Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Dự báo kinh tế Đức 2014 & Sự phục hồi của Eurozone

Đức là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ tư thế giới và lớn nhất châu Âu với doanh thu 3.405 ngàn tỷ euro tổng sản phẩm quốc nội. Kinh tế Đức tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, chỉ vào khoảng 2% đến 3% tổng dân số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đức là nước xuất khẩu hàng đầu về máy móc, phương tiện vận tải, hóa chất, thiết bị gia đình cũng như sở hữu lực lượng lao động có tay nghề cao. Sự thành công của nền kinh tế Đức còn dựa trên những cải tổ chính trị và xã hội sâu sắc được khởi xướng hơn một thập kỷ trước bởi chính phủ của Thủ tướng Gerhard Schroeder (1998 - 2005). Đó là nền tảng cho một sự cạnh tranh cao hơn, tạo ra những sản phẩm có chi phí thấp hơn trong khi giá cả lao động trên khắp châu Âu tăng mạnh. Nhiều năm qua, kinh tế Đức chứng tỏ sự thành công và có sức hấp dẫn lớn đối với nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao đến từ khắp châu Âu. Trong danh sách 100 cụm kinh tế hàng đầu châu Âu xét theo quy mô, mức độ chuyên hóa và phân vùng tại các "khu vực năng động sáng tạo", có 30 cụm ở Đức.



Kinh tế Đức có sức hấp dẫn lớn đối với nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao đến từ khắp châu Âu - Ảnh: AFP

Theo Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), mức tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức năm 2013 là 0,4%, năm 2014 dự kiến tăng 1,7%. DIW đánh giá, sau bước khởi đầu yếu, kinh tế Đức đã duy trì tăng trưởng ổn định trong bối cảnh tình trạng suy thoái ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). GDP của Đức năm 2010, 2011, 2012 đạt lần lượt 4%, 3,3% và 0,7% và 0,7% vào quý 2/2013. Bên cạnh đó, Eurozone cũng đang dần thoát khỏi khủng hoảng và nhiều tín hiệu cho thấy những nước lâm vào khủng hoảng nợ có thể tăng trưởng trở lại vào năm 2014. Dự báo kinh tế Đức 2014 là 1,9% (Viện nghiên cứu kinh tế Rhein-Westfalen). Thị trường lao động được dự báo ổn định với tỷ lệ thất nghiệp 6,8% năm 2013 và 6,7% năm 2014. Cơ quan thống kê liên bang Đức ngày 02/01/2014 công bố số liệu chính thức cho thấy số người có việc tại Đức tăng cao kỷ lục trong năm 2013, đạt 41,78 triệu người, số người thất nghiệp giảm 1,6% so với năm 2012, xuống chỉ còn hơn 2,3 triệu người, mức thấp nhất trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Theo một báo cáo mới nhất của tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năm 2013 Đức tăng hai bậc lên vị trí thứ 4/148 nước trên thế giới trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, WEF cũng đánh giá cao tính cạnh tranh linh hoạt của khu vực sản xuất và nền tảng cơ sở hạ tầng tốt của kinh tế Đức. Sự thành công này chủ yếu do Đức có nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều lĩnh vực hàng đầu thế giới và có sức cạnh tranh cao. Bộ Tài chính Đức cho rằng việc mở rộng xuất khẩu là tín hiệu phản ánh tính cạnh tranh cao của kinh tế Đức cũng như nhu cầu cao của thế giới đối với các sản phẩm chất lượng của Đức. Các đối tác xuất khẩu chính của nước này là Pháp 10,2%, Anh 7%, Hà Lan 6,9%, Mỹ 6,3%, Áo 5,6%, Ý 5,4%, Trung Quốc 5,1%, Thụy Sĩ 4,7%, Bỉ 4,3%, Ba Lan 4,1% (2012). Tuy nhiên, xuất khẩu của Đức giai đoạn từ tháng 1 - 8/2013 lại giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2012 và phục hồi vào những tháng cuối năm 2013, trong đó riêng xuất khẩu tới các nước Eurozone - khu vực chiếm tới 1/3 sản lượng xuất khẩu của Đức giảm 3,1%. Nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục khởi sắc, tạo thêm nhiều việc làm mới và mức chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng 1,2% trong năm 2014 so với 0,8% trong 2013. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu được kỳ vọng sẽ giúp vực dậy nền kinh tế ở 17 nước Eurozone thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công. Với triển vọng tốt của nền kinh tế, số việc làm ở Đức trong năm 2014 dự kiến lần đầu tiên sẽ đạt mức trung bình 42 triệu việc làm, tăng so với 41,8 triệu việc làm trong năm 2013. Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cũng lạc quan cho rằng tăng trưởng kinh tế Đức trong năm tới sẽ đạt 1,7% so với mức 0,5% trong năm 2013.



Thủ tướng Đức Angela Merkel người được xem là người đàn bà quyền lực nhất thế giới hiện nay

Kinh tế Eurozone đã khởi sắc, dự báo sẽ tăng 0,9% trong năm 2014, trong đó Đức tăng trưởng 1,4%, theo sau là Pháp, tăng 0,7% (Theo báo cáo của EIU). Triển vọng kinh tế thế giới sẽ khá hơn trong năm 2014 nhờ đà tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Nhật Bản, cũng như sự phục hồi ấn tượng ở Khu vực đồng Euro (Eurozone). Báo cáo nhận định Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, đang có nhiều tín hiệu tích cực, với tốc độ tăng GDP đạt 3,6% trong quý III/2013, gần 600.000 việc làm mới trong 3 tháng cuối 2013 giúp niềm tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp cải thiện đáng kể. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2013 ảnh hưởng tiêu cực do chính phủ đóng cửa một phần hồi tháng 10, nhưng EIU dự báo GDP của Mỹ sẽ lên mức 2,6% năm 2014.

Với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới Nhật Bản, theo EIU, chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe đạt kết quả tốt, giúp đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế, nhất là xuất khẩu tăng nhanh nhờ được hỗ trợ từ đồng yên giảm giá và sức ép lạm phát giảm bớt. EIU dự báo, GDP của Nhật Bản sẽ tăng 1,7% năm 2014.

Trung Quốc có chiều hướng giảm tốc. EIU nhận định, tốc độ tăng GDP của nền kinh tế số hai thế giới sẽ giảm từ 7,7% 2013, xuống mức 7,3% năm 2014, trong khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt tín dụng và tiếp tục ưu tiên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào đón Thủ tướng Đức Angela Merkel sang thăm chính thức Việt Nam

Đức tiếp tục giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU. Trong năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt 7,05 tỉ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 5,11 tỉ Euro, tăng 27,7%, xuất khẩu của Đức vào Việt Nam đạt 1,94 tỉ Euro tăng 9,9%. Theo dự báo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thương mại song phương giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2014. Hiệp hội doanh nghiệp Đức-German Business Association (GBA) với 160 hội viên là doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp Đức đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 1.053 tỉ USD, trong số này có những khoản đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Đức thông qua các chi nhánh ở nước ngoài (gián tiếp) chưa được đưa vào thống kê cụ thể. Từ năm 2008, "Germany Trade and Invest" (GTAI, tiền thân là "Cơ quan liên bang về kinh tế đối ngoại'' - bfai) cũng có văn phòng đại diện tại Hà Nội.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

-----------------------------
Các nguồn tham khảo:
- wikipedia
- Economy.com
- VCCI

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán