Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Giá dầu mỏ 2014 & Nền kinh tế thế giới

Ngày 27/11, sau phiên họp tại Vienna, 12 thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhất trí giữ nguyên sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày như đã thỏa thuận từ tháng 12/2011.

Tổng Thư ký OPEC Abdalla Salem El-Badri cho biết tổ chức này sẽ không tìm cách đẩy giá dầu bằng việc cắt giảm sản lượng. “Có sự sụt giảm giá, thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta nên phản ứng nóng vội", ông nói. Phản ứng trước quyết định của OPEC, giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục đà đi xuống. Chỉ ít phút sau khi tổ chức này kết thúc cuộc họp tại Vienna, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 1/2015 trên thị trường New York đã giảm xuống còn 69,11 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ có giá 72,74 USD/thùng, cũng là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Tính từ tháng 6/2014 tới nay, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã giảm 35%. Theo bà Christine Lagarde, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá dầu giảm 25 USD/thùng sẽ khiến nguồn thu của hầu hết các nước vùng Vịnh giảm và nhiều quốc gia sẽ thâm hụt ngân sách. Năm 2013, GDP của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - đạt 1.640 tỷ USD và dự kiến GDP năm 2014 của các quốc gia này sẽ giảm khoảng 130 tỷ USD.

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist Group (Anh) ngày 5/12 cảnh báo giá dầu mỏ trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục giảm trong hai năm tới. Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm tới 31% chỉ trong vòng 5 tháng. Nguyên nhân của tình trạng này được các chuyên gia phân tích là do sự dư thừa nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Tuy nhiên, trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc giá dầu thế giới đi xuống là một phần hệ quả của sự thao túng mang động cơ chính trị. 

Trung Đông và Bắc Phi là hai khu vực có nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ nhất trên thế giới. Khu vực này chiếm gần 1/3 lượng dầu thô trung chuyển và lượng khí đốt hóa lỏng xuất khẩu của toàn thế giới. Do đó, sự sụt giảm liên tục của giá dầu có thể đe dọa sự ổn định kinh tế của khu vực. Vì thế, những lợi ích mâu thuẫn nhau xuất phát từ việc giá dầu hạ có nguy cơ gây ra tình hình căng thẳng mới trong khu vực. Các nhà phân tích lo sợ rằng việc giá dầu giảm sẽ gây mất ổn định chính trị tại một số nước.



Hội nghị OPEC ngày 27/11/2014 tại Vienna (Áo)

Với Nga, biến động của giá dầu thế giới đã tác động mạnh đến nền kinh tế vì xuất khẩu dầu chiếm 1/2 ngân sách của Chính phủ và 1/4 GDP. Hiện Nga đang đối mặt thời kỳ suy giảm kinh tế, khi GDP tăng trưởng chậm và những căng thẳng với phương Tây đã khiến đầu tư nước ngoài giảm một nửa và vốn đầu tư rút khỏi Nga lên tới 76 tỷ USD. Giá dầu thấp ảnh hưởng lớn đến kinh tế Venezuela và sẽ làm gia tăng rủi ro chính trị cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại thời điểm này. Với Mỹ, giá dầu 96 USD/thùng trong vòng 4 năm qua mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty dầu khí và các nhà đầu tư nước này. Giá dầu hiện nay 69 USD/thùng có lợi cho nền kinh tế Mỹ, nhưng lại gây tổn hại cho các nhà sản xuất dầu.

Trong một báo cáo gần đây, IMF cho rằng việc giá dầu mỏ rơi xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới vốn còn yếu. Cơ quan này cho rằng việc giá dầu giảm sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu. IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 3,8% vào năm tới. Song, IMF cũng lưu ý giá dầu giảm sẽ gây khó khăn cho các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, đặc biệt là Nga. 

Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá dầu sẽ ở mức 70 USD/thùng vào quý II/2015 và sau đó ổn định ở mức 80 USD/thùng. Dự báo trên được đưa ra dựa trên thứ nhất là việc phát triển công nghệ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ - trong 3 năm qua sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng 60% vì vậy nền kinh tế Mỹ có khả năng tự chủ về năng lượng, và thứ hai là sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ - nhất là tại Trung Quốc. Theo OPEC, thị trường dầu mỏ bị tác động mạnh bởi cung cao hơn cầu và xu hướng này đã được tăng cường trong mấy tháng qua bởi sự suy giảm kinh tế.



Như vậy tính từ giữa tháng 6/2014 đến nay, giá dầu đã giảm 35%, do sự bùng nổ sản lượng khai thác dầu từ đá phiến ở Bắc Mỹ, cùng với sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và châu Âu. Arập Xêút, quốc gia cung cấp tới 1/3 lượng dầu cho thế giới và là thành viên có ảnh hưởng nhất OPEC với lượng dự trữ ngoại hối lớn khoảng 700 tỷ USD nên không bị ảnh hưởng nhiều nếu giá dầu tiếp tục giảm ở mức 80 - 90USD/thùng, và cho rằng sự giảm giá dầu có thể nhằm vào việc hãm bớt đầu tư của các đối thủ cho việc khai thác dầu đá phiến ở Mỹ vốn rất đắt đỏ.

Các nước thiệt hại là những nhà xuất khẩu dầu lớn như Venezuela, Iran và Nga. Ngân sách của Venezuela dựa trên dầu ở mức giá 120 USD/thùng. Ngay cả trước khi giá giảm, nước này đã phải chật vật để trả nợ. Cùng với đó, dự trữ ngoại tệ giảm dần, lạm phát cao. Iran cũng đang ở một vị trí khó khăn. Nước này cần dầu ở mức giá khoảng 140 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Các lệnh cấm vận về chương trình hạt nhân của Iran khiến nước này đặc biệt dễ bị tổn thương. Với Nga, theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thông báo, ước tính Nga bị thiệt hại mỗi năm từ 90 đến 100 tỷ USD do giá dầu. Nga không có phương tiện kỹ thuật để nhanh chóng tăng sản lượng dầu như Arập Xêút. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/11 cho rằng việc giá dầu thế giới đi xuống đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga và đây là một phần hệ quả của sự thao túng mang động cơ chính trị.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2015 sẽ tăng lên 1,4 triệu thùng/ngày so với mức 1,2 triệu thùng hiện nay, chủ yếu đến từ các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia công nghiệp mới. Nhu cầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, sẽ tăng 4,2% từ mức 3,3% trong năm nay, trong khi nhu cầu của quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu là Mỹ chỉ tăng 0,2%, đạt mức 19,1 triệu thùng/ngày. Về sản xuất, IEA dự báo các quốc gia ngoài OPEC vẫn giữ vững mức tăng trưởng trung bình 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2015, trong đó Mỹ và Canada đóng vai trò chính. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dầu cát ở Canada, sản lượng dầu đá phiến sét ở phía Nam bang Texas (Mỹ) trong năm nay tiếp tục tăng 34%, đạt mức 1,4 triệu thùng/ngày và sẽ lên đến 1,6 triệu thùng/ngày vào năm tới.

Theo IEA, trong năm 2015, nhu cầu dầu thô của OPEC sẽ giảm xuống 29,8 triệu thùng/ngày chủ yếu do hoạt động sản xuất ở một số nước OPEC bị gián đoạn nghiêm trọng do khủng hoảng chính trị trong nước. Trong khi đó, các nguồn cung cấp dầu mỏ toàn cầu sẽ trở nên đa dạng hơn với triển vọng tăng trưởng sản xuất tương đối mạnh của Brazil, Anh, Việt Nam, Malaysia, Na Uy và Colombia. IEA đồng thời cảnh báo những rủi ro từ các nguồn cung dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi, nhất là ở Iraq và Lybia.

Bên cạnh đó, các chuyên viên không loại trừ khả năng là giá dầu sẽ ở mức dưới 40 USD/thùng, và thế giới sẽ thấy tái diễn những sự kiện của 30 năm trước đây dẫn đến mặc định sụp đổ của Mexico và đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Liên bang Xô Viết. Theo "Bloomberg", trong những điều kiện như vậy, nguồn thu từ dầu mỏ sẽ không thể bảo vệ Nga - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - trước đòn trừng phạt của EU và Hoa Kỳ. Một quốc gia cũng phải đương đầu với trừng phạt quốc tế là Iran sẽ buộc phải cắt giảm các khoản trợ cấp mà trước đó phần nào bảo vệ được cư dân trước sức ép ngày càng tăng từ các biện pháp của phương Tây. Trong số những nước sẽ chịu thiệt hại tối đa do sụt giảm giá dầu còn có Nigeria, đang chống chọi không mấy thành công với các chiến binh Hồi giáo, và Venezuela, quốc gia có nền kinh tế suy yếu vì những quyết định chính trị không thích hợp.

Các nhà sản xuất dầu đã quen với thực tế mức giá khoảng 100 USD/thùng nên đã không đa dạng hóa kinh tế, hoặc thực hiện động thái này quá chậm chạp. Trong trường hợp duy trì giá thấp với dầu mỏ, những nước này và sau đó là cả thế giới sẽ phải đón đợi thảm họa chính trị và xã hội nghiêm trọng - chuyên viên Paul Stevens từ hãng Chatham House của Anh tuyên bố.

Nguyễn Trần
Tổng hợp

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán