Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Ông vua dầu lửa Mỹ Rockefeller

John D. Rockefeller, người đứng đầu đế chế dầu lửa hùng mạnh của Mỹ và thế giới, được mệnh danh là vua dầu lửa và có trong tay hàng tỷ đôla. Con đường nào đã đưa một người tay trắng trở thành nhân vật quan trọng nhất chi phối ngành công nghiệp dầu lửa?

Rockefeller sinh năm 1839 tại một vùng nông thôn ở New York. Cha ông, William Rockefeller, là một nhà buôn gỗ và muối. Tính cách của John D. Rockefeller đã được định hình ngay từ khi còn bé. Ông là một người sùng đạo, chuyên tâm, kiên trì, kỹ tính, hay chú ý đến tiểu tiết, có năng khiếu và niềm đam mê với những con số, đặc biệt là những con số liên quan đến tiền bạc. Cha ông dạy các con các kỹ năng buôn bán từ rất sớm. Khi còn đi học, John D. Rockefeller rất giỏi toán, đặc biệt là môn tính nhẩm.

Năm 1904, “Vua dầu lửa” kể lại về vụ kinh doanh tiền đầu tiên của mình là cho một nông dân trong làng vay số tiền 50 USD nhờ công việc đào khoai tây với lãi suất 7% trả trong một năm: “Ấn tượng sâu sắc đầu tiên với tôi là, hãy để đồng tiền làm nô lệ của mình chứ không biến mình thành nô lệ của đồng tiền”.

Năm 1853, gia đình Rockefeller chuyển đến một nông trại gần Cleveland (bang Ohio). Tuy nhiên, Rockefeller không chịu an phận trở thành anh nông dân mà quyết định bỏ ngang trung học và theo học một khóa kế toán sơ cấp ngắn hạn tại một trường đại học cộng đồng. Ở tuổi 16 vào thời điểm nước Mỹ trong tình trạng kinh tế khó khăn, Rockefeller lần đầu tiên xin được việc làm. Học được các thủ thuật điều hành cũng như những ngóc ngách làm ăn trong vài năm làm cho Hewitt & Tuttle, năm 1859, vài tháng trước sinh nhật lần thứ 20, Rockefeller bắt đầu lập doanh nghiệp riêng, hùn vốn chung với một người láng giềng là Maurice B. Clark.



Chân dung John D. Rockefeller năm 1885 - Ảnh: wikipedia.org

Ban đầu, Clark & Rockefeller chủ yếu buôn bán hàng hóa và nhanh chóng phát đạt nhờ nhu cầu của cuộc Nội chiến Mỹ và sự mở cửa của miền Tây. Họ buôn lúa mì từ Ohio, muối từ Michigan và thịt lợn từ Illinois. Năm 1862, Rockefeller bắt đầu bước vào lĩnh vực lọc dầu. Cùng Maurice Clark, Rockefeller đầu tư vào nhà máy lọc dầu của Samuel Andrews. Thế là công ty khai thác - kinh doanh dầu Andrews & Clark Co ra đời.

Tuy nhiên, bất đồng dai dẳng giữa hai nhân vật chính của công ty đã bùng nổ. Clark và Rockefeller thỏa thuận tổ chức một cuộc bán đấu giá riêng giữa hai người, ai ra giá cao nhất sẽ có được công ty. Cuối cùng Rockefeller trở thành chủ nhân duy nhất của một công ty sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất trong số 30 nhà máy lọc dầu ở Cleveland. Ông giành thắng lợi đầu tiên của mình trong lĩnh vực lọc dầu vào một thời điểm hoàn hảo - cuộc Nội chiến Mỹ kết thúc năm 1865 đã mở ra một kỷ nguyên mới của việc mở rộng các hoạt động kinh tế trên quy mô lớn, của hoạt động đầu cơ mạnh mẽ và cạnh tranh gay gắt.

Năm 1867, Rockefeller mua thêm một nhà máy lọc dầu ở Cleveland. Đây là thương vụ đầu tiên trong hàng loạt vụ sáp nhập mà Rockefeller “càn quét” ngành công nghiệp dầu mỏ Hoa Kỳ. Năm 1870, Rockefeller thành lập tập đoàn dầu mỏ Standard Oil cùng với anh trai William và các cộng sự. Khi đó, Standard chiếm lĩnh khoảng 10% ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Sau cuộc càn quét thứ 2 có tên là “cuộc tàn sát Cleveland” kết thúc vào tháng 4/1872, Standard Oil của Rockefeller đã kiểm soát 25% ngành công nghiệp dầu lửa Hoa Kỳ. Tới năm 1879, Standard Oil đã kiểm soát khoảng 90% ngành lọc dầu Hoa Kỳ, trong đó 70% được xuất khẩu ra nước ngoài. Standard Oil trở thành dạng “khủng long” trong làng công nghiệp dầu thế giới, với sự phát triển cực nhanh mà không đối thủ nào có thể địch lại.

Sau 8 năm liên tục phát triển, bành trướng với một động cơ rất quyết liệt là gây ảnh hưởng và chi phối ngành công nghiệp dầu lửa, Rockefeller đã loại trừ và mua gần hết các đối thủ cạnh tranh. Cái tên Rockefeller nổi tiếng khắp thế giới. Nhân viên và đại diện của ông có mặt tại hầu hết các hải cảng trên toàn cầu. Từ dầu, Rockefeller bắt đầu mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp, như sắt thép, tàu hỏa và tàu biển...

Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh, Rockefeller đã quyết tâm “ít phô trương nhất ở mức có thể”. Ngay cả khi đã trở thành người giàu nhất nước Mỹ, Rockefeller vẫn duy trì tính căn cơ đến kỳ lạ. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông kiên quyết mặc những bộ complet cũ cho tới khi chúng sờn rách. Một trong những món ăn ông yêu thích vẫn là bánh mì và sữa.

Trong đời sống cá nhân và hoạt động kinh doanh, “Vua dầu” luôn giữ nguyên tắc tiết kiệm. Nhưng đối với phúc lợi xã hội thì ông không bao giờ tỏ ra bủn xỉn. Trái với bản lĩnh quyết liệt và tàn nhẫn trên thương trường, Rockefeller vẫn nuôi dưỡng được lòng từ tâm mà mẹ ông đã hun đúc từ thuở nhỏ. Số tiền tài trợ mỗi ngày một lớn và Rockefeller luôn nỗ lực cho đi một phần lớn trong khối tài sản ông tích lũy được. Các khoản tài trợ của ông đều được dành cho nhà thờ, khoa học, y tế và giáo dục.

Khi qua đời vào ngày 23/05/1937, ở tuổi 98, tổng tài sản của tỉ phú giàu nhất mọi thời đại chỉ còn lại 26.410.837 USD sau khi đã quyên góp phần lớn tài sản cho hoạt động từ thiện, cho con trai và những người thừa kế khác.

Minh Ly
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán