Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Charles Robert Darwin

Charles Robert Darwin là nhà sinh vật học lỗi lạc nhất nước Anh vào thế kỷ 19. Học thuyết Tiến Hóa của Darwin đã tạo nên một sự chấn động, làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn về vị trí của loài người trong thế giới sinh vật và vũ trụ.

Charles Darwin sinh ngày 12/02/1809 tại Shrewbury, Shropshire, nước Anh trong một gia đình quyền quý có ông nội và cha đều là những vị bác sĩ đáng kính. Charles Darwin là người con thứ năm trong gia đình, ông có 3 người chị, 1 anh trai và 1 em gái. Năm 16 tuổi Charles Darwin theo học y khoa ở Đại học Edinburgh, nhưng bị cuốn hút vào đam mê lịch sử tự nhiên cùng 1 nhóm bạn. Bỏ bê việc học y khoa, 2 năm sau đó Charles Darwin bị buộc vào trường Christ’s College, Cambridge để học cử nhân thần học, vì cha ông muốn con trai trở thành mục sư. Rẽ sang hướng khác nhưng Darwin vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê lịch sử tự nhiên. Say mê tìm tòi và có những phát hiện thú vị được đăng trên sách Minh Họa Côn Trùng Học, Darwin trở thành bạn thân của giáo sư thực vật John Stevens Henslow. Darwin sau đó có cơ hội gặp những nhà tự nhiên học hàng đầu khác. Giáo Sư Henslow cũng khuyến khích Darwin đọc nhiều sách về Vạn Vật Học và còn giới thiệu Darwin cho nhà Địa Chất Học Adam Sedgwick. Từ đó, Darwin theo học ngành Địa Chất, cùng tham gia những chuyến du khảo để nghiên cứu địa chất ở vùng North Wales và đã học được cách sử dụng những dụng cụ đo đạc và nghiên cứu về Địa Chất Học. Ông tốt nghiệp Đại học ngày 26/4/1831, đứng hàng thứ 10 trong lớp có 178 sinh viên.

Năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Đại học, Charles Darwin được giới thiệu lên con tàu khảo sát MHS Beagle, với tư cách “nhà tự nhiên học” thực tập, đi thám hiểm và vẽ bản đồ bờ biển Nam Mỹ. Trong chuyến đi 5 năm vòng quanh thế giới đến các châu lục và vô số hải đảo, Charles Darwin đã có cơ hội quan sát những cấu tạo địa lý, hoá thạch và sinh vật sống phong phú để tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề mà ông đặc biệt quan tâm, đó là ảnh hưởng của các lực lượng tự nhiên đối với sự hình thành bề mặt trái đất. 

Sau nhiều quan sát, Darwin nhận thấy các loài động vật không hoàn toàn giống nhau và có một số hoá thạch rất giống với những sinh vật đang còn hiện hữu trên cùng địa điểm. Từ những quan sát này, Darwin đi đến kết luận rằng có một mối liên hệ nào đó giữa các loài khác nhau nhưng có nét tương tự nhau.

Trở về nước Anh sau chuyến đi, Charles Darwin đã công bố học thuyết làm chấn động nền khoa học của thế kỷ 19 đó là loài người có họ hàng với loài vượn. Rất nhiều người thời bấy giờ đã sửng sốt về khái niệm con người đã được hình thành qua quá trình tiến hóa từ những sinh vật cấp thấp vì những tư tưởng hay quan điểm tôn giáo lúc đó thường đặt niềm tin mạnh mẽ vào một “Đấng Sáng Tạo” đầy quyền năng, hay các nhà khoa học vẫn còn tin vào thuyết tai ương cho rằng các sinh vật trên trái đất đã được tạo ra theo thứ tự kế tiếp nhau, và rồi mỗi loài đã bị một tai ương nào đó huỷ diệt…

Trong cuốn sách “Nguồn gốc muôn loài” (The Origin of Species), Charles Darwin đã đưa ra những bằng chứng khoa học để chứng minh rằng tất cả các loài sinh vật, từ con kiến cho đến con voi, kể cả loài người, đều có chung một nguồn gốc tổ tiên, cùng phát sinh hay phát triển tuần tự từ một tổ tiên chung trải qua quá trình “Chọn Lọc Tự Nhiên” (Natural Selection) kéo dài hàng triệu năm. Thuyết tiến hóa của Darwin cho rằng do nguồn thức ăn trên thế giới quá hạn hẹp nên các loài phải cạnh tranh gay gắt để sinh tồn. Những loài sống sót tiếp tục sinh con đẻ cái, có xu hướng biến hoá ít nhiều về diện mạo cơ thể, quá trình chọn lọc tự nhiên, và sau đó những biến thể này sẽ được truyền cho thế hệ con cháu. Mỗi loài sẽ phát triển theo hướng thích nghi với môi trường, và quá trình này diễn ra dần dần, liên tục, là nguồn gốc tiến hoá của sinh vật. Cuốn sách của Darwin đã “làm rung chuyển thế giới”, theo cách gọi của người thời đó. Ngay trong ngày đầu tiên, sách đã được bán hết sạch và tái bản thêm 6 lần liên tiếp.



Bìa của quyển sách “Nguồn gốc muôn loài” (The Origin of Species) xuất bản năm 1859 - Ảnh: en.wikipedia.org

Mặc dù vấp phải nhiều phản đối dữ dội, Darwin vẫn tiếp tục tiến hành những công trình nghiên cứu về Sinh Vật Học và Tự Nhiên Học trong suốt 40 năm, từ năm 1842 đến khi ông mất năm 1882.

Charles Darwin qua đời ngày 19/4/1882 ở tuổi 73 tại nhà sau một cơn suy tim. Để ghi nhận công lao to lớn của Darwin, ông là một trong năm người không thuộc Hoàng gia Anh ở thế kỷ 19 được cử hành quốc tang và được chôn cất ở Westminster Abbey, cùng nơi an nghỉ của nhà Vật Lý Học nổi tiếng Isaac Newton (1643 - 1727) và nhà Địa Chất Học Charles Lyell (1797 - 1875). Đám tang của ông rất trọng thể, có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhiều nhân sĩ nổi tiếng thời bấy giờ và những đại diện của nhiều quốc gia: Mỹ, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Nga…

An Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán