Trang chủ»Văn hóa xã hội»Sức khỏe - Thực phẩm

Sức khỏe - Thực phẩm

Hen suyễn là gì?

Hen suyễn ảnh hưởng đến tiểu phế quản, nơi đưa không khí ra vào phổi. Bệnh hen suyễn sẽ làm cho đường hô hấp bị viêm, sưng, thắt lại hoặc thu hẹp lại và làm sản sinh thừa thải chất nhờn.



Hen suyễn ngày càng trở nên phổ biến ở các nước phát triển và đã trở thành căn bệnh mãn tính ở các nước phương Tây. Ở Anh có hơn 5,2 triệu người bị mắc bệnh hen suyễn, trong đó có khoảng 1,1 triệu người là trẻ em. Cứ trung bình 12 người lớn thì có 1 người mắc bệnh và trong 8 đứa trẻ thì có 1 em bị hen suyễn. Điều này có nghĩa là cứ 5 gia đình thì sẽ có 1 hộ có bệnh nhân hen suyễn. Mọi người ở tất cả các độ tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên.

Triệu chứng bệnh hen suyễn

Các triệu chứng chính của bệnh hen suyễn bao gồm:

  • Khò khè: tiếng rít thường nghe được khi thở ra. Tiếng rít này rất dễ dàng nhận ra.
  • Ho: kéo dài và thường hay xảy ra. Ho cũng là dấu hiệu nặng của cơn suyễn ban đêm. Ho rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Đặc biệt ở Việt Nam, một số bệnh nhân bị ho do hen suyễn được chẩn đoán nhầm là viêm phế quản, viêm họng hay thậm chí được chẩn đoán là ho lao. Một số bệnh nhân bị hen suyễn chỉ có biểu hiện duy nhất là ho, đặc biệt là nửa đêm về sáng.
  • Nặng ngực: cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt.
  • Khó thở: thở thấy khó khăn, đặc biệt là thở ra.

Tác nhân gây hen suyễn

Có rất nhiều tác nhân gây ra hen suyễn. Có thể là do đường hô hấp quá nhạy cảm, do tiền sử gia đình có người bị hen suyễn hoặc cũng có thể là do bị dị ứng mà gây nên hen suyễn.

Một trong số những tác nhân phổ biến gây nên bệnh là do dị ứng với:

  • Bụi, nấm mốc trong nhà
  • Phấn hoa
  • Dị ứng thức ăn

Di truyền học và hen suyễn

Hen suyễn cũng mang tính di truyền. Nếu trong nhà, có một người bị các bệnh như sốt mùa hè hay viêm mũi dị ứng thì rất có thể người thân của họ sẽ mắc bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, rất khó để xác định được chính xác người thân nào sẽ bị hen suyễn.

Dù hen suyễn có tính di truyền, nhưng không phải do duy nhất một gen quy định. Có rất nhiều loại gen khác nhau khi phản ứng lại với các tác nhân môi trường sẽ gây nên bệnh hen suyễn.

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra các gen này cũng như cách chữa trị cho từng trường hợp.

Yếu tố môi trường và hen suyễn

Các yếu tố môi trường góp phần làm tăng nguy cơ hen suyễn gồm có:

  • Trong quá trình mang thai, người mẹ vô tình tiếp xúc với các tác nhân mà em bé bị dị ứng, chẳng hạn, khẩu phần ăn của người mẹ.
  • Nhà có nuôi thú cưng, đặc biệt là mèo.
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá trong thai kỳ hay trong những năm tháng đầu đời. Các em bé có mẹ hút thuốc thì có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao gấp 2 lần so với những em bé khác.
  • Ô nhiễm không khí.

Ngọc Trâm
Theo BBC

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán