Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Nghệ thuật tĩnh vật

Trong mỹ thuật, thuật ngữ “tĩnh vật” dùng để nói đến một loại vẽ tranh, thường là sự sắp xếp các đối tượng (theo truyền thống có thể là hoa hoặc đồ dùng nhà bếp, nhưng hầu như bất kỳ vật thể trong nhà nào cũng có thể được vẽ) trên một chiếc bàn. Thuật ngữ này được dịch trực tiếp từ một từ trong tiếng Hà Lan “Stilleven”, được sử dụng từ năm 1656 để mô tả những bức tranh trước đây được gọi đơn giản là “trái cây”, “hoa”, “bữa ăn sáng”, “bữa tiệc” hoặc nếu có ngụ ý tôn giáo thì gọi là “Vanitas”…

Tranh tĩnh vật là một hình thức nghệ thuật

Đối với người mới bắt đầu, tranh tĩnh vật có vẻ khá nhàm chán so với tranh lịch sử, tranh phong cảnh gợi nhiều liên tưởng hoặc tranh chân dung cảm động. Tuy nhiên, một số tranh tĩnh vật tuyệt vời nhất chứa đựng những thông điệp sâu sắc lại được gói gọn trong một loại vật thể nào nó bởi cách sắp xếp chúng. Vì thế, khi nghiên cứu một tác phẩm tĩnh vật, chúng ta cần biết rằng các vật thể có thể mang tính biểu tượng, truyền vào bức tranh ý nghĩa tượng trưng.

Các loại tranh tĩnh vật

Tranh tĩnh vật có thể được phân loại thành 4 nhóm: nhóm thứ nhất là những tác phẩm vẽ hoa, nhóm thứ hai là những tác phẩm về bữa ăn sáng hoặc bữa tiệc, nhóm thứ ba là tranh vẽ động vật. Nhiều tác phẩm trong số này được thực hiện chỉ đơn thuần muốn chứng minh khả năng vẽ và sự điêu luyện trong kỹ thuật của các nghệ sĩ. Một số tác phẩm có thể được vẽ để truyền tải một cái nhìn nghệ thuật cụ thể hay thể hiện cảm xúc nghệ thuật. Nhưng đôi khi, các họa sĩ lại muốn mang đến một thông điệp nào đó sâu sắc. Vì vậy nhóm thứ tư - tranh tĩnh vật tượng trưng là một thể loại rộng lớn hơn bất kỳ thể loại tranh tĩnh vật nào khác.

Lịch sử tranh tĩnh vật

Tranh tĩnh vật sau năm 1517: Bắc Âu

Những tác phẩm tranh tĩnh vật được biết đến đầu tiên là bức “Young Hare” của họa sĩ người Đức Albrecht Dürer, và “Dead Bird” của họa sĩ Jacopo de' Barbari - người đã làm việc tại các tòa án ở Đức và Hà Lan. Nhưng bậc thầy của tranh tĩnh vật Baroque là họa sĩ Frans Snyders, với các kiệt tác như “Pantry Scene with a Page”, “The Pantry” “A Game Stall”. Những tác phẩm của Snyders được phát triển hơn nữa bởi một số họa sĩ hiện thực Hà Lan đến từ các trường Utrecht và Delft.



Tác phẩm “The Pantry”

Vì phong trào cải cách thế kỷ 16 - cuộc nổi dậy của những người Tin Lành chống lại Giáo hội Roma -  tranh tôn giáo đã sụt giảm nghiêm trọng ở Bắc Âu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái xuất hiện của tranh tĩnh vật.

Sự phổ biến của tranh sơn dầu trên vải tại các quốc gia này cũng đã giúp phát triển thể loại tranh tĩnh vật. Thông điệp đạo đức cũng được đưa vào tranh thông qua việc sử dụng các biểu tượng tôn giáo hoặc bán tôn giáo. Một hình thức cụ thể của tranh tĩnh vật biểu tượng (gọi là Vanitas) bao gồm sự sắp xếp các vật thể biểu tượng được thiết kế nhằm nhắc nhở người xem sự ngắn ngủi của cuộc sống. Tranh tĩnh vật nói chung và Vanitas nói riêng rất thu hút tầng lớp trung lưu Hà Lan. Dưới sự bảo trợ của tầng lớp này, tranh tĩnh vật đã phát triển nhanh chóng, sau đó lan sang Tây Ban Nha và Pháp.



Tác phẩm “A Vanitas Still Life”

Những tác phẩm tranh tĩnh vật của các họa sĩ nổi tiếng Hà Lan khác bao gồm "The Vanities of Human Life" (1645) của Harmen Steenwyck, “A Vanitas Still Life” (1645) của Pieter Claesz, "Still Life with Lobster", “Drinking Horn and Glasses” của Willem Kalf, The Slippers” của Samuel Hoogstraten, “Still Life of Fruit” của Jan Davidsz de Heem, Flowers and Insects” của Rachel Ruysch.

Tranh tĩnh vật sau năm 1600: Ý, Tây Ban Nha và Pháp

Tranh tĩnh vật không phổ biến với hầu hết các họa sĩ Ý và hiếm khi xuất hiện trong tranh nghệ thuật Ý. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ, ví dụ như “The Musical Instruments” của Baschenis.

Tại Tây Ban Nha, thể loại này phổ biến hơn. Những họa sĩ như Francisco de Zurbarán và Juan Sánchez Cotán đã đầu tư tranh tĩnh vật vào kịch nghệ. Một số tranh tĩnh vật của Tây Ban Nha bao gồm “Still Life with Lemons, Oranges and a Rose” của Zurbarán, “Still Life with Game Fowl” của Juan Sánchez Cotán.



Tác phẩm “Still Life with Bottle of Olives”

Tại Pháp, có lẽ do ảnh hưởng bảo thủ của Học viện Mỹ thuật Pháp, tranh tĩnh vật mất nhiều thời gian để phát triển hơn so với ở các nước láng giềng phương Bắc. Mãi cho đến thế kỷ 17 và 18, những vật thể tranh tĩnh vật đánh lừa thị giác mới xuất hiện trong các bức tranh của Moillon, Stoskopff, Oudry, và đặc biệt là Jean-Siméon Chardin. Những tác phẩm tinh tế của Chardin, ví dụ như “Still Life with Bottle of Olives” “Rabbit, Thrush, Straw” thực đến mức bạn muốn chạm vào chúng. Nhà hiện thực lãng mạn Théodore Géricault cũng thực hiện một số tác phẩm khác thường ở thể loại này, chẳng hạn như bức “Anatomical Pieces”.

Tranh tĩnh vật thế kỉ 19



Tác phẩm “Twelve Sunflowers in a Vase”.

Trong thế kỷ 19, tranh phong cảnh và tĩnh vật phát triển mạnh mẽ. Henri Jean Théodore Fantin-Latour đã trở nên nổi tiếng với những tác phẩm tĩnh vật về hoa, như White and Pink Roses” và các tác phẩm khác như “Still Life with Vase of Hawthorn”, “Bowl of Cherries”, “Japanese Bowl” “White Cup and Saucer”.

Các họa sĩ theo trường phái ấn tượng đã khám phá những ảnh hưởng của màu sắc trong các tác phẩm hoa. Họa sĩ theo trường phái hậu ấn tượng người Hà Lan Vincent Van Gogh khiến mọi người thích thú với việc sử dụng màu vàng trong tác các tác phẩm Sunflower nổi tiếng của ông.

Tại Mỹ, không bị ảnh hưởng bởi Học viện Hàn lâm Châu Âu, những họa sĩ Mỹ vẽ tranh tĩnh vật trong suốt thế kỷ 19. Một trong số những người đứng đầu thể loại này có Raphaelle Peale (1774-1825).

Tranh tĩnh vật thế kỉ 20



Tác phẩm “Still life with Dancers”

Các họa sĩ theo trường phái dã thú tiếp tục phát triển phương pháp tiếp cận màu sắc đối với thể loại tranh này - như trong tác phẩm “Still Life with Geraniums” của Henri Matisse (1910) . Các nghệ sĩ như Emil Nolde - thành viên của nhóm chủ nghĩa biểu hiện Đức Die Brücke thì thực hiện những tác phẩm cá nhân như “Still life with Dancers” (1914), và “Red  Poppies” (1920).

Tại Mỹ vào đầu thế kỉ 20, các họa sĩ tranh tĩnh vật như William Harnett và John F. Peto đã trở nên nổi tiếng với sự sắp xếp các vật thể đánh lừa thị giác và ảnh cắt dán nghệ thuật.

Thể loại này sau đó đã được khai thác rộng rãi bởi các họa sĩ khác như Kandinsky và Jawlensky, nhà lập thể Stuart Davis và nhà sáng tạo hình ảnh kỳ lạ Georgia O'Keeffe. Tranh tĩnh vật cũng được tìm thấy trong chủ nghĩa siêu thực và nghệ thuật Pop Art, ví dụ như Still Like with Goldfish Bow” của Roy Lichtenstein.

Trần Hồng Điệp
Theo www.visual-arts-cork.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán