Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Huy động xã hội viết sách giáo khoa

Bộ GD-ĐT đã tính đến việc chỉ xây dựng một bộ chương trình thật chuẩn rồi huy động các lực lượng trong xã hội tham gia biên soạn sách giáo khoa.



Theo chủ trương, có thể sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ không biên soạn SGK nữa mà giao cho các lực lượng xã hội - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ sẽ chỉ xây dựng chương trình chuẩn

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) về những giải pháp nào là then chốt trong triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra một chủ trương rất mới khi cho rằng Bộ GD-ĐT sẽ chỉ biên soạn một bộ chương trình chuẩn, còn việc viết sách giáo khoa (SGK) sẽ huy động các nguồn lực trong toàn xã hội.

Ông Luận cho biết: “Để tổ chức việc viết SGK mới như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm, chúng tôi đang bàn. Cách làm của những lần trước thì Bộ GD-ĐT đứng ra biên soạn chương trình, sau đấy biên soạn, thẩm định và tổ chức triển khai thực hiện bộ SGK mới. Lần này có điều kiện thuận lợi hơn, chúng tôi đang cân nhắc, Bộ chỉ lo việc xây dựng một bộ chương trình thật tốt, hoàn chỉnh, sau đó công bố rộng rãi cả xã hội và huy động các lực lượng xã hội tham gia vào việc viết SGK mới”.

Ông Luận nói thêm: “Việc này còn đang trong quá trình thảo luận ở Bộ, chúng tôi đã báo cáo sơ bộ với Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Phó thủ tướng đã chia sẻ, đồng tình với chúng tôi triển khai, nghiên cứu theo hướng này. Chúng tôi sẽ trình bày, trao đổi trong Ủy ban Quốc gia về đổi mới căn bản GD-ĐT, Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở đó hoàn thiện, cân nhắc và sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ”.

Nếu điều này đúng như lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thì đây là sự đột phá so với quan điểm trong Đề án “Đổi mới chương trình - SGK” mà Bộ GD-ĐT trình bày trước đây. Quan điểm của Bộ GD-ĐT trong đề án là từ chương trình quốc gia, có thể có nhiều bộ SGK hoặc cuốn SGK khác nhau. Thế nhưng lại khẳng định trước hết Bộ GD-ĐT biên soạn đủ một bộ SGK. Lúc bấy giờ đã có nhiều ý kiến cho rằng với ngân sách nhà nước, khi Bộ đã biên soạn một bộ SGK rồi thì cá nhân, tổ chức nào có thể cạnh tranh nổi, làm sao duy trì được sự công bằng, khách quan trong thẩm định và phê duyệt...? Vì thế, Bộ chỉ nên xây dựng chương trình khung còn việc biên soạn SGK nên giao cho xã hội.

Xây dựng kinh phí đổi mới giáo dục theo quy trình

Xung quanh con số 34.000 tỉ đồng cho đề án đổi mới giáo dục phổ thông từng được dư luận đặc biệt quan tâm cũng được ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) chất vấn. Ông Huệ đặt vấn đề: “Dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình khi Bộ GD-ĐT trình Ủy ban Thường vụ QH đề án đổi mới chương trình SGK với chi phí trên 30.000 tỉ đồng làm xôn xao dư luận. Không kiểm soát được ở chỗ khi ra phát biểu Bộ trưởng nói rằng đây không phải là ý kiến của Bộ?”.  Ông Phạm Vũ Luận cho rằng đây là một sai sót kỹ thuật đáng tiếc và tái khẳng định, dự thảo đề án trình Ủy ban Thường vụ QH không hề có đề cập đến kinh phí.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay đang tiếp thu ý kiến của Thường vụ QH, chuẩn bị kinh phí theo quy trình: Bộ GD-ĐT bàn bạc, thẩm định theo một quy trình của Bộ. Sau đó trình Chính phủ, các bộ ngành có liên quan sẽ phải thẩm định kinh phí đó. Chính phủ họp, thảo luận, lấy ý kiến của Ủy ban Quốc gia về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT… Như vậy, không kịp để kỳ họp này QH xem xét thông qua được.

Ông Luận cũng nhận trách nhiệm về mình: “Để xảy ra sai sót như thế, tôi với tư cách là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thực hiện sự ủy nhiệm của Thủ tướng cũng chưa đầy đủ gây nên lo lắng, băn khoăn trong nhân dân”.

“Không khớp giữa cung - cầu lao động là một thực tế khách quan”!

Vấn đề sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm được nhiều ĐB quan tâm, chất vấn.

Theo ông Luận, mỗi năm nước ta có khoảng 400.000 người tốt nghiệp ĐH và CĐ, 5 năm sẽ có 2 triệu người. Con số thống kê 72.000 người tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm nếu đúng thì chiếm tỷ lệ 3,6%. Ông Luận khẳng định: “Việc làm là vấn đề của thị trường lao động, chỉ khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kỳ bao cấp, khi mà anh học ngành nghề gì là do nhà nước phân công, tốt nghiệp xong anh làm ở đâu do nhà nước chỉ định. Còn trong kinh tế thị trường, việc đào tạo là cho nhiều thành phần kinh tế, các cơ sở đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu cho biên chế nhà nước. Khi thị trường lao động đã hình thành và ngày càng phát triển thì độ trễ và sự không khớp giữa cung và cầu lao động là một thực tế khách quan”.

Ông Luận cũng cho biết, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT để làm tốt hơn trong vấn đề này là cùng các cơ sở đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan cảnh báo cho xã hội những ngành, nghề thừa - thiếu nhân lực, ưu tiên mở ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Theo TUYẾT MAI
(Thanh niên)

[1]234567  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán