Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Stephen Hawking - nhà Vật lý thiên văn số 1 thế giới

Stephen Hawking được mệnh danh là thiên tài Vật lý thiên văn số 1 của thế giới, là tác giả cuốn "Lược sử thời gian" nổi tiếng. Cuộc đời của ông gắn với những phát kiến vĩ đại, cùng nghị lực chống chọi lại căn bệnh quái ác.



Nhà Vật lý thiên văn Stephen Hawking - Ảnh: en.wikipedia.org

Stephen William Hawking sinh ngày 18/01/1942 tại Oxford, Anh. Từ bé ông đã quan tâm đến hoạt động của nhiều vật dụng. Ông thường xuyên mày mò tháo rời radio, đồng hồ để nghiên cứu những bộ phận nhỏ. Khi đi học, kết quả học tập của Hawking không xuất sắc, nhưng ông có năng khiếu đáng chú ý đối với các môn khoa học tự nhiên. Tháng 10/1959, Hawking vào học tại Đại học Oxford khi mới 17 tuổi. Hawking có một trí tuệ tuyệt vời, chỉ số IQ lên tới 160 (bằng với thiên tài Albert Einstein). Chỉ có một phần rất nhỏ dân số đạt được mức IQ này.

Sau khi tốt nghiệp, Hawking bắt đầu làm luận án, thời gian này ông gặp một số triệu chứng như hay vấp ngã, khó cử động. Gia đình đã nhận thấy điều đó khi ông về thăm nhà vào dịp Giáng sinh. Sau đó ông đã được đưa đến bác sĩ.

Bước qua tuổi 21, Hawking nhận được kết quả rằng ông mắc bệnh thần kinh vận động, còn gọi là chứng xơ cứng teo cơ (ASL). Triệu chứng của bệnh là 4 cơ bị teo, người bệnh sẽ dần mất đi sức lực và có thể dẫn đến bị liệt, khả năng nói, nuốt và hô hấp cũng yếu đi đến khi không còn khả năng hô hấp dẫn đến chết. Ông được chẩn đoán là chỉ sống thêm được vài năm và sẽ không thể hoàn thành được luận án tiến sĩ.

Tiếp nhận cú sốc quá lớn, Hawking suy sụp trong một thời gian, nhưng khi nhìn thấy một cậu bé chết vì ung thư máu trong bệnh viện ông đã nhận ra rằng còn nhiều người kém may mắn hơn mình. Vượt qua đau đớn về thể xác do bệnh tật hành hạ, Hawking hoàn thành luận án tiến sĩ về Vũ trụ học vào tháng 3/1996.

Trong quá trình hoạt động khoa học của mình, Hawking được coi là một trong những nhà Vật lý thiên tài kể từ khi Einstein qua đời. Toàn bộ những công trình của ông được đánh giá là "chiếc chìa khoá mở cửa vào vũ trụ". Một trong những thành tựu lớn nhất mà Hawking đạt được trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình là việc góp phần chứng minh lý thuyết vũ trụ vô biên nhưng lại hữu hạn trong không thời gian. Ông đã chứng minh được điều này vào năm 1983. Ông còn đặt ra nhiều vấn đề về không thời gian, nhiều vấn đề chưa có lời giải đáp chính xác hoặc sự chứng minh xác đáng vì vũ trụ còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Tuy nhiên, những suy luận của ông đã tạo ra những hướng mới trong công cuộc nghiên cứu vũ trụ.

Ngoài hoạt động nghiên cứu, Hawking còn viết sách. Cuốn "Lược sử thời gian" của ông viết năm 1988 được liệt vào những cuốn sách bán chạy nhất thế giới với tổng số bản in lên tới 10 triệu bản kể cả những bản được dịch ra 40 thứ tiếng, trong đó có bản dịch ra tiếng Việt. Nghĩa là chỉ đứng sau Kinh thánh và một số vở kịch của Shakespeare.

Ông nhận nhiều vinh dự khác nhau, trong đó có Huân chương Tự do Tổng thống, Giải Wolf, là thành viên của Hội Nghệ thuật Hoàng gia và Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng. Hawking đảm nhiệm vị trí Giáo sư Toán học Lucas tại Đại học Cambridge từ năm 1979 đến năm 2009.

Chỉ còn da bọc xương vì bệnh teo cơ, toàn thân tê liệt, bị gắn chặt vào chiếc xe lăn, cổ ngoẹo về một phía và chỉ cử động được hai ngón tay của bàn tay trái - đó là hình ảnh quen thuộc về Stephen Hawking. Phương tiện thông tin duy nhất của ông là chiếc máy tổng hợp giọng nói do một người bạn thiết kế riêng, hoạt động bằng cách gõ nhẹ lên các con chữ của chiếc máy tính dính liền vào xe. Trong tư thế bất động như vậy, Hawking vẫn miệt mài với các dự án nghiên cứu của mình. Mới đây, ngày 25/8/2015, nhà Vật lý lừng danh trình bày giả thuyết mới về hố đen trước sự theo dõi của những khoa học gia danh tiếng và giới truyền thông tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Stockholm.

Hải An
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán