Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Điều gì tạo nên nền kinh tế Hoa Kỳ?

Nước Mỹ bước vào thế kỷ XXI trong vai trò là siêu cường của thế giới. Với nhiều chính sách được hoạch định, Hoa Kỳ đã duy trì được vị thế là một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, sản lượng lớn và có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Với diện tích đất đai rộng lớn, các nguồn tài nguyên giàu có, một chính phủ ổn định và một lực lượng lao động có trình độ cao, kinh tế Mỹ có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Điều quan trọng là nước Mỹ luôn sẵn sàng đón nhận, thậm chí luôn mong chờ những đổi thay. Chính phủ liên bang Mỹ cũng thay đổi những cam kết của mình đối với các lực lượng thị trường từ những năm 1970 bằng cách dỡ bỏ tất cả các điều luật ưu tiên bảo hộ từ nhiều thập kỷ nay cho một vài ngành công nghiệp trước sự cạnh tranh của thị trường. Các ngành công nghiệp đó là vận tải, hàng không và viễn thông. Sự cạnh tranh khốc liệt và hệ thống điều tiết này đã khích lệ những tiến bộ công nghệ, làm cho nền kinh tế Mỹ đạt được năng suất cao, mang lại thu nhập tương đối cao cho các hộ gia đình Mỹ. Năng suất của Mỹ đã tăng rất nhanh trong những năm 1990, đạt đỉnh cao 4,1% vào năm 2002. Tốc độ tăng trưởng này đã vượt qua Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. Từ sau năm 2002, sản lượng công nghiệp của nước Mỹ đã giảm và chỉ còn 1,6% trong năm 2006. Mỹ có khoảng 26 triệu công ty, đa số là các công ty nhỏ với 97,5% có ít hơn 20 nhân viên, nhưng các công ty này chiếm một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo ra 60 - 80% tổng số việc làm mới trong thập kỷ qua và sử dụng số lao động khoảng 153 triệu người tại Mỹ.

Nhiều công ty của Mỹ được tổ chức như những tập đoàn có thương hiệu chung. Các tập đoàn được coi là một mô hình kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Để tăng lượng tiền kinh doanh, các công ty này bán cổ phần (quyền sở hữu tài sản) hoặc trái phiếu (một hình thức vay tiền) cho các nhà đầu tư. Các ngân hàng thương mại cũng trực tiếp cho các công ty lớn nhỏ vay tiền. Chính quyền trung ương và chính quyền các bang đưa ra những quy định chi tiết để đảm bảo hệ thống tài chính này hoạt động một cách lành mạnh và an toàn; đồng thời, cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin mà họ cần để đưa ra những quyết định sáng suốt. Một tập đoàn lớn có thể sở hữu hàng triệu nhân viên trở lên, phần lớn các nhân viên này đều sở hữu cổ phần nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số giá trị cổ phiếu của công ty, và khoảng ½ hộ gia đình Mỹ sở hữu cổ phiếu phổ thông một cách trực tiếp hoặc thông qua các quỹ tương hỗ, hay qua các kế hoạch đầu tư trợ cấp hưu trí. Gần 2/3 dân số trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động, tỷ lệ lao động nam nữ là 50/50. Khoảng 15% trong số này là những lao động được sinh ra ở nước ngoài. Khoảng 5 - 6% trong số họ có thể làm nhiều hơn một nghề. Khu vực tư nhân sử dụng phần lớn lực lượng lao động của Mỹ - khoảng 85,5%; chính phủ sử dụng phần còn lại.



Tầm quan trọng của sở hữu tư nhân phù hợp với niềm tin vào tự do cá nhân của nước Mỹ. Từ khi giành được độc lập, người Mỹ đã luôn tìm cách hạn chế quyền lực của chính phủ thông qua các cá nhân, kể cả vai trò của nó trong giải quyết các vấn đề kinh tế. Và đa số người Mỹ vẫn cho rằng sở hữu tư nhân là hình thức ưu việt hơn so với sở hữu nhà nước trong việc tạo ra sản lượng kinh tế cao nhất. Mặc dù vậy, phần lớn người dân Mỹ vẫn muốn chính phủ phải đảm nhận một vài nhiệm vụ điều phối nền kinh tế, hệ thống luật pháp của Mỹ đã tạo ra một cơ sở lành mạnh để vận hành các hoạt động kinh doanh. Chính sách kinh tế xã hội mới đã xây dựng nên mức lương tối thiểu và giờ lao động tối thiểu, nó cũng tạo ra các chương trình và các cơ quan thực thi và vai trò của chúng là không thể phủ nhận - trong đó có Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái có chức năng quản lý thị trường chứng khoán, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang có chức năng bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng và Hệ thống Bảo hiểm xã hội có chức năng cung cấp lương hưu dựa trên quá trình đóng tiền bảo hiểm của người lao động. Với tất cả các điều luật của mình, năm 2007, Mỹ được Ngân hàng thế giới (WB) xếp thứ 3 trong số các quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất, sau Singapore và New Zealand. Chính quyền liên bang có vai trò tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế và nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, đặc biệt là duy trì được một mức giá chung ổn định và một gánh nặng thuế có thể quản lý được. Cục Dự trữ liên bang (FED) quản lý tiền tệ, Tổng thống và Quốc hội điều chỉnh chi tiêu ngân sách và chi tiêu thuế (chính sách tài khóa).

Một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu đối với những nhân vật nắm giữ cương vị tổng thống Mỹ trong lịch sử là đưa ra những học thuyết để xử lý các vấn đề trên toàn cầu với tư cách một siêu cường mà Mỹ nắm giữ. Các học thuyết này mang đậm dấu ấn cá nhân của các đời tổng thống, và được xem như kim chỉ nam cho các chính sách của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống.

Kinh tế thế giới kỳ vọng đạt con số trung bình 3,2% trong năm 2015, theo dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng từ 3 - 3,2% trong năm 2015. Đó cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2005. Dấu hiệu tăng trưởng kinh tế Mỹ góp phần giúp thị trường lao động tăng thêm trung bình 227.000 việc làm mới mỗi tháng từ quý III/2014 và tiếp tục kỳ vọng giữ vững tỷ lệ này trong năm 2015, theo Công ty phân tích dữ liệu công nghiệp toàn cầu (IHS). Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống còn 5,5% vào năm 2015, bên cạnh đó kỳ vọng mức tăng lương cũng khả quan hơn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2015, tỷ số nợ trên thu nhập trung bình tại các hộ gia đình ở Mỹ giảm mức thấp nhất kể từ năm 2002. Chi tiêu của người dân Mỹ chiếm đến 68% giá trị GDP quốc gia. Theo Principal Global Investors, ngành sản xuất tại Mỹ trong năm 2015 cũng sẽ bước vào giai đoạn phát tiển dự đoán đạt mức 7% so với con số 5% trong năm 2014. Giá tiêu dùng Mỹ sẽ tăng 1,9% vào 2015 (so với mức lạm phát mục tiêu là 2%). Trong ngắn hạn, lãi suất USD căn bản sẽ không có dấu hiệu gia tăng cho đến hết quý II/2015 và sau đó có thể tăng rất nhẹ, trước khi đạt mức dự báo là 0,75% vào cuối năm. USD sẽ tiếp tục đà tăng giá trên toàn cầu mang đến những ảnh hưởng không nhỏ cho các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ khi thu lợi nhuận từ đồng tiền địa phương quy đổi sang USD. Giá nhà đất Mỹ sẽ tiếp tục tăng năm 2015 và hứa hẹn thị trường bất động sản sôi động.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã bắt đầu tăng lên từ mùa xuân năm 2014, cao hơn tỷ lệ của 3 năm trước đó. Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ trong năm 2014  khoảng 2,8% GDP, đây là một sự tiến triển kỷ lục so với năm 2009, khi mà thâm hụt ngân sách chiếm đến gần 10% GDP. Theo báo cáo vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, từ tháng 7 đến 9/2014, GDP nền kinh tế đã tăng trưởng tới 5% - mạnh nhất kể từ quý III/2003 và tăng cao hơn mức ước tính 3,9% được đưa ra ban đầu. Con số này cũng cao hơn mức dự báo 4,3% của Bloomberg. Chi tiêu của các hộ gia đình - yếu tố đóng góp 70% tăng trưởng của nền kinh tế - tăng 3,2%. Con số được công bố phản ánh người Mỹ chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ y tế, hoạt động giải trí và dịch vụ tài chính. 



Hoa Kỳ đang dần trở thành một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2014 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 34,94 tỷ USD, chiếm hơn 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2014. Việt Nam xuất siêu với 28,655 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 6,284 tỷ USD. Theo đánh giá, thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2015 này sẽ đột phá và vượt xa con số 34,94 tỷ USD của năm 2014. Lý do là Việt Nam đang ngày càng làm tốt hơn việc cải cách các thủ tục hành chính, cải tiến về kỹ thuật nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, khả năng Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam trong thời gian tới cũng được các chuyên gia dự báo.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán