Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Vương quốc Anh sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu

Vào năm 1987, chính phủ Ý đã có một khoảnh khắc hiếm hoi để ăn mừng thành công về kinh tế. Kinh tế nước này đã vượt qua Vương quốc Anh xét về tổng quy mô. Những năm 1970 - 1980, kinh tế Ý phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, kinh tế Vương quốc Anh thì trì trệ và gần như sụp đổ trong những năm 1970, đầu những năm 1980.



Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu.

Sau khi gia nhập khu vực đồng euro, tăng trưởng kinh tế Ý dừng lại và hầu như không phát triển kể từ đó. Đây là một lời nhắc nhở về sự thay đổi vị trí của các cường quốc kinh tế châu Âu qua thời gian.

Hiện nay, đang có một sự thay đổi lớn trong hệ thống phân cấp tài sản ở châu Âu. Matthew Lynn - phóng viên tài chính cho biết trên Marketwatch, dựa trên xu hướng hiện tại, Vương quốc Anh sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu. Ý và Pháp sẽ bị bỏ xa phía sau. Cuối cùng, Đức cũng sẽ bị vượt qua.

Khi trở thành nền kinh tế lớn nhất khu vực, Vương quốc Anh sẽ có sức mạnh chính trị lớn hơn, thu hút nhiều hơn nữa các khoản đầu tư và sẽ có nhiều người di cư đến. Thị trường chứng khoán London cũng sẽ nhận được một sự thúc đẩy rất cần thiết.

Thực sự, kinh tế Anh gần đây đã có một vài dấu hiệu tích cực, như tránh được cuộc suy thoái lần ba, lĩnh vực sản xuất đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ so với năm 2008. Kinh tế Anh đang gặp khó khăn, tăng trưởng ở mức hơn 1% một năm và có thể tiếp tục như vậy trong vài năm tới. Chắc chắn không có dấu hiệu cho một sự tăng tốc bất ngờ trong phát triển kinh tế.



Vương quốc Anh hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 ở Tây Âu, nhưng không lâu sau sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất

Tuy nhiên, các quốc gia còn lại ở châu Âu còn tệ hơn rất nhiều. Cuộc khủng hoảng đồng euro đã khóa lục địa này vào một cuộc suy thoái lâu dài. Khi xét đến điểm này, bài toán trở nên tương đối đơn giản. Nếu các quốc gia khác của châu Âu đang trì trệ hoặc thu hẹp lại, thì Vương quốc Anh sẽ tiến lên bằng cách duy trì những thành quả đạt được.

Tây Âu luôn có một số quốc gia nhỏ nhưng rất giàu có. Thụy Sĩ có nhiều ngân hàng và Na Uy sở hữu rất nhiều dầu. Nhưng các nền kinh tế lớn là Pháp, Anh, Đức và đặc biệt là Ý đang tụt lại phía sau. Thời kỳ Ý thách thức Anh đã qua lâu rồi.

Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, GDP bình quân đầu người năm 2012 của Ý chỉ là 30.136 USD, của Pháp là 35.548 USD. Trong khi đó, Vương quốc Anh có GDP bình quân đầu người là 36.941 USD.

Vương quốc Anh đã vượt qua Ý và không cần lo lắng về việc bị bắt kịp. Ý đã không tăng trưởng kể từ khi nước này gia nhập khu vực đồng euro. Tương tự vậy, Pháp cũng đang gặp nhiều khó khăn trong khu vực đồng euro như các quốc gia khác.

Vấn đề lớn đặt ra là liệu nước Anh có thể vượt qua Đức - hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Năm 2012, Đức có GDP là 3,6 nghìn tỉ USD - cao hơn khoảng 50% so với Anh.

Nhưng Đức đang bị kẹt trong tình trạng suy giảm của khu vực đồng euro. Nếu Anh bắt đầu phát triển nhanh hơn Đức trong một thập kỷ hoặc lâu hơn, khoảng cách sẽ được thu hẹp nhanh chóng.

Trong thực tế, khu vực đồng euro đang tự khóa mình vào một cuộc suy thoái lâu dài. Tăng trưởng bốc hơi. Đức là nền kinh tế duy nhất còn mở rộng, nhưng ngay cả Hà Lan cũng đang bị mắc kẹt trong cuộc suy thoái này.

Đức đang đối mặt với một thập kỷ giảm hiệu suất kinh tế như các nước láng giềng. Lối thoát duy nhất là tách khỏi khu vực đồng tiền chung, nhưng điều này cũng sẽ dẫn đến sự hỗn loạn cho nền kinh tế.

Dù chọn cách nào đi nữa, Đức cũng phải đối mặt với thời kỳ khó khăn phía trước.

Ngoài ra, còn một nhân tố khác. Từ năm 2015, dân số Đức sẽ giảm mạnh. Theo Văn phòng thống kê liên bang, vào năm 2020, dân số Đức sẽ ở mức 80 triệu người. Vào năm 2060, con số này sẽ giảm xuống còn 64 triệu người. Ngược lại, theo một báo cáo năm 2012 của Viện Nghiên cứu Dân số Hoa Kỳ, Vương quốc Anh sẽ đạt dân số 80 triệu người vào năm 2050. Vì vậy, chỉ tính về mặt đồ thị, Vương quốc Anh sẽ thay thế vai trò của Đức.

Vấn đề chỉ còn là thời gian.

Điều này sẽ đưa đến những kết quả lớn. Vương quốc Anh sẽ là nơi lý tưởng cho dân nhập cư vì con người có xu hướng đổ dồn về nền kinh tế lớn nhất, giàu nhất tại bất cứ khu vực nào, và ở châu Âu là Anh. Vương quốc Anh cũng sẽ thu hút đầu tư vì các công ty thích đầu tư tiền vào những thị trường lớn. Và điều này cũng sẽ làm cho Vương quốc Anh có sức ảnh hưởng hơn trên trường chính trị châu Âu.

Tuy chưa có nhiều lý do để vui mừng về nền kinh tế Anh, nhưng tại một châu lục đang phải đối mặt với suy thoái lâu dài, Vương quốc Anh sẽ là một ngôi sao sáng trong hai thập kỷ tiếp theo, ít nhất là so với các nước láng giềng.

Trần Hồng Điệp
Theo marketwatch.com
Ảnh: marketwatch.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán