Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Chương trình mới có thật sự mới?

Dù có không ít điểm mới, nhưng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vẫn chưa làm rõ được một số vấn đề mà nhiều phụ huynh và giáo viên thật sự quan tâm.

Học sinh sẽ giảm “lao đầu” vào học thêm?

Dự thảo lần này đã nêu rất rõ, khuyến khích các trường dạy học hai buổi/ngày. Điều này sẽ giảm bớt việc học sinh phải “lao đầu” vào học thêm ngoài giờ, thay vào đó là tham gia các hoạt động rèn luyện thể thao, nghệ thuật...

Mặt khác, cách gọi tên “môn học bắt buộc”, “môn học bắt buộc có phân hóa”, “môn học tự chọn”, “môn học tự chọn bắt buộc”... sẽ làm mất đi khái niệm “môn chính” - vốn ám chỉ các môn toán, văn, tiếng Anh là các môn thường có tiếng nói rất lớn trong việc xếp loại học lực của học sinh, đồng nghĩa là các em sẽ xem thường những “môn phụ”.

Cũng từ việc thay đổi ý nghĩa này, người học cần có cái nhìn công bằng hơn với các môn thường chú trọng vào lý thuyết như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân...

Đừng quá tham trong việc truyền thụ kiến thức!

Ngay sau khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần 1 được công bố, từ đầu năm học 2015-2016, các trường phổ thông đã nhận được nhiều bộ sách giáo khoa thử nghiệm cho chương trình mới (phần lớn là các lớp đầu cấp).

Theo đó, mỗi học kỳ học sinh chỉ học 17 bài, riêng tiến trình lên lớp truyền thống được thay bằng năm hoạt động mới (khởi động; hình thành kiến thức; luyện tập; vận dụng; tìm tòi, mở rộng).

Thời lượng một tiết dạy chỉ 45 phút, mà phải tập trung cho tất cả các hoạt động thì ngay bản thân giáo viên còn lúng túng trong việc truyền dạy, huống chi là học sinh phải tiếp thu đến mấy trang sách.

Theo tôi, chương trình mới không nên tham lam trong việc truyền thụ kiến thức, khi trình độ học sinh có hạn.

Ví dụ, chương trình ngữ văn 7 hiện hành được xem là “chiếc áo rộng” so với khả năng của học sinh. Các em phải học thơ Trung đại Việt Nam, thơ Đường Trung Quốc, từ loại tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt, văn nghị luận (chứng minh, giải thích)...

Nên chăng mỗi lớp thuộc các cấp học khác nhau, các em chỉ cần trang bị trọng tâm ở một đơn vị kiến thức phù hợp với lứa tuổi, và rèn luyện nhuần nhuyễn bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết là đủ.

Sau đó kiến thức sẽ được nâng dần, cho đến khi các em học lớp 12 thì kỹ năng sẽ hoàn thiện và đạt đến mức cần thiết.

Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động hay môn học?

Theo các chuyên gia về giáo dục: “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục”, và chính GS Nguyễn Minh Thuyết cũng nói rõ: “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là việc vận dụng kiến thức mà học sinh tiếp thu được, để giải quyết những vấn đề khó trong thực tiễn...”.

Do đó, thay vì xếp hoạt động trải nghiệm sáng tạo thành các chủ đề hoặc học phần (mô-đun) để học sinh tùy chọn theo nguyện vọng, thì nên tích hợp trực tiếp trong các môn học bắt buộc, để học sinh tự vận dụng kiến thức mà trải nghiệm.

Ví dụ, trong ngữ văn 8 (học kỳ I) hiện hành có bài “Thuyết minh về danh lam thắng cảnh”, thay vì bắt học sinh làm văn trong lớp thì giáo viên có thể tổ chức cho lớp được trải nghiệm thực tế về các danh thắng tại địa phương.

Từ kiến thức thực tế thu nhận được, ở môn giáo dục công dân các em có thể viết một bài văn thuyết minh hoàn chỉnh, và nâng cao ý thức bảo vệ các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Cân nhắc thời gian thử nghiệm chương trình mới

Dự kiến, chương trình mới sẽ áp dụng theo hình thức “cuốn chiếu” từ năm học 2018-2019, có nghĩa là chỉ còn hơn một năm rưỡi cho công tác chuẩn bị và giảng dạy chính thức, xem ra sẽ là bài toán nan giải cho những người thực hiện.

Khi chương trình mới được xây dựng để tích hợp nhiều môn học, hướng đến việc đào tạo liên môn thì cho đến giờ các trường sư phạm vẫn chưa thực sự khởi động. Điều này làm cho công tác tập huấn giáo viên vào đầu năm học sẽ rất khó khăn, giáo viên vốn dạy đơn môn nay phải dạy tích hợp ở nhiều chủ đề, học phần...

Chưa kể cơ sở vật chất các trường (khuôn viên, phòng học, phòng thực hành...), sĩ số học sinh trong lớp cũng có sự khác biệt lớn giữa các trường ở nông thôn và thành phố, khiến cho việc đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức lớp học sẽ không đồng đều, không đạt hiệu quả như mong muốn.

Thiết nghĩ, việc áp dụng chương trình giáo dục mới cần được thử nghiệm ở các trường đáp ứng đủ nhân lực và vật lực. Trong quá trình thử nghiệm sẽ phát hiện và điều chỉnh lại những điểm bất cập, sau đó tiến đến phổ biến đại trà ở các trường còn lại.

Theo LÊ ĐỨC BẢO
(Tuổi trẻ)

[1]234  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán