Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Nữ văn sĩ Helen Keller - Biểu tượng của nghị lực phi thường

Helen Adams Keller là nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả “đặc biệt” nổi tiếng người Mỹ. Cuộc đời bà là tấm gương sáng về tinh thần vượt lên số phận, khuyết tật của bản thân để chinh phục con đường tri thức và tạo ra nhiều kỳ tích.

Helen Keller sinh ngày 27/6/1880 tại Tuscumbia thuộc vùng Tây Bắc Alabama. Khi chào đời được khoảng 19 tháng, Helen trải qua một trận sốt cao viêm màng não. Di chứng của bệnh khiến cô bé rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, mất đi khả năng thính giác và thị giác.

Trong nỗ lực không đầu hàng số phận, mẹ Helen tìm đến nhiều nơi với hy vọng chữa trị hoặc tìm ra giải pháp tốt nhất cho cuộc sống của con gái, bà được giới thiệu đưa Helen tới học tại Học viện Y khoa Perkins dành cho người mù. Tại đây, Helen đã gặp được “vị cứu tinh” của cuộc đời mình, đó là cô giáo Anne Sullivan, 20 tuổi, người mồ côi cả cha lẫn mẹ và cũng từng sống trong thế giới mù lòa suốt 15 năm.



Helen Keller và cô giáo Anne Sullivan - Ảnh: en.wikipedia.org

Sự đồng cảm về nỗi đau khuyết tật giúp 2 cô trò thấu hiểu, gắn kết với nhau. Với trái tim nhân ái cùng sự nhẫn nại, cô Anne Sullivan đã giúp Helen bước ra khỏi thế giới bóng tối. Helen học cách trao đổi thông tin qua bàn tay, học chữ nổi dành cho người khiếm thị, học nói… Bằng sự quyết tâm và kiên trì, mỗi ngày trôi qua, khả năng giao tiếp của Helen lại được cải thiện rõ rệt. Không chỉ học để giao tiếp, khả năng tiếp thu và sự siêng năng của Helen còn đưa cô tiến xa hơn những gì cô giáo Anne Sullivan mong đợi. Bên cạnh khả năng đọc thành thạo tiếng Anh, Helen còn học đọc được cả tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hi Lạp, tiếng La tinh bằng hệ thống chữ nổi Braille.

Năm 16 tuổi, Helen vào học trường nữ sinh Cambridge và 4 năm sau trở thành sinh viên mù, điếc đầu tiên của Đại học Radcliffe. Trong thời gian nỗ lực theo học như những sinh viên bình thường, Helen còn viết tự truyện cuộc đời bằng chữ nổi Braille kể về hành trình tự giải thoát mình khỏi bóng tối và sự im lặng để đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà Helen đã trải nghiệm. Cuốn sách mang tên “Cuộc đời tôi” được xuất bản năm 1903 đã nhận được giải thưởng Văn học Mỹ, trở thành một trong những cuốn sách kinh điển của văn học thế giới.

Ngày 28/6/1904, Helen vinh dự và tự hào trở thành người mù và điếc đầu tiên tốt nghiệp đại học.

Hai năm sau ngày tốt nghiệp, Helen được vinh dự bầu vào chức chủ tịch hội người mù tiểu bang Massachusetts. Helen đón tiếp rất nhiều người mù, trả lời nhiều thư từ và đi thuyết giảng lưu động tại 39 nước trên thế giới. Helen không quản ngại vất vả, cống hiến hết sức mình cho chương trình giáo dục và chữa trị cho người mù. Helen đã dùng chính ngôi nhà của mình làm trụ sở để gây quỹ từ thiện giúp người mù và điếc.

Là một nhà hoạt động xã hội hết sức tích cực, Helen còn tham gia vào Liên đoàn lao động của công dân thế giới (Industrial Workers of the World), ủng hộ quyền bầu cử cho nữ giới và việc kiểm soát sinh sản.

Năm 1915, Helen và George Kessler thành lập tổ chức Helen Keller International (HKI), chuyên nghiên cứu về thị giác, sức khỏe và dinh dưỡng.

Năm 1920, bà giúp đỡ thành lập Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union - ACLU). Helen có cơ hội gặp gỡ nhiều tổng thống Mỹ như: Grover Cleveland, Benjamin Harrison, William McKinley, Theodore Roosevelt, William Howard Taft, Franklin D. Roosevelt, John F. Kennedy... và cũng là bạn của những nhân vật nổi tiếng như: Alexander Graham Bell, Charlie Chaplin, Mark Twain.



Helen Keller và Alexander Graham Bell - Ảnh: en.wikipedia.org

Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Helen đã có mặt tại hơn 70 bệnh viện để an ủi, động viên thương bệnh binh kiên cường chống chọi với số phận, làm cho họ hiểu rằng tàn phế không có nghĩa là hết hy vọng trước cuộc sống. Helen Keller đi khắp thế giới để nói với những người cùng cảnh ngộ một điều giản dị: “Khuyết tật không phải là bất hạnh tột cùng của con người. Người mù không phải là thiên tài cũng không phải là một kẻ ngốc. Trách nhiệm của cộng đồng là giúp đỡ người đó làm hết khả năng của mình để có thể chiến thắng ánh sáng qua công việc”.

Bằng tất cả những nỗ lực phi thường để vượt lên số phận, cống hiến vì cộng đồng, cho tới khi qua đời vào ngày 01/6/1968 ở tuổi 87, Helen Keller còn để lại những dấu ấn mạnh mẽ với vai trò là một nữ văn sĩ tài năng, người đã viết nên 12 cuốn sách - 12 bài ca huy hoàng nhất về sự vươn lên của con người.

Ngày 14/9/1964, Tổng thống Lyndon B. Johnson trao tặng bà Huân chương Tự do Tổng thống, một trong hai danh dự dân sự cao nhất của Hoa Kỳ. Một năm sau, bà được ghi tên vào Nhà Danh vọng Hoa Kỳ.

Năm 1971, Helen Keller được đưa vào danh sách Những người phụ nữ được tôn vinh của Alabama.

Năm 1999, Helen Keller xuất hiện trong danh sách Những người được tôn vinh nhất trong thế kỷ 20 của Gallup. Có những con phố được đặt theo tên bà tại Tây Ban Nha, Israel, Bồ Đào Nha và Pháp.

Bà được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu trong thế kỷ XX.

Cuộc đời của Helen Keller còn là nguồn cảm hứng của những nhà làm phim. Năm 1953, một bộ phim tài liệu có tên The Unconquored (Người không bị khuất phục) nói về cuộc đời Helen Keller được trao giải Oscar dành cho phim tài liệu hay nhất. Năm 1962, vở kịch nói về thành công đầu tiên của Anne Sullivan trong việc giao tiếp với Helen khi còn bé được dựng thành phim và hai diễn viên vào vai Helen và Anne đã nhận được hai giải Oscar diễn viên xuất sắc nhất.

Helen Keller nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Temple, Đại học Harvard, và của nhiều trường Đại học khác như: Glasgow, Berlin, Delhi, Johannesburg. Nhà Danh vọng Hoa Kỳ trân trọng dành riêng một gian phòng để trưng bày bộ sưu tập về thư từ, kỷ vật của bà cùng những huân, huy chương mà bà từng được trao tặng, trong đó có Huân chương Chữ thập của Chính phủ Brazil, Huân chương Tận hiến của Chính phủ Nhật Bản, giải thưởng dành cho cá nhân có những hoạt động nhân đạo xuất sắc của tổ chức Lions.

Kim Ngân
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán