Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Phạm Nhật Vượng - Tỷ phú đầu tiên của Việt Nam được bầu chọn trên tạp chí Forbes

Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội. Gia đình ông đã rất khó khăn và chỉ sống nhờ vào những đồng thu nhập ít ỏi của mẹ ông. Ông Vượng cho biết: "Lúc đó tôi không mơ ước gì to lớn, chỉ mong làm được điều gì để có thể phụ giúp gia đình".



Ảnh: thegioidoanhnhan.com

Ông Vượng cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân bằng việc học tập. Ông là một học sinh rất giỏi Toán và đã dành được học bổng theo học ngành kinh tế khai thác nguyên liệu tại Học viện Khảo sát Địa chất Moscow. Ông tốt nghiệp học viện năm 1993. Lúc bấy giờ, sự sụp đổ của Liên Xô tạo ra những vòng xoáy hỗn loạn và tội phạm cũng như mở ra những cơ hội mới.

Sau khi kết hôn với người yêu từ thời đại học, ông Vượng quyết định ở lại nước ngoài với mong muốn có thể tận dụng cơ hội thời hậu Xô Viết. Đôi vợ chồng trẻ quyết định sinh sống tại Ukraine, một đất nước đang gặp khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện công cuộc tư bản hóa. Tại đây, ông Vượng mở một nhà hàng Việt Nam sau khi vay mượn được của gia đình và bạn bè số vốn 10.000 USD. Bên cạnh đó, ông bắt đầu nhập khẩu dây chuyền sản xuất mì sợi khô từ Việt Nam. Tại thời điểm đó, khái niệm mì ăn liền là hoàn toàn mới đối với người Ukraine và nó nhanh chóng trở thành một sản phẩm phổ biến. Ông Vượng nhớ lại: "Thời điểm đó, Ukraine rất là nghèo đói".

Nắm bắt được cơ hội và tình hình của một đất nước mới thành lập như Ukraine, ông Vượng đã có một quyết định rất mạo hiểm. Thay vì chỉ kinh doanh một cửa hàng mì nhỏ, ông đã đặt cược tất cả bằng cách vay tiền nóng với lãi suất lên đến 8% một tháng để mở rộng việc kinh doanh sản xuất.

Sản phẩm mì gói của ông nhanh chóng trở nên phổ biến trên khắp Ukraine và ông nghiễm nhiên trở thành ông vua chế biến thực phẩm trên đất Ukraine. Năm 2010, khi ông bán công ty cho Nestl với mức giá ước tính khoảng 150 triệu USD, công ty mì Technocom của ông có doanh thu 100 triệu USD. Trong nhiều năm qua, ông Vượng dần chuyển tiền từ đế chế mì gói của mình tại Ukraine vào các dự án tại quê hương.

Bước vào thiên niên kỷ mới, Việt Nam đã né được cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, thiết lập mối quan hệ giao thương bình thường với Mỹ và tái khẳng định vai trò kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân. Từ năm 2000 đến 2006, GDP của Việt Nam tăng trưởng ít nhất là 6% mỗi năm. Cảm nhận được sự chuyển mình này của đất nước, ông Vượng đã đầu tư vào một hòn đảo chưa được phát triển ngoài khơi bờ biển và biến nó thành một khu nghỉ mát sang trọng. Kết quả là Vinpearl Resort Nha Trang ra đời.

Những năm tiếp theo, ông Vượng cho ra mắt dự án Vincom Center Bà Triệu, tòa tháp thương mại đầu tiên tại Hà Nội. Ba năm sau, ông xây dựng thêm 260 phòng tại Vinpearl và một hệ thống cáp treo dài hơn 3218m kết nối đảo với đất liền. Ngoài ra, ông còn đầu tư xây dựng làng biệt thự Vincom Village ở Hà Nội.

Trần Đình Phú
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán