Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Sân khấu & Điện ảnh

Sân khấu & Điện ảnh

Lịch sử nền điện ảnh Hàn Quốc

Kể từ khi ra đời đến nay, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã phản ánh một cách sinh động các chủ đề, sự quan tâm cũng như những nhu cầu của xã hội và nền văn hóa. Mặc dù các sự kiện lịch sử của thế giới và của Hàn Quốc đã qua đi, nhưng chúng ta vẫn thấy được tầm ảnh hưởng nó qua các thể loại phim ảnh. Điện ảnh Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước gặp khó khăn và khủng hoảng.

Giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1945

Ngành điện ảnh Hàn Quốc xuất hiện từ năm 1919 khi đất nước bị quân Nhật chiếm đóng. Bộ phim đầu tiên có tên Loyal Revenge (Sự trả thù chính đáng) thuộc thể loại kino drama, gắn liền với tên tuổi của Kim Do-san và được ông chủ nhà hát Dan Seong Sa tên Park Sung-pil tài trợ. Đến năm 1923, bộ phim câm Wolha-ui Maengse (Lời thề dưới ánh trăng) của đạo diễn Yun Baek-nam chính thức ra mắt, mở đầu cho thời đại phim câm ở Hàn Quốc.

Tiếp đến là sự ra đời của bộ phim Arirang vào năm 1926, đây được xem là bộ phim nổi tiếng nhất về chủ nghĩa dân tộc trong giai đoạn này. Buổi công chiếu đã tạo nên sự náo động, các mẫu quảng cáo, các áp phích quảng bá cho Arirang đều bị giật đổ bởi những người kiểm duyệt. Do vậy, thời hoàng kim của thể loại phim câm ở Hàn Quốc chỉ kéo dài đến năm 1935.



Áp phích quảng cáo cho bộ phim Arirang - Ảnh: blog.joins.com

Những năm 1930 chứng kiến nhiều đổi thay trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Từ năm 1930 đến năm 1935, người Nhật chỉ cho phép sản xuất hai hoặc ba bộ phim mỗi năm. Vào năm 1935, khi chính quyền cai trị nới lỏng quyền kiểm soát, bộ phim có tiếng đầu tiên của Hàn Quốc được ra đời vời tựa đề The Story of Chunhyang (Xuân Hương truyện) của đạo diễn Lee Myong-u. Nhìn chung, các bộ phim trong giai đoạn này chủ yếu tập trung khai thác chủ đề giải phóng dân tộc.

Tới năm 1942, nền điện ảnh Hàn Quốc gần như rơi vào bế tắc. Nhật đóng cửa tất cả 10 công ty điện ảnh Hàn Quốc và thành lập công ty TNHH Phim Choson. Mục tiêu là để tạo ra ảo giác người Hàn Quốc đã không còn tồn tại và họ là người Nhật Bản. Những bộ phim tuyên truyền này cho thấy sự thành công của người Nhật trong Thế chiến thứ 2. Trước năm 1946, các đạo diễn người Hàn Quốc vẫn miệt mài làm việc để cho ra đời những tác phẩm mới. Chủ đề xuyên suốt của các bộ phim trong giai đoạn này là giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Nhật.

Giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1980

Trong suốt cuộc chiến tranh ở Hàn Quốc, nhiều nhà làm phim ở miền Nam đã bị bắt cóc và đưa đến miền Bắc. Vì vậy, rất nhiều bộ phim cổ điển đã không còn tồn tại trong giai đoạn này. Do những điều kiện khó khăn của thời chinh chiến nên không có nhiều bộ phim đặc sắc được thực hiện.

Sau chiến tranh, phim ảnh trở nên quan trọng đối với nhu cầu giải trí của công chúng. Bộ phim đình đám nhất giai đoạn này là Chunhyang-jon (chuyển thể từ Xuân Hương truyện, được làm lại năm 1955) mang đến sự thành công chưa từng có. Chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt ở Seoul, bộ phim đã thu hút hơn 200.000 người xem (khoảng 10% dân số Seoul lúc bấy giờ). Điều này đã khuyến khích sự ra đời của nhiều bộ phim khác và giúp khôi phục lại nền điện ảnh Hàn Quốc gần như đã bị lụi tàn.



Bộ phim điện ảnh Chunhyang-jon của đạo diễn Im Kwon-taek được chuyển thể từ Xuân Hương truyện - Ảnh: dailyflix.net

Tiến sĩ Lee Seung-man - Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đã dành sự yêu mến đặc biệt cho bộ phim này và ông đã thực hiện biện pháp miễn thuế để khích lệ sự phát triển của ngành công nghiệp làm phim trong nước. Nhiều bộ phim đã giành các giải thưởng quốc tế trong giai đoạn cuối những năm 1950. Ví dụ như Sijib Ganun Nal (Ngày em đi lấy chồng) đoạt giải thưởng phim hài kịch hay nhất tại Liên hoan phim châu Á lần thứ 4.

Bằng cách phản ánh sự bất ổn về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội sau hai cuộc chiến tranh, phim ảnh Hàn Quốc đã cho thấy sự bất hòa giữa các thế hệ và sự đau khổ của người dân. Hầu hết các thể loại được chọn là dòng phim buồn hoặc phim hài kịch với các đạo diễn nổi tiếng như Yu Hyon-mok, Sin Sang-ok và Kim Gi-yong.

Cuộc đảo chính quân sự vào năm 1961 đã làm thay đổi đột ngột nền điện ảnh xứ Hàn. "Luật Điện ảnh" ra đời đã cơ cấu lại toàn bộ ngành công nghiệp, hạn chế số lượng các công ty điện ảnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều công ty hoạt động và thiết lập các hạn ngạch để sản xuất và nhập khẩu phim.

Nền điện ảnh tiếp tục phát triển trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đến năm 1972, đã có 20 trong tổng số 23 công ty điện ảnh tuyên bố phá sản với lý do là sự phổ biến ngày càng rộng của truyền hình và chất lượng ngày càng giảm sút của các bộ phim được sản xuất.

Các thể loại phổ biến trong giai đoạn này là phim buồn, phim hài và phim hành động. Chỉ có những thể loại phản ánh sự sáng tạo thực tế là thể loại phim dựa trên các tác phẩm văn học và phim dành cho trẻ em.

Năm 1973, Luật Điện ảnh được sửa đổi. Mỗi năm, số lượng phim phát hành vẫn được chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Để tăng lợi nhuận trong việc phát hành và công chiếu các bộ phim trong nước, chính phủ đã hạn chế tối đa số lượng phim nước ngoài nhập khẩu và thời gian chiếu của những bộ phim đó trong năm.

Giai đoạn từ năm 1980 đến nay

Trong giai đoạn này, xã hội Hàn Quốc trở nên dân chủ, tự do và cởi mở hơn. Tuy nhiên, sự kiểm duyệt vẫn còn tồn tại và hạn chế tính sáng tạo của các bộ phim được sản xuất trong nước. Các chủ đề về đời sống xã hội được khám phá và miêu tả sinh động hơn. Điều thú vị là không phải lúc nào người dân Hàn Quốc cũng ủng hộ và đồng tình với những gì các nhà kiểm duyệt cho phép. Ví dụ, bộ phim Dosiro Gan Cho-nyo của Kim Su-young đã phải tạm ngừng vì gặp phải sự phản đối dữ dội của Liên đoàn vận tải xe buýt vào năm 1981.

Nhiều chuyên gia làm phim liên tục xuất hiện, đòi hỏi nhiều hơn nữa những thay đổi trong chính sách của chính phủ để công nhận sự tự do trong nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc.

Mỹ Hằng
Theo pusanweb.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán