Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Thương mại điện tử & Amazon

Tốc độ phát triển nhanh chóng của Internet vào những năm đầu thập kỷ 90 giúp Jeffrey P. Bezos sớm nhìn thấy tương lai của việc bán hàng qua mạng. Tháng 7/1995, công ty chuyên bán sách trên Internet Amazon ra đời với mục tiêu sử dụng Internet nhằm chuyển hoạt động mua sách sang một hình thức nhanh nhất, dễ dàng nhất và đem lại nhiều ích lợi nhất. Sau hai thập kỷ hình thành và phát triển, Amazon.com ngày nay là nơi để mọi người đến tìm mua trực tuyến bất cứ thứ gì. Hàng triệu người trên khắp 220 quốc gia đã đánh giá Amazon.com là website bán lẻ hàng đầu. Sản phẩm Amazon cung cấp bao gồm thiệp điện tử miễn phí, đấu giá trực tuyến, hàng triệu đầu sách, đĩa CD, phim ảnh, đĩa DVD, đồ chơi, trò chơi video, hàng điện tử, dụng cụ nhà bếp, hàng may mặc, đồ gỗ, thực phẩm, phần mềm máy tính, máy tính và nhiều sản phẩm khác.

Với tư cách là hãng bán lẻ, Amazon cung cấp cho khách hàng phương thức mua hàng với chi phí mua và giao dịch thấp hơn phương thức truyền thống, có nhiều phạm vi lựa chọn hơn, nhiều thông tin, chính xác, nhanh chóng và tiện lợi hơn trong mua, thanh toán và nhận hàng, được phục vụ 24x7 (24/24 giờ cả 7 ngày trong tuần). Với sản phẩm zShops.com, Amazon đã nhận được những thành công lớn. Quy mô kinh doanh của Amazon ban đầu và cho tới nay vẫn tập trung vào loại hình giao dịch B2C. Khi là hãng bán lẻ, Amazon tăng cường quy mô kinh doanh của mình bằng cách đa dạng hoá sản phẩm phục vụ (từ bán sách, CD, đồ chơi, hàng điện tử, v.v...). Khi có chợ điện tử zShops, Amazon tận dụng những thuận lợi về thương hiệu, giao diện với khách hàng và cơ sở hạ tầng công nghệ mà không phải là tận dụng lượng thông tin về khách hàng, cơ sở nhà xưởng hay sự chuyên nghiệp trong khâu hậu cần nữa. Thị trường của Amazon là toàn cầu, không giới hạn ở bất cứ đâu, nơi nào có kết nối Internet và không có trở ngại về giao nhận vận tải, nơi đó Amazon tiếp cận và triển khai kinh doanh.



Trình duyệt Silk của Kindle Fire với triết lý thiết kế mang tính cách mạng

Nguồn doanh thu của Amazon đến từ các website của Amazon, khi mà các nhà kinh doanh trực tuyến phải trả một khoản phí cố định để được kinh doanh trên website của Amazon. Amazon còn có thêm hai nguồn doanh thu nữa ngoài nguồn doanh thu nêu trên là hoa hồng (commission) và phí đăng kí (subscription).

Amazon ít điều khiển giá cả trên thị trường bán lẻ, có thể nói là Amazon đã chuyển từ điều khiển giá ở mức độ thấp sang mức độ trung bình. Việc chuyển hướng kinh doanh sang market maker (môi giới thị trường) trong khi vẫn duy trì là một e-retailer (nhà bán lẻ trực tuyến), Amazon đã tận dụng được mọi lợi thế của Internet thành lợi thế của chính mình. Mô hình kinh doanh của Amazon liên tục được cải tiến và luôn đổi mới sao cho phù hợp với xu thế chung trên thị trường viễn thông thế giới. Nền tảng của Amazon là sự kết hợp giữa thương hiệu, khách hàng, công nghệ, khả năng phân phối chuyên nghiệp về thương mại điện tử và một đội ngũ hùng mạnh với lòng nhiệt huyết đổi mới và phục vụ khách hàng hết mình.

Tháng 11/1999 khi thị phần của Amazon là 28 tỉ USD, nhằm tạo đột biến về doanh thu và ứng dụng công nghệ, Amazon đã cho ra đời zShops. zShops là tập hợp các cửa hàng trực tuyến tạo thành một chợ điện tử (online mall). zShops cho phép các công ty khác mở cửa hàng của mình dưới Amazon. Khách hàng của Amazon được lựa chọn nhiều sản phẩm hơn.

zShops.com là một website tập hợp các trang web tương ứng với các gian hàng điện tử, trên đó để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mình. Là tập hợp các gian hàng nhỏ, được đảm bảo dưới nhãn hiệu của Amazon (under the Amazon umbrella). Các website đăng ký kinh doanh tại zShops.com chỉ phải trả khoản phí hết sức nhỏ bé. Đổi lại, Amazon sẽ thu thập được lượng thông tin khổng lồ về thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Lợi ích khi tham gia vào chợ điện tử của Amazon là tiền mặt thu về ổn định mà không phải trả tiền thuê nhà kho chứa hàng. Mỗi cửa hàng chỉ phải trả một khoản thuê bao hàng tháng là 9,99 USD, quá thấp so với mức chi phí thông thường cho việc thuê chỗ. Nhà kinh doanh cũng phải trả khoản hoa hồng từ 1 đến 5% cho mỗi lần tiếp cận với 12 triệu khách hàng của Amazon. Nếu các cửa hàng trong zShops quyết định chọn cách thức thanh toán của Amazon, họ sẽ trả thêm một khoản phụ phí 4,75% tổng doanh số bán hàng nữa. Với cách này, Amazon cũng có được các thông tin có giá trị về sở thích và thói quen khách hàng, đem lại khả năng về thị trường mục tiêu.



Jeff Bezos - CEO của Amazon

Việc kinh doanh trực tuyến là một nỗ lực để Amazon cạnh tranh với cổng thông tin điện tử (portal) của American Online và Yahoo… và là cơ hội cho các nhà kinh doanh nhỏ đang tìm những nhà cung ứng lớn như eBay, Microsoft, Excite@Home và Lycos… Sự tiện lợi của việc mua hàng trên Amazon.com là chỉ cần dừng lại một lần duy nhất (one-stop shopping).

Với zShops, khách hàng được lựa chọn vô số các mặt hàng khác nhau của nhiều hãng cung cấp khác nhau chỉ trong một trang web duy nhất, Amazon, thay vì phải dành thời gian lướt các trang web khác cho mỗi một sản phẩm khác nhau. Thêm vào đó, khách hàng cũng tránh được việc phải nhập đi nhập lại địa chỉ giao hàng và thông tin thẻ tín dụng của mình mỗi khi kết thúc việc mua một món hàng nào đó. Amazon còn tạo ra các chương trình liên kết đầu tiên, cho hàng trăm ngàn chủ sở hữu trang web 10% hoa hồng khi giới thiệu khách mua hàng tại các đối tác của Amazon. Những đối tác của Amazon có thể tích hợp hàng hóa qua trang web của mình thông qua chương trình liên kết này.

Theo Jeff Bezos, năm 2013 Amazon đầu tư vào hệ thống vận chuyển, dịch vụ điện toán đám mây và các dòng máy tính bảng, máy đọc sách Kindle. Amazon đang hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để tăng trưởng. Kết quả kinh doanh của Amazon đã khiến các nhà đầu tư lạc quan, cổ phiếu Amazon đã tăng 8,4% trong phiên giao dịch thỏa thuận. Tổng cộng cả năm, cổ phiếu này đã tăng 32%. Hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận ước tính cả năm (P/E) của Amazon là 125, cao gấp nhiều lần eBay (19). Bezos đang đầu tư mạnh vào việc xây các kho hàng gần nơi khách hàng ở. Đây là chiến lược giúp hãng giảm chi phí vận chuyển. "Điểm bất lợi với Amazon là chi phí vận chuyển của họ quá lớn. Việc đó rất khó cải thiện khi họ tăng quy mô kinh doanh, do chi phí lựa chọn, đóng gói và gửi đi các đơn hàng luôn biến động". Sức mạnh lớn nhất của Amazon.com là nhà cung cấp bán lẻ đầu tiên bán sách trên mạng Internet với dịch vụ hết sức ấn tượng, bao gồm cả dịch vụ mới như “1-Click” shopping với lượng đầu sách khổng lồ. Amazon luôn biết cách cải tiến dịch vụ, theo thống kê đến 23/10/2003, Amazon.com có trên 120.000 cuốn sách có mặt trong catalogue tìm kiếm nội dung toàn phần (full-text searching).

Cuối năm 2013, Bezos gây bất ngờ bằng tuyên bố “60 phút”. Theo đó, Amazon sẽ sử dụng các máy bay vận tải có khả năng giao hàng trong vòng 30 phút mà chúng ta thường gọi là những chiếc trực thăng giao hàng mini. Năm 2014 được dự đoán là một năm thành công đối với Amazon khi họ đồng loạt cho ra mắt đầu phát TV và smartphone mang tên Amazon.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thương mại điện tử Internet Retailer, doanh thu thương mại của Amazon năm 2013 đứng đầu bảng xếp hạng tại Mỹ với 67,9 tỷ USD, nhiều hơn 49,6 tỷ USD so với nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai Apple (doanh thu 18,3 tỷ USD). Các tập đoàn bán lẻ truyền thống như Staples hay Walmart rơi xuống vị trí thứ ba và thứ tư. Netflix xếp thứ 7 trong top 10 với 4,4 tỷ USD doanh thu, trong khi đó, Dell đứng ở vị trí cuối cùng của top 10 với doanh thu 3,6 tỷ USD. Tổng doanh thu Amazon.com trong quý I/2014 đã đạt 19,7 tỷ USD và Amazon lập kỷ lục bán hàng cuối năm 2013 với 246 vật phẩm/giây. Ngày 27/12 Amazon đã có hơn 1 triệu người trở thành thành viên dịch vụ Prime trong tuần thứ 3 của tháng 12/2013.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử châu Âu (EE), năm 2013 Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua châu Âu. Năm 2013, thương mại điện tử châu Á đạt gần 553,3 tỷ USD, tăng 16,7%, phát triển nhanh hơn châu Âu. Chủ tịch hội đồng lãnh đạo của EE Wijnand Jongen cho rằng sự xuất hiện của Alibaba đã giúp Trung Quốc ghi danh vào danh sách các quốc gia có nền thương mại điện tử lớn của thế giới. Bắc Mỹ trước đó là thị trường thương mại điện tử lớn nhất và phát triển ổn định. Năm 2013, thương mại điện tử Bắc Mỹ đạt 454,3 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2012. Thị trường châu Âu tăng trưởng 16%, đạt 494,7 tỷ USD năm 2013 và dự tính sẽ đạt 579,4 tỷ USD trong 2014. Tính đến cuối năm 2013, châu Âu có khoảng 650.000 website mua sắm, tăng từ 15 đến 20% mỗi năm và có khoảng 3,7 tỷ bưu kiện được gửi đến các khách hàng trong khu vực mỗi năm. Anh, Đức và Pháp là 3 quốc gia lớn nhất về thương mại điện tử của châu Âu với doanh thu lần lượt là 145,9 tỷ USD, 86,3 tỷ USD và 69,6 tỷ USD. Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban châu Âu, kinh doanh ngoài khu vực EU chỉ đạt 12% và ước tính sẽ đạt 20% vào năm 2020. Kinh tế Internet chiếm 2,2% tổng GDP châu Âu (22.370 tỷ USD). Mục tiêu của châu Âu là đưa thương mại điện tử tăng trưởng gấp đôi vào năm 2016 và gấp 3 lần vào năm 2020. Doanh thu thương mại điện tử tại Nam Âu (gồm Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, tính cả Thổ Nhĩ Kỳ) là 55,6 tỷ USD, chiếm 12% thị trường châu Âu. Các quốc gia vùng Baltic và Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Iceland đạt 43,6 tỷ USD.



Website sử dụng Amazon Web Services (AWS)

Thị trường smartphone 6 tháng đầu năm 2013 tăng trưởng lên tới 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các ứng dụng thanh toán qua di động như Apple Passbook và Google Wallet đều chưa gặt hái được thành công. Nhưng năm 2014, khách hàng sẽ chứng kiến những cuộc đua giành lợi nhuận của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thông qua việc trao cho người mua hàng những lợi ích hấp dẫn và tiện dụng. Theo dự đoán năm 2017 mua sắm qua di động sẽ chiếm 25% lượng mua bán trực tuyến của thế giới với 58% người mua sắm qua dịch vụ online. Vì vậy các nhà bán lẻ 2014 sẽ đầu tư phát triển công nghệ mua hàng trực tuyến thông qua di động, đồng thời tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm tiện dụng và hấp dẫn cho khách hàng.

Triển vọng cho thương mại điện tử ở Việt Nam

Việt Nam có dân số trẻ, yêu thích cái mới và có thu nhập tăng trưởng, Christopher Brinkeborn Beselin - CEO của kênh mua sắm trực tuyến Lazada - cho rằng đầu tư thương mại điện tử tại quốc gia 90 triệu dân lúc này là thích hợp. Dựa vào số liệu của EuroMonitor, trong vòng 5 năm, số người dùng Internet tại Việt Nam tăng 1,5 lần từ 28 triệu lên 43 triệu (153%), chiếm trên 40% dân số - một mức tăng tốt nhất nhì khu vực. Như vậy 34% dân số Việt Nam tại thời điểm tháng 1/2014 có khả năng lên Internet bằng thiết bị di động và 90% truy cập Internet của Việt Nam đến từ các thiết bị di động. Thời gian online bằng di động chiếm 30% so với tổng thời gian trung bình online bằng laptop/desktop. Trong đó, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) chiếm khoảng 20% và 60% dùng smartphone để mua sắm (trong khi có đến 95% số người dùng smartphone để tìm kiếm thông tin về sản phẩm). Trong tương lai thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển mạnh khi người sử dụng công nghệ Internet ngày càng cao và các thanh toán trực tuyến qua ngân hàng ngày càng tốt hơn.

Với những thành công của mình tại Amazon, vào năm 1998, Bezos trở thành một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Google. Ông đầu tư 250.000 USD tương đương với 3,3 triệu cổ phiếu khi công ty tiến hành IPO vào năm 2004 và chúng có giá trị lên tới 280 triệu USD. Tháng 8/2013, Bezos mua lại tòa soạn báo Washington (The Washington Post) với trị giá 250 triệu USD. Sau đó ông đầu tư thành lập công ty nghiên cứu không gian Blue Origin với hoạt động phát triển công nghệ du hành vũ trụ cá nhân. Tài sản của Bezos hiện nay là 30 tỷ USD.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán