Thời trang

Câu chuyện về nhà thiết kế đồng tính lừng danh thế giới - Alexander McQueen

Alexander McQueen sinh ngày 17/03/1969 tại quận Lewisham, London. Ông là nhà thiết kế chính cho thương hiệu Givenchy của tập đoàn thời trang cao cấp Louis Vuitton. Năm 2004, ông cho ra mắt bộ sưu tập thời trang dành cho nam giới. Alexander McQueen đã 4 lần đạt danh hiệu "Nhà thiết kế của năm" ở Anh và vinh dự nhận được Huân chương Đế chế Anh.



Nhà thiết kế lừng danh Alexander McQueen

Lee Alexander McQueen sinh ra trong một gia đình lao động bình thường tại quận Lewisham, London. Cha ông, Ronald, là tài xế taxi và mẹ, Joyce, là giáo viên dạy môn Khoa học xã hội. Với thu nhập ít ỏi, họ phải nuôi dưỡng McQueen và 5 người con nữa. McQueen thổ lộ rằng ông đã sớm nhận ra giới tính của mình từ khi còn nhỏ và điều đó khiến ông bị bạn bè trêu chọc rất nhiều.

Năm 16 tuổi, McQueen thôi học. Ông tìm việc làm thêm tại phố Savile Row, một con đường nổi tiếng với nghề may vest nam theo đơn đặt hàng ở quận Mayfair, London. Đầu tiên, ông làm việc với hai thợ may là Anderson và Shephard, sau đó chuyển đến làm cho công ty Gieves và Hawkes.



Isabella Blow và Alexander McQueen

McQueen quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình. Ông bắt đầu làm việc với nhà thiết kế trang phục sân khấu Angles và Bermans. Sau đó, ông rời London một thời gian ngắn để đến Milan và làm trợ lý cho nhà thiết kế người Ý Romeo Gigli. Ngay sau khi trở lại London, ông đã theo học trường Nghệ thuật và Thiết kế Central Saint Martin và nhận bằng Thạc sĩ ngành thiết kế thời trang vào năm 1992. Chính những hình ảnh của kẻ sát nhân nổi tiếng nhất mọi thời đại Jack the Ripper đã truyền cảm hứng cho McQueen hoàn thành bộ sưu tập đầu tay được xem là đỉnh cao của mình. Toàn bộ bộ sưu tập này đã được nhà tạo mẫu lập dị Isabella Blow mua lại. Cô trở thành người bạn thân thiết của McQueen và là người ủng hộ ông trong công việc.



Một vài mẫu thiết kế của McQueen

Không lâu sau khi nhận bằng Thạc sĩ, Alexander McQueen bắt tay ngay vào việc thiết kế trang phục dành cho nữ giới. Ông khá thành công khi giới thiệu mẫu quần “bumster”. Chỉ vỏn vẹn 4 năm sau khi tốt nghiệp, McQueen đã trở thành nhà thiết kế chính cho thương hiệu Givenchy của Louis Vuitton. Mặc dù đây là một công việc danh giá, nhưng ông lại cảm thấy ràng buộc và miễn cưỡng. Thời gian làm việc tại Givenchy (từ năm 1996 đến 2001) chính là khoảng thời gian đầy biến động trong cuộc sống của nhà thiết kế tài ba. Ông cho rằng công việc này đã “hạn chế tính sáng tạo” mặc dù các giải thưởng “Nhà thiết kế của năm” mà ông nhận được vào những năm 1996, 1997 và 2001 đều là lúc ông đang làm việc tại Givenchy.



Hậu trường show diễn thời trang Alexander McQueen Thu/Đông 2009 - 2010. Ảnh: Yannis Vlamos

Năm 2000, Gucci đã mua lại 51% cổ phần trong công ty riêng của Alexander McQueen và hỗ trợ vốn để ông mở rộng quy mô kinh doanh. Sau đó không lâu, ông chính thức rời khỏi Givenchy. Năm 2003, McQueen giành danh hiệu “Nhà thiết kế quốc tế của năm” do Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) trao tặng, ông còn được nhận Huân chương của Đế chế Anh và vinh dự nhận thêm danh hiệu “Nhà thiết kế của năm” lần thứ 4. Cùng lúc đó, McQueen cũng khai trương nhiều cửa hàng ở New York, Milan, London, Las Vegas và Los Angeles. Với sự hỗ trợ đầu tư từ Gucci, McQueen ngày càng trở nên thành công hơn. Nổi tiếng với ngọn lửa đam mê luôn bùng cháy, nhà thiết kế McQueen đã có những buổi biểu diễn đầy thú vị sau khi rời khỏi Givenchy. Ví dụ điển hình là sự xuất hiện của người mẫu Kate Moss với hình ảnh 3D bay bồng bềnh trong chương trình thời trang Thu-Đông năm 2006.



Người mẫu Kate Moss trong hình ảnh 3D

Alexander McQueen chưa bao giờ cảm thấy e ngại hay tự ti về xuất thân của mình. Một người thân cận của ông cho biết, McQueen rất tự hào khi mình đã phá bỏ được những khuôn mẫu truyền thống của một nhà thiết kế thành công.

Năm 2007, cái chết dường như cứ ám ảnh McQueen. Đầu tiên là vụ tự tử của cô bạn Isabella Blow. Nhà thiết kế đã dành hẳn bộ sưu tập Xuân-Hè 2008 tặng riêng cho Blow và nói rằng “cái chết của cô là bài học quý giá nhất mà tôi đã học được trong ngành thời trang”. Chỉ hai năm sau, ngày 02/02/2010, mẹ của ông qua đời. 9 ngày sau đó, 11/02/2010, cả giới thời trang rúng động trước tin McQueen tự vẫn trong chính căn hộ của mình tại quận Mayfair, London.

Câu chuyện về cậu học trò thôi học sớm rồi trở thành nhà thiết kế lừng danh trên toàn thế giới thật sự rất đáng chú ý. Với phong cách thiết kế táo bạo và những chương trình thời trang hấp dẫn, lôi cuốn, McQueen đã đem lại nguồn cảm hứng và sự thán phục cho ngành công nghiệp thời trang trên toàn thế giới. Sự nghiệp của ông vẫn sống mãi với thời gian. Hiện nhà thiết kế Sarah Burton vẫn đang tiếp quản thương hiệu Alexander McQueen. Một buổi triển lãm đã diễn ra vào năm 2011 tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan nhằm tôn vinh những đóng góp của McQueen đối với ngành thời trang thế giới.

Lý Thị Mỹ Hằng
(Lược dịch từ biography.com)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán