Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Hơn 15 triệu học sinh phổ thông bước vào năm học mới

Sáng 5/9, hơn 20 triệu học sinh các cấp và sinh viên bước vào năm học mới với 4 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục đặt ra.

Dự báo của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học 2014-2015 cả nước có hơn 4 triệu trẻ tham gia vào bậc học mầm non, hơn 15 triệu học sinh phổ thông các cấp, hơn 400.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và gần 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng.

Cả nước hiện có hơn 14.000 trường mầm non, gần 16.000 trường tiểu học, hơn 10.000 trường THCS, PTCS, hơn 2.000 trường THPT, gần 250 trường phổ thông dân tộc nội trú và hơn 600 trường phổ thông dân tộc bán trú. Số cơ sở có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp khoảng 500, trường đại học, cao đẳng là 400.



Học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) khai giảng năm học mới. Ảnh: Giang Huy

Trong năm học này, ngành giáo dục sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo duc và đào tạo; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục; thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách.

Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, thực hiện xóa mù chữ tiếp tục được thực hiện. Trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số cũng sẽ được chuẩn bị tiếng Việt tốt trước khi bước vào lớp 1, chương trình giáo dục mầm non thực hiện tốt ở các vùng khó khăn.

Năm nay, Bộ Giáo dục có chủ trương mở rộng mô hình trường học mới cấp tiểu học, thí điểm mô hình trường học mới cấp THCS, áp dụng dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục ở các mức độ phù hợp với điều kiện ở địa phương. Bên cạnh đó, ngành giáo dục tiếp tục sáp nhập từng bước các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện nhằm giảm đầu mối quản lý.

Nhiệm vụ thứ ba của ngành là kiểm tra công tác đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo chuẩn cán bộ quản lý. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách với nhà giáo, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.

Cuối cùng, ngành giáo dục cần đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Các tỉnh, thành ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục và ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Theo HOÀNG THÙY
(Vnexpress)

[1]2345  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán