Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

5 quốc gia có năng lực cạnh tranh nhất thế giới 2013

Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 2013 do Trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sĩ công bố, Mỹ đã lấy lại vị trí quốc gia có khả năng cạnh tranh nhất thế giới.

1. Mỹ



Người tham dự đeo Google Glass tại hội nghị các nhà phát triển Google I/O ở San Francisco. Lĩnh vực công nghệ đã giúp nước Mỹ phát triển.

Mỹ đã giành lại ngôi vị số một trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu IMD, sau khi để tụt vị trí này vào tay Hồng Kông trong năm 2012.

Hiệu suất kinh tế mạnh mẽ năm nay là do sự hồi phục của khu vực tài chính, làn sóng cải tiến công nghệ và triển vọng của các công ty được cải thiện.

Theo các chủ doanh nghiệp được khảo sát bởi IMD, sản xuất kinh doanh ở Mỹ là một đề nghị hấp dẫn do sự năng động của nền kinh tế, tiếp cận với một lực lượng lao động có tay nghề cao, dễ dàng đầu tư cũng như phát triển nghiên cứu mạnh mẽ.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều điều cần được cải thiện. Những người tham gia khảo sát chỉ trích mã thuế của Mỹ, và "năng lực chính phủ" được xếp hạng rất thấp trong danh sách các yếu tố quan trọng đối với lĩnh vực kinh doanh.

2. Thụy Sĩ



Nông dân làm pho mát Gruyere ở Theraulaz d'en bas, Thụy Sĩ

Thụy Sĩ, quốc gia xếp hạng ba vào năm 2012, được đánh giá cao về sự ổn định chính sách và khả năng dự đoán.

IMD cho biết, cùng với Thụy Điển và Đức, Thụy Sĩ là một phần của nhóm các cường quốc châu Âu dựa vào nền kinh tế định hướng xuất khẩu và kỷ luật tài chính để giành được lợi thế cạnh tranh.

Những người được khảo sát không đánh giá cao tính cạnh tranh về giá, chất lượng quản trị doanh nghiệp và năng lực chính phủ của quốc gia này.

3. Hồng Kông



Người đi bộ tại quận Causeway Bay ở HongKong

Quán quân năm 2012 là Hồng Kông đã tụt xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng năm 2013. Nhưng trung tâm tài chính này vẫn có nhiều điểm hấp dẫn.

Những người tham gia khảo sát cho biết chính mức thuế thấp và môi trường pháp lý hiệu quả của Hồng Kông là những đặc điểm thu hút lớn. Nhưng Hồng Kông lại bị đánh giá thấp về các vấn đề nghiên cứu, phát triển, quan hệ lao động và sự ổn định chính sách.

4. Thụy Điển



Một nhân viên thu ngân làm việc tại cửa hàng IKEA ở Aelmhult, Thụy Điển

Năm 2013, Thụy Điển đã tăng một bậc trong bảng xếp hạng, đứng ở vị trí thứ tư.

Trong khi năng lực cạnh tranh trên khắp châu Âu đang giảm, đất nước Bắc Âu này lại là một "thành công chói sáng" như cách gọi của Giáo sư Stephane Garelli - Giám đốc Trung tâm năng lực cạnh tranh thế giới IMD.

Theo khảo sát của IMD, quốc gia này hấp dẫn vì sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động có tay nghề cao, cơ sở hạ tầng và môi trường pháp lý có hiệu quả.

Tuy nhiên, chính sách thuế của nước này được xem là một điểm yếu.

5. Singapore



Công nhân làm việc trong một tòa nhà ở khu tài chính của Singapore

Singapore đứng ở vị trí thứ hai tại châu Á, chỉ sau Hồng Kông. Theo khảo sát, bốn lý do hàng đầu để kinh doanh ở Singapore là năng lực chính phủ, cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý hiệu quả và ổn định chính sách.

Theo IMD, Singapore có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của mình bằng cách tăng cường hỗ trợ cho người có thu nhập trung bình và thấp, cũng như giúp các công ty kiểm soát áp lực chi phí.

Niên giám năng lực cạnh tranh toàn cầu IMD sử dụng dữ liệu kinh tế và kết quả khảo sát để xây dựng một bảng xếp hạng 60 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Các nước được đánh giá dựa theo bốn tiêu chí: hiệu quả kinh tế, năng lực chính phủ, hiệu quả kinh doanh và cơ sở hạ tầng.

Trần Hồng Điệp
Theo: money.cnn.com
Ảnh: money.cnn.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán