Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Báo động về nhiễm khuẩn bệnh viện

(TBKTSG) - Sự việc bốn trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân, nằm giường bệnh nặng, tử vong trong cùng một ngày ở Bắc Ninh được dư luận đặc biệt quan tâm. Dư luận cho rằng do các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện tắc trách nên mới xảy ra trường hợp thương tâm như thế.



Quá tải là một trong những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn ở bệnh viện - Ảnh: Thành Hoa

Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một câu chuyện lớn của nền y tế Việt Nam, không thể giải quyết ngày một ngày hai, và cũng không chỉ nằm trong phạm vi của ngành y. Hiện tại, tất cả biện pháp mà ngành y tế đang áp dụng để giải quyết câu chuyện này chỉ có tác dụng xoa dịu dư luận chứ không giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Tôi đã từng kể câu chuyện, rằng trong một đêm trực tại khoa săn sóc đặc biệt ngoại thần kinh kéo dài 12 giờ của tôi, có tới bốn bệnh nhân chết trên cùng một chiếc giường. Ở các nước phát triển, đây là chuyện không thể có, vì sau khi bệnh nhân tử vong, người ta mang giường và các trang thiết bị mà bệnh nhân tử vong đã sử dụng đi khử trùng trước khi cho bệnh nhân khác sử dụng. Nhưng ở Việt Nam, đối với hầu hết các bệnh viện, đó là điều không thể.

Lượng bệnh nhân quá đông, cơ sở vật chất quá thiếu thốn. Việc hai, ba bệnh nhân nằm một giường là chuyện không lạ. Gần đây, khi Bộ Y tế kiên quyết không cho nằm đôi, hoặc đối với khu vực bệnh nặng, các bệnh viện giải quyết bằng cách kê thêm giường. Việc kê thêm giường thực chất là một biện pháp đối phó. Trên thực tế, vẫn là số lượng bệnh nhân quá tải với một không gian nhất định.

Sự quá tải ở các bệnh viện Việt Nam là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khả năng nhiễm khuẩn bệnh viện. Lượng bệnh nhân đông, trang thiết bị thiếu thốn, dẫn tới các quy định khử khuẩn không được thực hiện triệt để. Không thể bắt một bệnh nhân nặng nằm dưới đất và hỗ trợ thở thủ công để mang giường, máy thở đi khử khuẩn. Đấy là chưa kể bạo hành y tế có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu bệnh viện không sử dụng ngay những phương tiện có sẵn để cấp cứu cho bệnh nhân.

Việc giải quyết quá tải không nằm trong khả năng của ngành y. Điều này đòi hỏi một tư duy đúng đắn, về quan niệm dịch vụ và phục vụ trong y tế, về vai trò thực sự của y tế tư nhân, về cơ chế bảo hiểm y tế, về chi phí y tế... Từ tư duy đúng đắn đó, sẽ đưa đến những chính sách đúng đắn để giải quyết nạn quá tải hiện nay.

Nhưng không chỉ có quá tải là gây khó khăn cho công tác chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Ở Việt Nam, gần như chưa có bệnh viện nào được thiết kế phù hợp với nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Ngoài một vài bệnh viện tư nhân đơn lẻ, hiếm hoi, gần như chưa có bệnh viện công nào có một phòng hồi sức, phòng mổ đúng chuẩn. Thật tiếc, đây mới là những nơi tập trung bệnh nhân nặng. Tôi biết có một bệnh viện, khi thiết kế thì có đầy đủ, nhưng khi xây dựng do gặp khó khăn tài chính đành phải cắt hạng mục này, bỏ hạng mục kia.

Đi thăm khoa hồi sức của một bệnh viện tại Úc, thì thấy ở đó mỗi giường là một phòng riêng có không khí áp lực dương, phòng cách li thì lại áp lực âm. Không kể những vách ngăn có thể điều chỉnh thành trong suốt hay mờ đục. Nhìn cái kho chứa máy của họ thì không thể không mê, họ có 12 phòng (12 giường), nhưng có đến 16 máy thở, khoảng 20 monitor.

Việc trang bị cho các phòng hồi sức, cấp cứu và trại bệnh của chúng ta hoàn toàn thiếu thốn và không đồng bộ. Phong trào xã hội hóa phát triển, các bệnh viện đầu tư trang thiết bị máy móc từ nguồn xã hội hóa chỉ tập trung vào những lĩnh vực sinh lợi nhanh và nhiều như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thủ thuật kỹ thuật cao... Trong khi đó, các quy trình y khoa luôn đòi hỏi phải có số lượng trang thiết bị lớn hơn số bệnh nhân cần để có thể bảo trì, bảo dưỡng, khử trùng. Tuy nhiên, vì những trang thiết bị rất cơ bản đó không tạo ra lợi nhuận, cũng chẳng mang lại hiệu quả quảng cáo, nên nhà nước và nhân dân cùng... “quên”. Chỉ đến khi có những cú “sốc” lớn, như vụ việc vừa qua, thì mọi người mới... “té ngửa”.

Có một vấn đề liên quan đến nhiễm trùng bệnh viện mang tầm vóc quốc gia nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đó là việc bán và sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi. Đây là vấn đề lớn và nghiêm trọng của xã hội Việt Nam. Trách nhiệm này không thể chỉ có mỗi ngành y gánh chịu như đã và đang bị quy kết.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, vẫn còn những nguyên nhân chủ quan làm hạn chế hiệu quả chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Đó là thói quên rửa tay của nhân viên y tế, là tình trạng có quá nhiều người thân đi nuôi bệnh nhưng ý thức giữ vệ sinh kém, đặc biệt là ở những khu vực nhà vệ sinh chung.

Thói quen rửa tay của nhân viên y tế ở nhiều bệnh viện công hiện nay chưa được coi trọng. Một phần cũng lại bắt nguồn từ những khiếm khuyết trong thiết kế, như thiếu chỗ rửa tay. Để hình thành thói quen này, các bệnh viện phải có chỗ và có dung dịch cho nhân viên y tế rửa tay. Tuy nhiên, điều này lại liên quan đến chi phí nên dù đơn giản cũng không dễ thực hiện.

Để bệnh viện Việt Nam được an toàn, để công tác chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện mang lại hiệu quả tốt, cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp. Ngành y chỉ có thể khắc phục các vấn đề chủ quan của mình. Trong khi đó, những yếu tố khách quan lại là nguyên nhân cơ bản làm cho công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện ít hiệu quả.

Theo BS. VÕ XUÂN SƠN
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

[1]2345  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán