Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

IDA và các quốc gia

Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA - International Development Association) là quỹ của Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho việc tăng trưởng, phát triển và bảo vệ các ngành kinh tế… IDA hiện diện trong các lĩnh vực xã hội với các vấn đề phức tạp như quản lý khu vực công và phát triển thể chế.

Các quốc gia nhận được sự hỗ trợ của IDA đã có những tiến bộ đáng kể trong các thập kỷ qua. Tuy nhiên, tăng trưởng của nhiều quốc gia đi kèm với tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng. Sự quản lý yếu kém và nghèo đói là một trong những thách thức chính đối với sự phát triển của các nước nhận được sự hỗ trợ của IDA. Vì vậy, việc xây dựng và vận hành các tổ chức công thành công là một thách thức lâu dài đối với các chính phủ như việc quản lý kém đối với các nguồn lực phát triển, sự bất công hoặc thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản và dịch vụ cho người nghèo. Sự phức tạp này đến từ các điều kiện bất ổn ở nhiều quốc gia IDA (đặc biệt là các quốc gia bị ảnh hưởng mâu thuẫn hoặc xung đột), nơi an ninh con người, sự gắn kết xã hội, ổn định chính trị và hoạt động kinh tế có biến động.



Các chương trình phát triển dựa vào cộng đồng (CDD - Community-Driven Development) dựa trên các nguyên tắc minh bạch, trao quyền cho địa phương, đáp ứng nhu cầu, trách nhiệm và nâng cao năng lực địa phương. Ngân hàng Thế giới thừa nhận rằng các cách tiếp cận CDD là những yếu tố quan trọng về giảm nghèo có hiệu quả và phát triển bền vững. Ngân hàng đã hỗ trợ CDD cho các nhóm và đối tượng có thu nhập thấp và trung bình, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột đáp ứng các nhu cầu cấp thiết, bao gồm cấp nước, vệ sinh, xây dựng trường học, y tế, các chương trình dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đường giao thông và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vi mô. Hiện nay, với 32 dự án CDD đang hoạt động trị giá 2,2 tỷ USD hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương và xung đột (FCS-fragile and conflict-affected states), trong đó khu vực châu Phi có 15 dự án. Từ năm 2010 đến năm 2015, 90 dự án CDD do IDA tài trợ đã hoàn thành. Khoảng 7,6 tỷ USD trong tài trợ của IDA đã được sử dụng làm đòn bẩy tài chính trị giá khoảng 39,7 tỷ USD thông qua các hoạt động của Ngân hàng Thế giới. Các dự án bao gồm 51 quốc gia trong cả 6 khu vực. Khu vực châu Phi có tỷ lệ dự án lớn nhất, tiếp theo là khu vực Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương. Các dự án này đã cung cấp tổng cộng 164.000 tiểu dự án và khoảng 176 triệu người được hưởng lợi. Trong số các tiểu dự án, ba lĩnh vực gồm nước, vệ sinh môi trường, giáo dục đạt kết quả tốt nhất; lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải… cũng phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia nhận IDA.

Ngân hàng Thế giới chủ động hỗ trợ phương pháp tiếp cận CDD thông qua các hoạt động phân tích mục tiêu, trợ giúp kỹ thuật, đảm bảo chất lượng thông qua trao đổi thông tin và tri thức, phát triển kỹ năng nhân lực, trao quyền và cải thiện cung cấp dịch vụ cơ bản ở các quốc gia. Tuy nhiên, các mối đe dọa an ninh đặt ra những thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, bất chấp những thành tựu trước đó. Chẳng hạn như Afghanistan vẫn là một trong những nước kém phát triển nhất trên thế giới, tỷ lệ đói nghèo đứng ở mức 39,1% vào năm 2013-2014, khoảng 70% dân số sống ở nông thôn - nơi tỷ lệ đói nghèo thậm chí còn cao hơn tỷ lệ biết chữ, và các dịch vụ cơ bản còn khan hiếm.

Trong hơn 50 năm qua, IDA là nguồn tài chính phát triển lớn nhất về hỗ trợ y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, phát triển kinh tế và thể chế cho các nước nghèo nhất thế giới, một nửa trong số đó là ở châu Phi. Từ năm 2011-2015, IDA đã giúp chủng ngừa cho 227 triệu trẻ em, cung cấp nguồn nước sạch cho 64 triệu người và dịch vụ y tế cho 500 triệu người, cứu trợ cho các quốc gia có nợ nần cao, cung cấp điện cho hàng triệu người ở châu Phi, hỗ trợ cho nạn nhân hạn hán ở vùng Sừng châu Phi. Trong giai đoạn 2005-2015, IDA đã cung cấp 78,2 tỷ USD cho việc tài trợ 1.065 dự án ở tiểu vùng Sahara châu Phi. Với sự giúp đỡ của IDA, tiểu vùng Sahara châu Phi đang có những tiến bộ trong việc giảm nghèo. Từ năm 2012-2015, tỷ lệ người sống trên 1,90 USD/ngày trong khu vực đã giảm từ 43% xuống còn 35%.



Một trung tâm y tế ở châu Phi

Xóa đói nghèo và biến đổi khí hậu không thể được xem xét một cách riêng biệt, nếu không ngăn chặn sự thay đổi về biến đổi khí hậu có thể dẫn đến hơn 100 triệu người sống trong đói nghèo vào năm 2030. Vì những lý do như vậy nên biến đổi khí hậu là một ưu tiên cấp bách của IDA. Từ năm 2011 đến năm 2015, IDA cung cấp trung bình 2,1 tỷ USD/năm để giúp các nước thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và 2,2 tỷ USD/năm để giảm thiểu tác động bằng cách đưa ra các giải pháp mới như cung cấp dữ liệu và dự báo thời tiết tốt hơn, các giống cây chịu hạn, bảo hiểm thiên tai, nhà cửa và hệ thống cảnh báo bão lốc. IDA cũng giúp các quốc gia giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu bằng cách khai thác năng lượng từ mặt trời, gió và nước, cách tưới tiêu ít nước hơn, hạt giống tốt hơn và giảm lượng khí thải carbon giúp ngành công nghiệp trở nên hiệu quả và bền vững hơn. IDA tập trung vào các công việc như phân tích, hỗ trợ kỹ thuật về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai. Tất cả các chiến lược quốc gia của IDA được yêu cầu phải kết hợp biến đổi khí hậu vào phân tích cho việc phát triển của một quốc gia. Sự hỗ trợ của IDA đang mang lại kết quả, hơn 4,8 triệu người ở nông thôn Bangladesh có điện từ năng lượng mặt trời, nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh và giảm lượng khí thải nhà kính từ 30% đến 35%. Từ năm 2011-2015, IDA đã giúp chủng ngừa 205 triệu trẻ em, cung cấp nguồn nước sạch cho 50 triệu người, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho 413 triệu người, đào tạo và tuyển dụng 5,1 triệu giáo viên. IDA đang hỗ trợ các quốc gia phổ cập các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, tập trung vào các ưu tiên bao gồm chuyển đổi nhân khẩu học, giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo và nhu cầu của dân di cư. Đầu tư IDA vào con người đang góp phần chứng minh sự phát triển con người, củng cố sự thịnh vượng của quốc gia và hộ gia đình nhằm sử dụng các khoản đầu tư một cách hiệu quả hơn, thu hút nhiều nguồn lực hơn, đặc biệt là từ các nước đang phát triển và khu vực tư nhân. Những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt là hơn 200 triệu người trên toàn thế giới đang thất nghiệp, hơn 2 tỷ người lao động lớn tuổi chủ yếu là phụ nữ vẫn ở bên ngoài lực lượng lao động. Để bắt kịp với tăng trưởng dân số, các nước đang phát triển sẽ cần phải tạo thêm 600 triệu việc làm trong 15 năm tới, 2 tỷ người vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức và 1,1 tỷ người trên toàn thế giới vẫn thiếu điện.



Phụ nữ và trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn

Bình đẳng giới là một ưu tiên hàng đầu của IDA nhằm thu hẹp khoảng cách về giới, các hoạt động như tổ chức giữ trẻ ở trường học tạo cho người mẹ có thời gian hơn cho công việc, giúp phụ nữ đạt được các tiêu chí về đất đai và các tài sản quan trọng khác, đảm bảo phụ nữ có thể có được nguồn tài chính để bắt đầu kinh doanh. Điều này giúp cải thiện triển vọng kinh tế cho cá nhân, gia đình và toàn bộ nền kinh tế. Nhiều thách thức vẫn còn nhưng IDA đang mang lại kết quả khả quan. Từ năm 2011 đến năm 2015, hơn 17 triệu phụ nữ mang thai ở các quốc gia IDA nhận được sự chăm sóc trước khi sinh từ một nhà cung cấp dịch vụ y tế. Tuổi thọ của phụ nữ ở các nước IDA hiện nay là hơn 3 năm so với nam giới. Tại khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Á, từ năm 2000 đến 2013 tỷ lệ nhập học tiểu học của học sinh nữ tăng lần lượt là 18% và 21%.

Trong hơn 50 năm qua, dù trải qua những thách thức và khó khăn nhưng IDA đã mang đến nguồn hỗ trợ lớn cho 77 nước nghèo nhất thế giới, 39 trong số đó là ở châu Phi. Nguồn lực từ IDA đã mang lại thay đổi tích cực cho 1,3 tỷ người, hỗ trợ phát triển công việc tại 112 quốc gia.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán