Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Đưa di sản phi vật thể vào trường học vì một tương lai bền vững



(Ảnh minh họa: TTXVN)

Lồng ghép các nội dung về di sản phi vật thể vào các bài giảng trong nhà trường để góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản. Đó là nội dung chủ đạo của Hội thảo về Dạy học với di sản phi vật thể vì một tương lai bền vững.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 24 và 25/3, tại Hà Nội, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và UNESCO phối hợp tổ chức.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 60 chuyên gia đến từ 13 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi triển khai thí điểm công tác giảng dạy về di sản trong môi trường giáo dục được thực hiện trong hai năm vừa qua (2013-2014) tại 4 quốc gia, gồm Pakistan, Palau, Uzbekistan và Việt Nam. Các đại biểu cùng thảo luận để tìm cách tích hợp các di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững trong giáo trình hiện tại. Các nhà giáo dục cũng khẳng định rằng việc giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh ngay từ nhỏ sẽ giúp cho các em có ý thức cao hơn trong việc quý trọng, bảo tồn, giữ gìn các di sản này.

Tại Hội thảo, các cơ quan quản lý giáo dục và văn hóa cũng xác định việc gìn giữ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người. Vì vậy, công tác giáo dục di sản (đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường) là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể cũng là linh hồn, sự sống làm nên giá trị các di tích văn hóa vật thể.  

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hóa, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hóa để dạy học. Chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa địa phương và dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và học sinh.

Quan niệm chỉ đạo của Bộ là lấy học sinh và hoạt động học làm trung tâm. Giáo viên, nhà trường tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa gần gũi, xung quanh môi trường sống, dễ hiểu với học sinh và sử dụng những kinh nghiệm và tri thức của người địa phương. 

Thời gian qua, đã có nhiều địa phương của Việt Nam chủ động đưa di sản vào trường học khá thành công. Tiêu biểu có thể kể đến như tỉnh Bắc Ninh,  Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học, ở Phú Thọ có phong trào đưa hát Xoan vào trường học, Lạng Sơn đưa đàn Tính, hát Then dạy học sinh phổ thông… Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng… Phương thức tổ chức dạy học giáo dục di sản văn hóa được thực hiện lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục trong trường phổ thông.

“Việt Nam đã đạt được những hiệu quả tích cực trong việc đưa di sản văn hóa vào trường học. Chúng tôi tin rằng sau Hội thảo này, với sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, việc giáo dục di sản trong nhà trường sẽ được hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa,” Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

Theo PHẠM MAI
(TTXVN)

1234[5]  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán