Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Michelangelo - Bậc thầy hội họa nước Ý

Michelangelo là một nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, và nhà thơ người Ý. Ông là chủ nhân của những kiệt tác như tượng David, các bức tranh Kinh Thánh trên trần Nhà nguyện Sistine.



Nhà điêu khắc, họa sĩ Michelangelo - Ảnh: biography.com

Tiểu sử

Michelangelo Buonarroti sinh ngày 6 tháng 3 năm 1475 tại Caprese, Ý. Cha ông là người làm việc cho chính phủ Florence. Sau khi Michelangelo ra đời, gia đình ông chuyển đến Florence - thành phố mà hoạ sĩ luôn xem là ngôi nhà thật sự của mình.

Florence trong thời kì Phục Hưng là một trung tâm nghệ thuật sôi động, một miền đất của cơ hội cho tài năng bẩm sinh của Michelangelo phát triển. Mẹ ông qua đời khi ông lên 6, và cha ông ban đầu không chấp nhận cho con mình theo đuổi nghiệp nghệ thuật.

Lúc 13 tuổi, Michelangelo được nhận vào học việc với hoạ sĩ Domenico Ghirlandaio - người đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm tranh tường. Một năm sau, tài năng của ông đã thu hút sự chú ý của Lorenzo de’Medici - nhà bảo trợ nghệ thuật và cũng là nhà cai trị trên thực tế của Florence. Lorenzo rất thích sự kích thích trí tuệ trong các tác phẩm của người thiếu niên tài năng này. Ông ngỏ lời mời Michelangelo đến cư trú trong ngôi nhà nguy nga của mình.

Từ đó, Michelangelo học hỏi được nhiều điều. Các tác phẩm sau này của ông sau được hình thành từ những gì ông đã học được về triết lý, chính trị trong những năm tháng sống ở đây. Trong khi sinh sống tại nhà Medici, ông cũng tinh chế kỹ thuật của mình dưới sự giám hộ của Bertoldo di Giovanni, nhà điêu khắc và là người lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc La Mã cổ đại của Lorenzo. Mặc dù Michelangelo thể hiện thiên tài của ông trong nhiều lĩnh vực, nhưng khi nhắc đến thì ông trước tiên luôn coi mình là một nhà điêu khắc.

Bức tượng Pieta và David



Bức tượng Pieta nổi tiếng thế giới - Ảnh: vi.wikipedia.org

Trước năm 1498, Michelangelo làm việc tại Rome khi ông nhận được một hợp đồng từ Đức Hồng y Jean Bilhères de Lagraulas - đại sứ của Pháp tại tòa thánh Vatican.

Đức Hồng y muốn tạo ra một bức tượng lớn mô tả hình ảnh Đức Trinh nữ Maria bế con mình vào lòng khi con Mẹ là Chúa Giêsu vừa được tháo ra khỏi thập tự giá trứơc khi được táng xác - Pieta. Kiệt tác cao 69 inch này được khắc từ một khối đá cẩm thạch tiếp tục thu hút vô số du khách đến Đền thờ Thánh Phêrô trong hơn 500 năm qua.

Vào năm 1501, một lần nữa Michelangelo được yêu cầu làm một tác phẩm khác bằng đá cẩm thạch để tôn vinh nhà thờ Duomo nổi tiếng của thành phố. Tên đầy đủ của nhà thờ này là Santa Maria del Fiore. Ông đã chọn mô tả hình ảnh vua David theo Kinh Thánh - một bức tượng cao 17 feet thể hiện sự anh hùng, mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng.

Bức tượng được các học giả nhìn nhận gần như là hoàn hảo về kĩ thuật, được lưu giữ tại Galleria dell’Accademia ở Florence, và đây được xem là một biểu tượng nổi tiếng thế giới cho thành phố này.

Michelangelo và trần nhà thờ Sistine



Trần nhà thờ Sistine - Ảnh: vi.wikipedia.org

Năm 1505, Giáo hoàng Julius II đặt Michelangelo xây dựng hầm mộ cho Giáo hoàng. Michelangelo phải liên tục dừng công việc ở hầm mộ khi Giáo hoàng bị lôi kéo vào các tranh chấp quân sự và nguồn quỹ trở nên khan hiếm. Bởi những sự ngắt quãng này, ông mất 40 năm cho việc xây hầm mộ.

Tuy nhiên, năm 1508 Julius mời Michelangelo quay trở về Rome để thực hiện một dự án mỹ thuật khác cũng đầu tư không kém - mô tả 12 thánh tông đồ trên trần nhà nguyện Sistine. Đây là phần thiêng liêng nhất của Vatican - nơi các Giáo hoàng mới được bầu chọn.

Nhưng Michelangelo không vẽ 12 thánh tông đồ mà thay vào đó ông đã vẽ 7 đấng tiên tri và 5 bà đồng - các phụ nữ tiên tri của Thế giới Cổ đại xung quanh các viền của trần nhà, và trung tâm trần là hình ảnh Chúa sáng tạo ra thế giới.

Các nhà phê bình cho rằng cách Michelangelo mô tả tiên tri Ê-xê-chi-ên mạnh mẽ nhưng lo âu, quả quyết nhưng không chắc chắn là biểu tượng cho sự nhạy cảm của Michelangelo đối với sự phức tạp nội tại của con người. Trong số những bức hoạ trên trần thì bức “Chúa tạo ra Adam” là tác phẩm nổi tiếng nhất.

Những năm cuối đời

Michelangelo tiếp tục điêu khắc và vẽ cho đến cuối đời mặc dù ông làm việc với các dự án kiến trúc ngày càng nhiều vào những năm lớn tuổi. Từ năm 1520 đến 1527 ông thực hiện thiết kế bên trong nhà nguyện Medici ở Florence bao gồm thiết kế tường, cửa sổ và mái đua.

Michelangelo cũng thiết kế mái vòm của nhà thờ Thánh Phêrô tại Rome mặc dù công trình này được hoàn thành sau khi ông mất. Các kiệt tác khác của ông bao gồm tác phẩm điêu khắc Moses (hoàn thành vào năm 1515), bức vẽ The Last Judgment (hoàn thành năm 1534) và các tượng điêu khắc Day, Night, Dawn and Dusk (hoàn thành năm 1533).

Từ những năm 1530 trở về sau, Michelangelo sáng tác thơ, khoảng 300 bài còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều tác phẩm của ông gắn với triết lý của chủ nghĩa Tân Platon - linh hồn con người, được hỗ trợ bởi tình yêu, hạnh phúc, có thể đoàn tụ với Thiên Chúa toàn năng. Quan niệm này đã là chủ đề của các cuộc thảo luận căng thẳng khi ông còn là một thiếu niên sống trong gia đình của Lorenzo de’Medici.

Michelangelo mất năm 1564 ở tuổi 88 sau một thời gian ngắn mắc bệnh. Một bức pietà ông bắt đầu điêu khắc vào cuối những năm 1540 dự định dành cho ngôi mộ của ông vẫn chưa hoàn thành. Hiện tác phẩm này được trưng bày tại Museo dell’Opera Museo del Duomo, Florence - không xa mấy so với nơi Michelangelo được chôn cất tại Basilica di Santa Croce.

Thoại My
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán