới chứng kiến sự tháo chạy của dòng vốn khỏi một số nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo UNCTAD, FDI thế giới năm 2013 cao hơn con số 1.350 tỷ USD của năm 2012, đạt 1.600 tỷ USD vào năm 2014, và sẽ tăng lên 1.800 tỷ USD vào năm 2015. Thế giới đang nhìn nhận sự dịch chuyển FDI giữa các châu lục và ngay trong khu vực châu Á. Sự tăng trưởng FDI có thể gặp nhiều rủi ro, như sự yếu kém về cơ cấu trong hệ thống tài chính toàn cầu, kinh tế vĩ mô suy yếu, không ổn định về chính trị… những yếu tố này có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư. Như vậy, có thể nhận thấy, phân công lao động quốc tế và những diễn biến của nền kinh tế toàn cầu là yếu tố tạo nên những chuyển dịch của dòng vốn FDI cũng như những xu hướng mới trong hợp tác đầu tư toàn cầu. Bởi vậy, trong các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và đa phương, điều khoản liên quan đến đầu tư thường chiếm tỷ trọng lớn và thường là nguyên nhân của những trì hoãn trong đàm phán. Ở mức độ phát triển nào, chính phủ các nền kinh tế luôn cố gắng cao nhất trong việc tận dụng tác động tích cực của FDI, giảm tối đa những bất lợi có thể để thu hút nguồn vốn FDI từ các quốc gia. Tuy vậy, trên bình diện chung, dòng vốn FDI sẽ dịch chuyển giữa các châu lục và các nền kinh tế. Tại khu vực Đông Nam Á, nếu như năm 2012, 5 nền kinh tế đứng đầu về thu hút FDI lần lượt là Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Indonesia và Malaysia, thì năm 2013 FDI có xu hướng dịch chuyển sang một số nước ASEAN, như Campuchia, Myanmar và một số nền kinh tế khác. Theo UNCTAD, nguyên nhân khiến dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc là do một số chỉ số của nền kinh tế này biến động, FDI đang có xu hướng chuyển dịch, các nước đang phát triển tiếp tục có sức hấp dẫn lớn đối với nguồn vốn này.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, việc thu hút dòng vốn FDI đang mang lại những kết quả tích cực. Theo báo cáo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về 25 năm dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam thì tỷ lệ đóng góp của FDI vào GDP đã tăng từ 2% GDP năm 1992 lên 12,7% năm 2000; 16,98% (2006); 18,97% (2011) và năm 2014 là 20%. Trong hoạt động xuất khẩu, từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực FDI bắt đầu vượt khu vực trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tới 66,87% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm 2013. 10 tháng đầu năm 2014, khu vực FDI xuất khẩu 82,5 tỷ USD, tăng 13,6%, đóng góp 67% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và vẫn liên tục xuất siêu.



Báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc ghi nhận, FDI vào Việt Nam trong năm 2013 tương đương với 8,5 tỷ USD, tăng đôi chút so với thành tích của năm 2012 (8,4 tỷ USD). Trong cả hai tài khóa 2012 và 2013, Việt Nam đứng hạng 9 trong số 10 quốc gia châu Á đang phát triển được giới đầu tư quan tâm nhất. Ngành công nghiệp nặng, bất động sản và du lịch của Việt Nam là những lĩnh vực đón nhận nhiều vốn nước ngoài hơn hết. Chỉ riêng khu vực địa ốc, báo cáo mới nhất từ Cục đầu tư nước ngoài cho thấy, TP. Hồ Chí Minh thu hút đến 56% tổng FDI vào địa ốc trên toàn quốc. Việt Nam tham vọng đưa quốc gia thành “điểm đến” thứ ba của FDI, tại châu Á - sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng theo thẩm định của Standard & Poor’s, để đạt mục tiêu đó, Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh, cải tổ hệ thống pháp lý.
Sau cùng, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài, là một trở ngại để biến quốc gia này thành một địa điểm thực sự hấp dẫn. Theo thống kê trong nước, cho đến cuối năm 2013 trên toàn quốc có hơn 9.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Trên 3 triệu nhân công Việt Nam làm việc cho các hãng có vốn nước ngoài.

Trần Nguyễn
( Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán