Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Dự báo kinh tế Nhật Bản 2014 & Mối quan hệ kinh tế Việt - Nhật

Tổng quan nền kinh tế Nhật Bản năm 2013

Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012, nền kinh tế Nhật Bản đã có những dấu hiệu khởi sắc. Các số liệu kinh tế cho thấy năm 2013, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn so với trước đây. Nhu cầu trong nước, xuất khẩu và các gói kích thích tài chính của chính phủ đang giúp nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh. Người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Tỷ lệ nợ công gia tăng, dân số lao động suy giảm là những thách thức mà chính phủ Nhật Bản đang phải đối mặt để phục hồi nền kinh tế.



Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: bloomberg.co.jp

Trong năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản tăng 1,6% và là năm thứ hai tăng liên tiếp, theo báo cáo của Văn phòng Nội các Nhật. Trong quý cuối cùng của năm 2013, chỉ số tiêu dùng chiếm tới 60% GDP, tăng 0,5% do nhu cầu tăng đột biến trước khi chính sách thuế bán hàng tăng từ 5% lên 8%. Trong khi đó, mức chi về vốn của doanh nghiệp tăng 1,3%, đầu tư vào nhà ở tăng 4,2%. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước vẫn tăng nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ và chi tiêu tài chính của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Xuất khẩu của Nhật Bản trong quý 4 /2013 tăng 0,4%, sau khi giảm 0,7% trong quý 3/2013, xuất khẩu sang châu Á vẫn duy trì và tăng trưởng tốt, song xuất khẩu sang Mỹ và EU lại giảm. Mức tăng chậm trong xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến tâm lý lạc quan rằng việc tăng thuế bán hàng sắp tới có thể không gây nhiều tác động tiêu cực do có sự phục hồi trong xuất khẩu, chủ yếu nhờ việc đồng yên suy yếu cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu lại tăng 3,5% do nhu cầu khí đốt và dầu mỏ tăng. Ngoài ra, hệ số giảm phát của GDP tăng 0,1% cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang có xu hướng thoát khỏi thời kỳ giảm phát sau gần hai thập kỷ. Các chuyên gia kinh tế Nhật Bản đánh giá việc tăng thuế bán hàng sắp tới sẽ khiến nhu cầu nội địa giảm và nền kinh tế nước này bị phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng khác là liệu các doanh nghiệp có tăng lương cho người lao động để giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước hay không, bởi tăng thuế sẽ làm giảm nhu cầu mua đồ xa xỉ và kiềm chế sự phục hồi của nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của Nhật Bản giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 9, sản xuất công nghiệp Nhật Bản tăng 1,5% sau khi giảm 0,9% vào tháng 8 nhờ sự tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực chế tạo, khai khoáng và khai thác đá. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 5/2012. Với số liệu mới công bố, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành đánh giá lại triển vọng của ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng trong tháng 9 vẫn còn thấp hơn so với dự kiến đưa ra trước đó là 1,8%. Theo kết quả khảo sát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, sản xuất công nghiệp tăng 4,7% trong tháng 10, sau đó giảm 1,2% trong tháng 11. Theo thông tin từ Bộ Tài chính Nhật Bản, năm tài khóa 2012 (kết thúc vào ngày 31/03/2013), thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã giảm kỷ lục do kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và EU giảm, trong khi nhiên liệu nhập khẩu lại tăng. Mức thâm hụt là 9.480 tỷ yên đã đẩy thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản xuống còn 4.290 tỷ yên (42,6 tỷ USD), giảm 43,6% so với năm tài khóa 2011. Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2013, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đã tăng lên do thu nhập từ đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn so với mức thâm hụt thương mại và trong tháng 9, thặng dư tài khoản đã tăng 14,3% so với năm 2012, đạt mức 587 tỉ yên (5,9 tỷ USD) và là tháng thứ 8 tăng liên tiếp. Thặng dư cán cân thanh toán quốc tế, một trong những thước đo quan trọng của thương mại đối với một quốc gia, tăng 10,7% so với năm 2012. Các khoản thu của quốc gia từ đầu tư nước ngoài đạt thặng dư kỷ lục 8.995 tỷ yên, nhờ vào cổ tức và lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán cao hơn. Trong thời gian này, đồng yên của Nhật Bản trượt giá so với đồng đô la Mỹ khoảng 24,5% và so với đồng Euro là khoảng 29,3%. Số dư tài khoản hiện tại của Nhật Bản có khả năng sẽ tiếp tục tăng. Theo ông Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin: Chính sách kinh tế của thủ tướng Shinzo Abe và chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh của BOJ có thể giữ đồng yên tương đối thấp, giúp kim ngạch xuất khẩu nước này mở rộng. Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi dần dần, xuất khẩu của Nhật Bản có thể phát triển hơn nữa, sẽ góp phần cải thiện cán cân vãng lai. Ông Minami cho biết thêm tài khoản thu nhập của Nhật Bản có thể tiếp tục tăng do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ bắt đầu giảm dần việc mua tài sản trong tương lai gần, có thể phá giá đồng yên so với đồng USD và nâng lãi suất dài hạn tại Mỹ.

Dự báo kinh tế Nhật Bản năm 2014

Năm 2014, tăng trưởng GDP của Nhật Bản được dự báo là giảm do tác động của việc tăng thuế tiêu thụ và tình hình kinh tế thế giới chưa thật sự bước vào giai đoạn tăng trưởng. Các lĩnh vực đầu tư công từng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong năm tài chính 2013 sẽ không còn phát huy tác dụng, và có thể sẽ là một yếu tố tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản. Mặc dù khu vực doanh nghiệp có chiều hướng tốt, nhưng những tác động tích cực đến lợi nhuận sẽ giảm do đồng yên suy yếu. Kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, xuất khẩu sẽ tăng, đây là những yếu tố sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Nhật Bản. Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ giảm 0,5% và xuất khẩu sẽ tăng lên 0,4%. Tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản được dự báo là sẽ giảm trong quý 1/ 2014. Chính phủ Nhật Bản đang điều hành nền kinh tế nhằm tránh một cuộc suy thoái có thể xảy ra sau khi tăng thuế tiêu thụ. So với năm 2013, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ chậm lại. Trong năm tài chính 2014, Nhật Bản dự báo chỉ số tiêu dùng sẽ giảm 1,1%, đây là mức giảm đầu tiên kể từ năm tài chính 2008 đến nay. Ngày 20/2/2014, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết xuất khẩu của nước này tăng chậm lại trong tháng 01/2014, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng thực tế. Xuất khẩu tăng 9,5% so với một năm trước đó, thấp hơn dự báo của Wall Street Journal là 12,5%, và thấp hơn nhiều so với mức tăng 15,3% trong tháng 12/2013. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 25% dẫn đến thâm hụt thương mại cán mức 2.790 tỷ yên (2,72 tỷ USD) so với mức thâm hụt 1.302 tỷ yên trong tháng 12/2013. Đây là tháng thứ 19 liên tiếp cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt. Các nhà làm chính sách Nhật Bản cho rằng, đồng yên giảm sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên nhu cầu bên ngoài mờ nhạt và sức cạnh tranh suy giảm đã cản trở các lĩnh vực thương mại. Một số phân tích cho rằng sự phục hồi không tương thích giữa nền kinh tế Nhật Bản và thế giới sẽ dẫn đến chính sách kinh tế sai lệch. Nhật Bản cần xem xét các lựa chọn khác để giữ tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng. Hiroaki Muto, nhà kinh tế cao cấp tại Sumitomo Mitsui Asset Management Co cho biết “xuất khẩu yếu hơn so với mong đợi của tôi, phản ánh năng lực cạnh tranh suy giảm. Đây là một cơn gió ngược gây áp lực lên chính phủ Nhật Bản và BOJ”.

Mối quan hệ kinh tế Việt - Nhật

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đây là quốc gia có viện trợ ODA lớn nhất (chiếm 30% tổng nguồn vốn tài trợ) và cũng là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Từ năm 1992 đến hết năm tài khóa 2012 (kết thúc vào ngày 31/03/2013), Nhật Bản đã cam kết viện trợ khoảng 2.118 tỷ Yên (khoảng 24 tỷ USD) vốn vay ODA cho Việt Nam. Năm tài khóa 2011 (kết thúc vào ngày 31/03/2012), Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam ODA vốn vay là 208,097 tỷ yên, (khoảng 2,8 tỷ USD), trong năm tài khóa 2012 là 203 tỷ yên (khoảng 2,03 tỷ USD). Ông Mori Mutsuya - trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đã đưa ra nhận định: Năm 2014, nguồn vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam ít nhất sẽ bằng 2013, tương đương 200 tỷ yên. Ông Mori cho biết, nhận định của ông đưa ra dựa trên mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, Việt Nam có một vị trí quan trọng vì vậy hỗ trợ Việt Nam thực hiện tái thiết đất nước và tăng trưởng kinh tế là sứ mệnh quan trọng của Nhật Bản.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại điện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết: Đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng lên. Số dự án đầu tư trong năm 2013 của doanh nghiệp Nhật Bản là 416 dự án, với tổng vốn đầu tư lên tới 5,7 tỷ USD. Tính đến ngày 20/12/2013, Nhật Bản có 2.166 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34.764 tỷ USD, đứng số 1 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Theo con số JETRO công bố, hiện nay, tính cả các văn phòng đại diện thì có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh: nguyentandung.org

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Nhật Bản trong 2 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 4,02 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng mạnh 22,8% và nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam hàng hóa có xuất xứ Nhật Bản đạt trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 6,3%.

Trong năm 2013, Nhật Bản là bạn hàng thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 25,163 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,581 tỷ USD (tăng 4% so với năm 2012), nhập khẩu đạt 11,582 tỷ USD (giảm 0,2%). Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận năm qua, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản chủ yếu là máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, sắt thép & sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày và sản phẩm từ chất dẻo. Tính chung kim ngạch nhập khẩu 5 nhóm hàng lớn nhất này đạt 7,62 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

-----------------------------
Các nguồn tham khảo:
- vietstock.vn
- Newsweek
- Vietnamplus
- inas.gov.vn

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán