Ban tổ chức Olympic Paris xin lỗi vì màn diễn tranh cãi, song phủ nhận mối liên hệ với bức tranh “Bữa tối cuối cùng”

Tiểu phẩm làm liên tưởng đến bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci trong khuôn khổ lễ khai mạc Olympic Paris khiến nhiều tín hữu bảo thủ ở khắp nơi trên thế giới phẫn nộ. Ban tổ chức đứng ra xin lỗi, song vẫn bảo lưu quan điểm nội dung ban đầu không có ý phỉ báng.



Người mẫu đi ngang sàn diễn được dựng trên Cầu bộ hành Passerelle Debilly bắc qua Sông Seine tại buổi lễ khai mạc tối 26/7/2024 - Ảnh: Mauro Pimentel/Getty Images

Tác phẩm của da Vinci thể hiện khoảnh khắc Chúa Jesus nói có tông đồ lập mưu tạo phản. Còn tại lễ khai mạc diễn ra tối 26/7 trên Cầu bộ hành Passerelle Debilly bắc qua Sông Seine, nữ DJ Barbara Butch - thần tượng trong giới LGBTQ+ tự nhận bản thân là “nhà hoạt động vì tình yêu” - đội vòng bạc trên đầu nhìn rất giống vầng hào quang. Nhiều nghệ sĩ giả nữ và vũ công cũng lên cầu, đứng hai bên Butch.

Theo phóng viên hiện trường Elaine Cobbe của CBS News, phân đoạn gây tranh cãi thực chất tái hiện bức “Bữa tiệc các vị thần” với Dionysus, thần rượu Hy Lạp, làm trung tâm. Được biết bức tranh trên là tác phẩm của hoạ sĩ người Hà Lan Jan Harmensz van Biljert hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Magnin ở Dijon, phía Đông nước Pháp. Trong tranh là các vị thần Hy Lạp sum vầy trên Đỉnh Olympus chúc phúc cho cặp đôi Thetis và Peleus vừa thành hôn. Giữa tranh là một nhân vật có vầng hào quang sau đầu.

Thomas Jolly, đạo diễn lễ khai mạc, khẳng định với BFMTV rằng “Bữa tối cuối cùng” không phải là nguồn cảm hứng cho tiết mục biểu diễn. Người này giải thích thêm: “Dionysus đến dự tiệc vì ông ta là vị thần tiệc tùng. Phân đoạn này cũng có tên là “yến tiệc”.”

Tài khoản chính thức của Olympic trên các trang mạng xã hội cũng đăng bài phân trần: “Hình ảnh thần Hy Lạp Dionysus khiến chúng ta nhận ra bạo lực giữa người với người thật kỳ lạ đến nhường nào.”

Song, nhiều tín hữu bảo thủ trên khắp thế giới cực lực chỉ trích phân đoạn này. Hội giám mục Giáo hội Công giáo Pháp cho rằng đây là “cảnh báng bổ” Cơ Đốc giáo. Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, chia sẻ quan điểm trên. Hội Anh giáo Ai Cập hôm 28/7 bày tỏ “nỗi bất bình sâu sắc”, cho rằng Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) nhiều khả năng “sẽ mất đi bản sắc thể thao và thông điệp nhân văn muốn truyền tải”.

Marion Maréchal, chính trị gia cực hữu tại Pháp, lên X chỉ trích gắt gao tiểu phẩm này: “Hỡi các tín hữu Cơ Đốc toàn thế giới chứng kiến lễ khai mạc Olympic Paris 2024 và cảm thấy bị sỉ nhục bởi những tên giả gái châm biếm “Bữa tối cuối cùng”, hãy hiểu rằng đó không phải thông điệp của Pháp, mà là của bè phái cánh tả thiểu số luôn chực chờ khiêu khích chúng ta.” Giới bảo thủ sùng đạo nhiều nơi đồng ý với nhận định này.

Tại Rumani, influencer tai tiếng Andrew Tate cùng em trai là Tristan Tate tham gia biểu tình Olympic trước Đại sứ quán Pháp ở Bucharest hôm 28/7. Cả hai lên án Olympic đã chế nhạo đạo Cơ Đốc trong lễ khai mạc, kêu gọi các vận động viên hãy chung tay tẩy chay sự kiện này. Hiện Andrew Tate vẫn bị kẹt lại ở Rumani phục vụ điều tra các cáo buộc thành lập băng nhóm tội phạm chuyên buôn người và cưỡng hiếp.



Andrew Tate, influencer đầy tai tiếng, cùng em trai là Tristan Tate tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Pháp ở Bucharest, Rumani, và cầm bức ảnh so sánh lễ khai mạc Olympic Paris với tranh “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci - Ảnh: Andreea Alexandru/apnews

Thomas Jolly vẫn tiếp tục bác những ý kiến liên hệ màn trình diễn với bức “Bữa tối cuối cùng”. Anh nói phân đoạn gây tranh cãi vốn chỉ nhằm tôn vinh sự đa dạng, thể hiện văn hoá ẩm thực và tiệc tùng của người Pháp.

Tại buổi họp báo IOC ngày 28/7, Anne Descamps, phát ngôn viên Olympic Paris 2024, khi được hỏi về những phản ứng tiêu cực đã trả lời: “Rõ ràng chúng tôi chẳng hề có ý định bất kính đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào. Ngược lại, tôi tin rằng Thomas Jolly đã cố gắng thể hiện sự khoan dung, và nhìn vào kết quả thăm dò ý kiến đã công bố, có thể thấy mục tiêu này đã thành công. Tất nhiên nếu có ai cảm thấy bị xúc phạm thì chúng tôi thật lòng xin lỗi.”

Jolly cũng trả lời phỏng vấn tờ Associated Press sau lễ khai mạc: “Ý định của tôi không nhằm thách thức, phỉ báng, hay gây sốc ai cả. Trên hết, tôi chỉ muốn lan toả thông điệp yêu thương, bao dung chứ không hề muốn gây xích mích, chia rẽ.”

Theo CBS News