Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Nợ công thế giới

Theo The Economist, nợ công toàn cầu cuối năm 2013 đã vượt 49.872 tỷ USD và đang gia tăng ở các nước trên thế giới và Nhật Bản hiện đang là nước có nợ công lớn nhất thế giới. Nợ công của Nhật Bản là hơn 12.570 tỷ USD, khoảng 227,9% GDP. Với mức nợ công là 11.700 tỷ USD, Mỹ sẽ phải tiếp tục đối mặt với vấn đề nợ dài hạn nghiêm trọng và nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới này dự báo có thể lên tới mức 200% GDP vào năm 2040 (theo Peter G. Peterson). Trong khi đó nợ công của Trung Quốc là 1.350 tỷ USD khoảng 16% GDP. The Economist dự kiến tới hết năm 2014, nợ công của toàn thế giới sẽ chạm ngưỡng 52.545 tỷ USD. Trong đó, nợ công tập trung nhiều nhất vào các khu vực gồm châu Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Khủng hoảng tài chính thế giới bắt nguồn từ việc quản lý nợ công yếu kém gây ra, như khủng hoảng nợ công Mexico năm 1994, khủng hoảng tài chính Đông Nam Á 1997 - 1998 được châm ngòi từ Thái Lan mà có nguồn gốc từ vấn đề nợ công, khủng hoảng nợ công ở Nga năm 1998, khủng hoảng nợ công Brazil năm 1998 - 1999, khủng hoảng nợ công Argentina 2001, khủng hoảng nợ công Thổ Nhĩ Kỳ năm 2000 - 2002... Gần đây nhất là khủng hoảng nợ công các nước EU được khởi phát từ Hy Lạp và lây lan rất nhanh sang hàng loạt các nước khác. Không chỉ thuộc khối EU, khủng hoảng nợ công có xu hướng "toàn cầu hóa". Như chúng ta đã biết các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế khác nhau vì vậy cách xử lý nợ công các nước không giống nhau. Như cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á xảy ra năm 1997 khi Thái Lan chỉ có khoản nợ công ở mức 15% GDP. Do đó, nếu cho rằng thắt chặt chi tiêu nhằm tránh được khủng hoảng là không hẳn đúng mà vấn đề là phải luôn ý thức và kiểm soát mức nợ phù hợp với nền kinh tế của mỗi quốc gia sao cho phù hợp. Sự sụp đổ của nền kinh tế Argentina - quốc gia từng được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngợi ca là một hình mẫu về quản lý nợ công quốc gia là điều cần rút ra cách xử lý nợ công.

Theo công bố của Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 30/06/2013, nợ công đã là 1.008,6 ngàn tỷ JPY (khoảng 10,46 ngàn tỷ USD), tăng 1,7% (bao gồm cả 830,5 ngàn tỷ JPY dưới dạng trái phiếu Chính phủ) và cao hơn so với tổng quy mô của 3 nền kinh tế Đức, Pháp và Anh. Mức nợ công cao gây sức ép lên Thủ tướng Abe trước khi ông tiến hành kế hoạch gia tăng gấp đôi mức thuế đánh lên người tiêu dùng trong bối cảnh chi phí phúc lợi đang leo thang, việc nâng thuế sẽ kìm hãm tăng trưởng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo tình hình tài chính ngày càng tồi tệ có thể làm xói mòn niềm tin vào trái phiếu chính phủ. Và Nhật Bản đã nâng thuế tiêu thụ từ mức 5% lên 8% vào tháng 4/2014 trước khi nâng tiếp lên 10% vào tháng 10/2015. Theo số liệu Bloomberg từ Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nợ công của Nhật Bản hiện cao hơn gấp 2 lần so với quy mô của nền kinh tế và thâm hụt tài khóa sẽ mở rộng từ mức 9,9% trong năm 2012 lên 10,3% GDP cuối 2014. Theo Văn phòng Nội các, thâm hụt ngân sách Nhật Bản trong năm tài khóa bắt đầu tháng 4/2020 sẽ ở vào khoảng 2% thậm chí khi nước này nâng thuế như dự định.

Phạm vi nợ công của hầu hết các nước được nghiên cứu đều bao gồm nợ chính phủ và nợ được chính phủ bảo lãnh. Ngoài ra, một số nước còn quy định phạm vi nợ công bao gồm cả nợ chính quyền địa phương, một số nước không tính nợ của ngân hàng nhà nước, nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước và nợ của các định chế tài chính khác vào phạm vi nợ công và nhiều nước cũng có những cách tính khác nhau. Nợ công phản ánh và ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tài chính của một nền kinh tế, vì thế việc đánh giá nợ của một quốc gia có an toàn hay không trở nên vô cùng cần thiết đối với các nhà đầu tư và chính phủ của quốc gia đó. Việc xác định các chỉ tiêu an toàn về nợ công của từng nước thường được dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng nợ, tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển, hệ số tín nhiệm của quốc gia và các khuyến nghị của IMF và WB. Khi nói về ngưỡng an toàn cho nợ công (UNDP), IMF và WB đều nhấn mạnh không nên dựa quá nhiều vào ngưỡng nợ. Tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu thì lại quy định hạn mức trần nợ công áp dụng chung cho tất cả các nước trong khối là dưới 60% GDP, thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP. Anh Quốc đã vận hành hai quy tắc tài khóa trong những năm gần đây. Quy tắc thứ nhất yêu cầu trong một chu kỳ “Chính phủ chỉ được phép vay để đầu tư chứ không vay để chi thường xuyên”. Quy tắc thứ hai yêu cầu “Nợ ròng khu vực công theo tỷ lệ với GDP cần phải giữ ổn định ở mức cẩn trọng - hiện nay được xác định là dưới 40% GDP”

Nhưng có một điều là nợ công của Nhật Bản không gây khó cho nền kinh tế do họ có khả năng trả nợ trong khi Trung Quốc thì không được khả quan, đây là điều đáng quan tâm khi nợ công gia tăng rất nhanh so với GDP, kể từ năm 2009 đến nay nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn so với dự đoán. Nhật Bản là nước đứng đầu danh sách những quốc gia “ngập đầu trong nợ” với tỷ lệ nợ công/GDP là hơn 227%. Theo sau là Hy Lạp (175%), Italy (133%). Mỹ đứng thứ 6 trong danh sách với số nợ công bằng 101,5% GDP. Ở các quốc gia này, lãi suất cho vay dài hạn được giữ ở mức rất thấp: Lãi suất cho vay dài hạn ở Nhật Bản là 0,0%; các nước thuộc Liên minh châu Âu như Hy Lạp, Italy, Bồ đào Nha, Bỉ có lãi suất chung là 0,05%; Singapore 0,17% và Mỹ với mức lãi suất cho vay cao nhất cũng chỉ 0,25%.



Bản đồ nợ công toàn cầu - Ảnh: The Economist

Trong 50 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nợ công của các nước, đặc biệt là các khoản nợ nước ngoài mà nguyên nhân chính là để bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thế giới, nhiều nước buộc phải vay nợ nước ngoài để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nợ công là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến tình trạng đói nghèo toàn cầu. Các khoản vay lãi suất lớn có thể khiến một quốc gia thêm nghèo khó do họ phải trích một lượng tiền lớn từ GDP để trả nợ, thay vì dùng số tiền đó để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ tính trong khoảng 20 năm, từ giữa năm 1973 đến 1993, nợ công của các nước đang phát triển trung bình tăng 20% hàng năm, tương đương từ 300 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD. Các chuyên gia cho biết, trong đó chỉ có 400 tỷ USD là tiền vay thực, phần còn lại là tiền lãi tăng theo thời gian. Vấn đề nợ công bắt đầu trở nên nóng và phức tạp sau sự kiện hệ thống tỷ giá hối đoái dựa trên USD được bảo đảm bằng vàng, còn gọi là Hệ thống Bretton Woods, sụp đổ. Khi đã không được bảo đảm bằng vàng, cỗ máy in tiền USD của Mỹ chạy hết công suất và tung tiền ra khắp thế giới. Theo định nghĩa của IMF và WB, nợ công sẽ khó trả khi quy mô nợ vượt quá 150% giá trị xuất khẩu và tỷ lệ nợ trong GDP vượt quá 250%. Từ đó, giảm nợ hay xóa nợ theo đó cũng trở thành một trong những vấn đề hàng đầu trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, để nhận được quyết định giảm nợ, các quốc gia nợ phải thực hiện một loạt điều kiện ngặt nghèo như tư nhân hóa nền kinh tế, giảm chi tiêu, tăng thuế.

Khung pháp luật về ngân sách ở nhiều nước trên thế giới đặt ra các nguyên tắc cân đối ngân sách, trong đó có thể quy định cụ thể mức bội chi ngân sách, nợ công, hoặc đưa ra các quy tắc chi tiêu tiết kiệm... Tất cả đều nhằm đảm bảo trách nhiệm tài khóa trong trung và dài hạn, giữ vững an ninh tài chính của mỗi quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng tài chính gia tăng.



Nợ công của Việt Nam trên Đồng hồ nợ công toàn cầu, lúc 7:00 ngày 5/7/2013

Nợ công Việt Nam theo Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2010, tỉ lệ nợ chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài 42,2%, nợ công là 57,3%. Cuối năm 2011, nợ công khoảng 54,6% GDP. Cuối năm 2012, nợ công khoảng 58,4% GDP. Với việc nâng mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 từ 4,8% lên 5,3% GDP, đến cuối năm 2013 nợ công đạt tới 56,2% GDP, dư nợ chính phủ là 42,6% GDP và dư nợ quốc gia 39,5% GDP. Theo báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nợ công của Việt Nam đến năm 2015 sẽ tiệm cận mức 64% GDP, gần sát ngưỡng an toàn là 65% GDP - được coi là chỉ tiêu mang tính pháp lệnh của Quốc hội trong kế hoạch 2011-2015. Mức nợ công sẽ vào khoảng 63% GDP vào cuối năm nay. Trước đó, tại phiên làm việc ngày 9/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, con số 64% GDP cũng đã được báo cáo của Chính phủ đề cập. Đây là mức dự kiến đến hết năm 2015. Trong khi đó, con số ước tính đến hết năm 2014 tương đương 60,3% GDP. Tuy vậy, những dự báo này cũng nhận được nhiều lo lắng từ các đại biểu cũng như bản thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

123456789[10]...21  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán