Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Hồn Việt qua những bức tranh thêu

Ngoài chiếc áo dài thướt tha, ngoài làn điệu âm nhạc mang đậm hơi thở dân tộc, ở Việt Nam còn có một sản phẩm từ các làng nghề thủ công được bạn bè năm châu biết đến như một nghệ thuật thể hiện tinh hoa văn hóa Việt. Đó chính là những bức tranh thêu.

Ở nước ta, nghề thêu có từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết từ xa xưa, giới quý tộc, vua quan phong kiến đã dùng cờ lộng, trang phục thêu rồng phượng để trang trí và tỏ rõ uy quyền. Khi đất nước rơi vào cảnh binh đao của nạn ngoại xâm, đường kim mũi chỉ sắc sảo của người phụ nữ Việt đã vượt lên nét đẹp của nghệ thuật đơn thuần. Nghệ thuật thêu thể hiện niềm tự hào dân tộc khi lá cờ thêu lời thề của Trưng Trắc “đền nợ nước, báo thù nhà” hùng dũng trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Hán, hay với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” của vị anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản vào cuối thế kỷ XIII.

Qua bao thăng trầm và cải biến nghệ thuật thêu truyền thống, dân gian đã tôn ngài Lê Công Hành, quê quán tại Hà Tây, sống vào khoảng đầu thế kỷ XVII làm tổ sư nghề thêu. Lê Công Hành đỗ tiến sĩ năm 1640 đời vua Lê Chân Tông và được cử đi sứ Trung Quốc. Với thực tế của chuyến đi sứ, ông đã học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ đường kim mũi chỉ của nghề thêu Trung Quốc, sau đó kết hợp với kĩ thuật thêu dân gian Việt Nam để hình thành nên nghề thêu truyền thống của người Việt và lưu truyền đến ngày nay.



Các cô gái gửi gắm tâm tư tình cảm của mình qua những sợi chỉ thêu.

Từ xưa, trong các làng quê mộc mạc, các cô gái đã biết gởi gắm tâm tư tình cảm của mình qua những sợi chỉ thêu. Khi đôi trai gái yêu nhau thì người con gái thường thêu khăn tặng người con trai với những dòng thơ làm kỉ vật hẹn ước:

“ Chim quyên đậu nhánh cây tùng
Thuyền quyên chỉ đợi anh hùng mà thôi”

Hay trong đôi gối cho vợ chồng mới cưới cũng thường thêu dòng chữ hạnh phúc với đôi chim bồ câu quấn quýt thể hiện ước nguyện thủy chung suốt đời gắn bó bên nhau.

Những mũi kim thêu còn được lưu giữ trong nhiều nếp gia đình như chút duyên cần mẫn trong tứ đức “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” của các cô gái Việt theo quan niệm xưa:

“Trai thì đọc sách ngâm thơ
Gái thì kim chỉ thêu thùa vá may.”

Qua năm tháng, đường kim mũi chỉ ấy trở thành làng nghề truyền thống của dân tộc. Chỉ bằng cây kim, sợi chỉ và khung thêu, qua đôi bàn tay khéo léo, người nghệ nhân đã tạo nên những bức tranh sống động về cỏ cây, hoa lá, chim muông, mây nước, làng quê và đất nước con người Việt Nam.

Có những bức tranh mang đậm phong cách nghệ thuật Á Đông như “tùng - hạc” thể hiện tinh thần thanh cao, cứng cáp của người quân tử theo quan niệm Nho giáo. Hay những đôi chim công quấn quýt với sắc màu tinh tế thể hiện sự nồng ấm hạnh phúc. Hay những bức chân dung về bà mẹ quê, cô gái bên hoa sen diễn tả suy tư, ước nguyện của con người.

Từ cây cỏ, động vật quý hiếm như hạc, tùng, trúc, mai cho đến cảnh dân dã như người làm đồng, chiều về trên quê, đánh cá, dệt vải, cây đa, bến nước, con đò... đều mang đậm tính dân gian và nét thanh cao của nghệ thuật. Nghệ thuật, tình người và hồn quê đã hòa quyện trong những bức tranh thêu.

Để tạo được một bức tranh thêu tay hoàn mỹ, người nghệ nhân phải dùng đúng loại chỉ truyền thống được nhuộm từ màu của cỏ cây thiên nhiên. Đặc biệt là chỉ tơ tằm với độ óng mịn đặc trưng để tạo cho các bức tranh, nhất là tranh phong cảnh những màu sắc tự nhiên nhất. Người thêu tranh vừa phải có lòng đam mê vừa có năng khiếu về hội họa. Có như vậy, đường nét uyển chuyển và cái hồn của bức tranh mới được chuyển tải ở nhiều sắc độ.

Ngày nay, những bức tranh thêu đã vượt qua không gian địa lý đến với bạn bè trên khắp thế giới như một nét đẹp của văn hóa dân tộc. Cần hơn nữa sự quan tâm và phát triển của các làng nghề để góp phần tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của đất nước và con người Việt Nam.

Phan Phương
Tổng hợp
Ảnh: Internet

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán