Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Anh Quốc và thị trường âm nhạc quốc tế

Anh là quốc gia xuất khẩu âm nhạc lớn. Năm 2015, doanh thu là 4,1 tỷ bảng Anh (5,4 tỷ USD), trong đó xuất khẩu âm nhạc đạt 2,2 tỷ bảng Anh (2,9 tỷ USD), tăng nhẹ so với năm 2014. Đóng góp lớn nhất cho sự thành công của ngành công nghiệp này là doanh thu trong nước và quốc tế của các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc người Anh lên đến 2 tỷ bảng Anh (2,7 tỷ USD), xuất khẩu nhạc và thu âm đã tăng lên 8,9% với 1/6 album được bán trên toàn cầu vào năm 2015 là của các nghệ sĩ Anh Quốc.

Ngoài ra, 5/10 album bán chạy nhất thế giới là của Anh, theo thống kê từ IFPI (The International Federation of the Phonographic Industry). Sự thành công của các nghệ sĩ Anh như Adele, Coldplay và Ed Sheeran đã giúp xuất khẩu âm nhạc tăng trưởng. Nếu muốn ngành này tiếp tục phát triển cần các chính sách tốt, đặc biệt là khi chuẩn bị bước vào một thị trường hậu Brexit.



Doanh thu sản xuất âm nhạc là 412 triệu bảng Anh (547 triệu USD); các đại diện âm nhạc về tác quyền, quản lý, và đơn vị kinh doanh đạt doanh thu 92 triệu bảng Anh (122 triệu USD) đã tạo ra gần 120.000 việc làm toàn thời gian trong ngành công nghiệp âm nhạc Anh Quốc. Trong giai đoạn 2012-2015, ngành công nghiệp âm nhạc Anh Quốc đã vượt ngành kinh tế về tăng trưởng kinh tế - trong khi GDP nước Anh giảm 10% thì đóng góp của ngành công nghiệp âm nhạc vào GDP đã tăng 17%. Đóng góp của âm nhạc Anh Quốc đối với nền kinh tế trong tổng giá trị gia tăng (Gross Value Added - GVA) tăng 17% việc làm và xuất khẩu tăng 11% từ năm 2012 đến năm 2015. Năm 2015 là một năm sôi động của ngành âm nhạc với tăng trưởng xuất khẩu trong toàn ngành đóng góp tổng thể 4,1 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế Anh. Sự gia tăng mạnh mẽ, ổn định trong việc làm cho thấy âm nhạc là một ngành công nghiệp mở rộng.

Năm 2015, 27,7 triệu khán giả đã tham dự các sự kiện âm nhạc trực tiếp ở Anh, cho thấy có sự sụt giảm nhẹ về GVA - nguyên nhân là do sự sụt giảm các địa điểm tổ chức âm nhạc. Việc đảm bảo sự tăng trưởng và đầu tư liên tục những sự kiện âm nhạc trực tiếp là điều cần thiết. Một thách thức mà ngành công nghiệp âm nhạc Anh đang phải đối mặt đã được điều chỉnh theo mô hình tiêu dùng âm nhạc mới. Trong 4 năm qua một sự chuyển đổi từ quyền sở hữu sang luồng trực tuyến trả tiền thuê bao như Apple Music, Spotify, Tidal và Deezer tăng đáng kể mang lại doanh thu cho kinh doanh nhạc số từ 168 triệu bảng trong năm 2014 lên 251 triệu bảng vào năm 2015. Cuộc tranh luận về mức thù lao công bằng cho chủ bản quyền từ các dịch vụ số như YouTube… cũng như tất cả nội dung do người dùng tải lên chưa bao giờ quan trọng hơn như lúc này và trong tương lai. Sự gia tăng 12% lượng khán giả tại các sự kiện âm nhạc trực tiếp trong 12 tháng qua mang lại 4 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh. Nghiên cứu cho thấy mọi người ngày càng sẵn sàng đi du lịch từ các vùng khác của Anh và người nước ngoài đến Anh để tham dự các sự kiện âm nhạc. Du lịch âm nhạc đã tăng 20% vào năm 2016 và gần 1 triệu người nước ngoài đã đến Anh, đặc biệt là để tham dự các sự kiện âm nhạc và lễ hội, với chi tiêu trung bình là 850 bảng.

Tăng trưởng Xuất khẩu Âm nhạc (Music Exports Growth Scheme - MEGS) là mục tiêu hiện nay của nền âm nhạc Anh Quốc. Từ năm 2013 đến năm 2016, 89% các nghệ sĩ cho biết họ có kết quả kinh doanh tốt từ các buổi giới thiệu tác phẩm ở nước ngoài, bao gồm các buổi giao lưu, xuất bản và lưu diễn.



Theo Hiệp hội Quyền biểu diễn (Performing Rights Society - PRS for Music) năm 2016, tiền bản quyền cho nhà soạn nhạc, nhà xuất bản âm nhạc trị giá 527,6 triệu bảng. Và xuất khẩu là chìa khóa cho sự tăng trưởng này, PRS cho biết thu nhập quốc tế từ âm nhạc của các thành viên nước ngoài đã tăng 5% lên 233,7 triệu bảng vào năm 2016 và đã thực hiện hơn 4 nghìn tỷ bài nhạc, tăng 80% so với năm 2015.

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Pay Per Lead - PPL, tiền bản quyền quốc tế có doanh thu là 212,1 triệu bảng (tăng 8% so với năm 2015) trả cho 83.102 nghệ sĩ và 9.598 chủ bản quyền âm nhạc đã ghi âm vào năm 2016, tăng 30%. PPL đã thanh toán 51 triệu bảng cho các thành viên từ các album âm nhạc quốc tế vào năm 2016, tăng 37% so với năm 2015 nhờ các hiệp định ở nước ngoài bao gồm 39 quốc gia. Xu hướng này tiếp tục vào 3 tháng đầu năm 2017, thanh toán quốc tế đã tăng 15% lên đến 15,7 triệu bảng - khoản thanh toán quý lớn nhất trong lịch sử.



Adele là ca sĩ có số lượng album bán chạy nhất thế giới năm 2015

Peter Leathem, Giám đốc điều hành của Pay Per Lead (PPL) cho biết: “Sự thành công ở thị trường quốc tế là một lĩnh vực tăng trưởng quan trọng đối với chúng tôi. Jane Dyball, Giám đốc điều hành của cơ quan xuất bản MPA Group cho biết: “Các  nhạc sĩ người Anh ngày càng bành trướng ở thị trường Mỹ”. Glass Animals là một ví dụ, ban nhạc đã bán được 700k album trên toàn thế giới và lần đầu tiên phá vỡ kỷ lục ở Mỹ. Những nhà xuất bản đóng vai trò lớn trong việc giúp nghệ sĩ phát triển trước khi đến giai đoạn ký kết với nhãn hiệu, và thị trường Anh đứng đầu xu hướng này.

Theo Global Music Report của IFPI (The International Federation of the Phonographic Industry) năm 2017, thị trường âm nhạc toàn cầu đã tăng 5,9% trong năm 2016, mức cao nhất kể từ khi IFPI bắt đầu theo dõi thị trường vào năm 1997. Tổng doanh thu năm 2016 là 15,7 tỷ USD với 112 triệu người sử dụng các thuê bao trả tiền trực tuyến thúc đẩy doanh thu tăng 60,4%, doanh thu kỹ thuật số hiện nay chiếm 50%, doanh thu tải xuống 20,5%, doanh thu vật lý còn 7,6%. Truyền thông đa phương tiện đang giúp phát triển thị trường âm nhạc, với Trung Quốc (+ 20,3%), Ấn Độ (+ 26,2%) và Mexico (+ 23,6%) có mức tăng trưởng doanh thu cao.

Các công ty thu âm đã thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thông qua đầu tư liên tục, không chỉ ở các nghệ sĩ, mà còn nền tảng kỹ thuật số, cấp phép hơn 40 triệu ca khúc qua hàng trăm dịch vụ. Thành công đòi hỏi phải giải quyết được “khoảng cách giá trị” - sự không phù hợp ngày càng tăng giữa giá trị mà người dùng tải lên các dịch vụ. Khả năng âm nhạc là vô hạn, để việc đầu tư cho các nghệ sĩ được duy trì và thị trường tiếp tục phát triển cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ giá trị của âm nhạc và sự sáng tạo. Ngành công nghiệp toàn cầu cần giải quyết vấn đề phân phối âm nhạc bất hợp pháp làm suy yếu thị trường âm nhạc. IFPI và các nhóm quốc gia đã xác định 19,2 triệu đường dẫn liên kết đến website (Uniform Resource Locator - URL) lưu trữ nội dung vi phạm vào năm 2016 và đã phát hành 339 triệu yêu cầu cho Google xóa các trang web vi phạm.

Tại Anh, BPI (British Phonographic Industry), đại diện cho các hãng thu âm của Anh, đã cảnh báo trang web vi phạm sẽ phải đối mặt với những hành động pháp lý nếu không dừng việc vi phạm bản quyền. Tại Hoa Kỳ, RIAA (The Recording Industry Association of America) đã thay mặt cho các công ty thu âm tại tòa án liên bang ở California kiện YouTube-mp3.org vì vi phạm bản quyền. Trong thỏa thuận dàn xếp, trang web này hứa sẽ đóng trên toàn cầu, không vi phạm trong tương lai và tuân theo lệnh cấm chính thức đã được tòa án Hoa Kỳ chấp thuận.

Các nghiên cứu do IFPI và Ipsos tiến hành cho thấy các vi phạm bản quyền về âm nhạc đang diễn ra trên quy mô lớn, với 53% số người từ 16-24 tuổi tham gia vào hoạt động này. Đây là một mối đe doạ đối với toàn bộ nền âm nhạc, bao gồm các nền âm nhạc kỹ thuật số đang hoạt động có trách nhiệm bằng cách thu hút người nghe và đăng ký thuê bao dịch vụ số được cấp phép. Ngành công nghiệp âm nhạc ghi âm sẽ tiếp tục có những hành động vững chắc để giải quyết các vi phạm này.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán