Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Thiên tài không bằng cấp Michael Faraday

Michael Faraday là nhà bác học được cả thế giới biết đến bởi ông chính là người có công lớn nhất trong việc biến từ thành điện - nguồn năng lượng sạch và phổ biến nhất ngày nay.

Michael Faraday sinh ngày 22/9/1791 ở Newington Butts, ngoại ô Luân Đôn, trong một gia đình nghèo có bố làm nghề thợ rèn. Từ nhỏ, Faraday đã tỏ ra thông minh và hiếu học, nhưng phải sớm nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Khi đời sống của gia đình càng khó khăn, năm 1804, khi mới 13 tuổi, Faraday đến xin việc tại “Hiệu bán sách và đóng sách Ritô” ở Luân Đôn. Faraday vừa học nghề đóng sách, vừa tự học qua việc đọc sách. Ông đặc biệt chú ý đến các quyển sách về khoa học và còn tự làm thí nghiệm đơn giản để kiểm nghiệm lại những điều khẳng định trong sách. Cứ thế trong thời gian rảnh rỗi, Faraday lại say mê cùng những điều lý thú của khoa học, nhất là lĩnh vực điện năng. Cho đến một ngày, anh thợ đóng sách trẻ Faraday háo hức dự các lớp học buổi tối do Hội Triết học tổ chức để trau dồi kiến thức, bù lại khoảng thời gian không được cắp sách đến trường. Faraday ham học đến nỗi đêm nào cũng đọc sách tới khuya khiến cho nhiều lần ngủ gật trong giờ làm việc.

Năm 1812, Faraday được người chủ hiệu sách tặng cho một tấm vé tham dự buổi thuyết giảng của giáo sư Hóa học Humphry Davy, hội viên Hội Khoa học Hoàng gia Luân Đôn. Faraday sau đó đóng một quyển sách có tên “Ghi chép về buổi diễn thuyết của tước sĩ Humphry Davy” và một bức thư tự tiến cử gửi tới giáo sư Davy. Nội dung ghi chép cùng những kiến giải riêng của Faraday thể hiện trong quyển sách đã khiến giáo sư Davy hết sức ấn tượng.



Bức tranh vẽ của James Gillray về buổi giảng Hóa học tại Học viện hoàng gia của giáo sư Humphry Davy - Ảnh: famousscientists.org

Tháng 10/1812, cuộc đời Faraday đã bước hẳn sang một trang mới khi được nhận làm phụ tá ở phòng thí nghiệm của giáo sư Davy. Dù chỉ nhận được số lương ít ỏi, Faraday vẫn hăng hái với công việc. Faraday không những ghi chép rất chính xác các ý tưởng khoa học của Davy mà còn tham gia đóng góp ý kiến, phân tích các số liệu thực nghiệm, nhận xét các kết luận khái quát của nhà bác học. Faraday được thăng chức trợ lý khoa học vào tháng 3/1813.

Từ năm 1813-1815, trong các chuyến đi đến Pháp, Ý của giáo sư Davy, Faraday đều được đi cùng và có cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ nhiều nhà bác học như Ampère, De la Rive... Faraday đã rất chịu khó ghi chép và tích lũy kiến thức trong suốt hành trình.

Lần đầu tiên Faraday viết một luận văn khoa học là vào năm 1816 dưới sự chỉ đạo của giáo sư Davy. Chỉ trong 2 năm sau đó, ông tiếp tục có tới 17 bài luận văn phân tích Hóa học.

Từ năm 1818 đến năm 1823, trong quá trình nghiên cứu để phục chế thép Faraday đã sáng tạo ra phương pháp phân tích kim loại.

Năm 1821, Faraday cưới Sarah Barnard. Mặc dù đã lập gia đình, người phụ tá của giáo sư Davy vẫn cần cù ngày hai buổi tới chuẩn bị bài giảng cho các giáo sư của Hội khoa học Hoàng gia, và nhiều buổi trưa, buổi tối anh vẫn cặm cụi ở lại phòng thí nghiệm đọc nốt một chương sách hay làm nốt một thí nghiệm dở dang.

Năm 1824, Faraday được bầu làm hội viên Hội Khoa học Hoàng gia Luân Đôn và bắt đầu giảng dạy tại Học viện Hoàng gia Anh.

Năm 1825, Faraday bắt tay vào việc nghiên cứu loại khí thể dùng để chiếu sáng cho thành phố Luân Đôn. Loại khí này được đặt tên là khí Clo. Cũng trong năm này, Faraday được giao trách nhiệm chỉ đạo phòng thí nghiệm.

Giai đoạn năm 1830-1839 là thời kỳ mà Faraday đạt được nhiều thành quả khoa học nhất. Ông bắt tay vào việc nghiên cứu vật lý mà cơ bản là phần điện học hiện đại.

Ngày 24/11/1831, Faraday báo cáo trước Học viện Hoàng gia về vấn đề phát hiện cảm ứng của điện từ. Ông vinh dự được mời giữ chức chủ tịch Hội Khoa học Hoàng gia nhưng đã từ chối để chuyên tâm theo đuổi các nghiên cứu khoa học.



Thí nghiệm của Faraday về cảm ứng điện từ năm 1931 - Ảnh: en.wikipedia.org

Năm 1833, Faraday được cử làm giáo sư hóa học ở Học viện Hoàng gia thay thế giáo sư Davy, cũng chính năm này Faraday đưa ra lý thuyết và hiện tượng điện phân, đặt cơ sở lý luận cho các ngành công nghiệp điện - hóa. Ông phát biểu về các định luật định tính, định lượng. Chính các từ: "điện phân", "điện cực", "Ion" là do ông đặt ra.

Năm 1838, Faraday tiếp tục nêu ra hai khái niệm: từ trường điện, đường sức.

Năm 1843, Faraday đưa ra lý thuyết về sự nhiễm điện bằng cảm ứng.

Năm 1844, Faraday được viện Hàn lâm Khoa học Paris công nhận là người kế tục Dalton trong số 8 thành viên nước ngoài của Viện.

Năm 1846, ông khám phá ra rằng năng lượng tĩnh điện được định vị trong các chất điện môi, khám phá này chuẩn bị cho sự xuất hiện lý thyết điện tử của Maxwell sau này. Cùng với khám phá đó, Faraday tìm ra "hằng số điện môi".

Để thưởng công lao cho ông, nữ hoàng Victoria đã tặng ông ngôi nhà ở Hampton Court và phong cho chức Hầu tước, ông chỉ nhận nhà với sự biết ơn, và từ chối tước vị.

Ngoài thời gian dành cho khoa học, Faraday còn là người thầy xuất sắc. Ông có trách nhiệm cao và rất quan tâm đến phương pháp giảng dạy phải thực nghiệm để xây dựng hình tượng trực quan. Cho tới tận ngày nay, Học viện Hoàng gia Anh vẫn duy trì những nguyên tắc giảng dạy mà Faraday đã đề ra bằng kinh nghiệm và lòng tận tâm với công việc của ông.



Faraday giảng dạy tại Học viện Hoàng gia 1856 - Ảnh: en.wikipedia.org

Ngày 20/3/1862 là ngày cuối cùng đánh dấu công việc nghiên cứu của Michael Faraday. Trong cuốn sổ ghi kết quả nghiên cứu của ông người ta đọc được con số thí nghiệm cuối cùng của ông: 16041.

Mùa hè 1867, ông bị điếc và mất trí nhớ, ông qua đời ngày 25/8/1867 thọ 76 tuổi tại Hampton Court. Faraday đã để lại cho nhân loại những phát minh vĩ đại.

Hương Thùy
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán