Các cột mốc thương mại Mỹ - Trung Quốc

Ngày 21 tháng 9 năm 2011, trước khi tranh cử tổng thống Mỹ, Donald Trump đã từng tuyên bố: “Trung Quốc không phải là đồng minh hay bạn bè - Trung Quốc muốn đánh bại chúng ta và muốn sở hữu đất nước của chúng ta”. Đây là một trong những tuyên bố khi ông chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Trong khi vận động tranh cử cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa (ngày 02/5/2016), ông Trump cho rằng không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc lạm dụng Mỹ nữa. Ngày 06-07/4/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump ở Florida, nơi họ đồng ý thiết lập Kế hoạch hành động 100 ngày để giải quyết căng thẳng thương mại.



Ngày 28/4/2017, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (Office of the United States Trade Representative - USTR) được ủy quyền để điều tra xem việc nhập khẩu thép/nhôm có gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia hay không? Ngày 22/5/2017, Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý thỏa thuận thương mại, cho phép các công ty Hoa Kỳ tiếp cận nhiều hơn với nông nghiệp, năng lượng và thị trường tài chính của Trung Quốc. Ngày 18/8/2017, USTR khởi xướng một cuộc điều tra về một số hành động, chính sách và thực tiễn của chính phủ Trung Quốc liên quan đến chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và công nghệ mới. Ngày 08-10/11/2017, Tổng thống Trump thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. 

Ngày 2 tháng 4 năm 2018, Trung Quốc áp thuế (từ 15% lên 25%) đối với 128 sản phẩm (trị giá 3 tỷ USD) bao gồm trái cây, rượu vang, ống thép, thịt lợn và nhôm tái chế để trả đũa thuế thép và nhôm của Mỹ. Ngày 3 tháng 4 năm 2018, USTR công bố danh sách ban đầu gồm 1.334 sản phẩm (trị giá 50 tỷ USD) được đề xuất phải chịu mức thuế tiềm năng 25% (danh sách được sửa đổi vào ngày 15 tháng 6). Ngày 4 tháng 4 năm 2018, Trung Quốc phản ứng với danh sách ban đầu của USTR và đề xuất mức thuế 25% đối với 106 sản phẩm (trị giá 50 tỷ USD). Ngày 16/4/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ kết luận rằng công ty viễn thông Trung Quốc ZTE đã vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Các công ty Mỹ bị cấm giao dịch với ZTE trong 7 năm. Ngày 17/4/2018, Trung Quốc công bố thuế chống bán phá giá 178,6% đối với việc nhập khẩu cao lương từ Mỹ. Ngày 03-07/5/2018, Mỹ-Trung tham gia đàm phán thương mại tại Bắc Kinh, Mỹ yêu cầu Trung Quốc giảm thâm hụt thương mại 200 tỷ USD trong vòng 2 năm.

Ngày 13/5/2018, Tổng thống Trump hứa sẽ giúp ZTE trong một bài đăng trên twitter. Ngày 18/5/2018, Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng áp thuế đối với cao lương của Mỹ. Ngày 20/5/2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý tạm dừng cuộc chiến thương mại sau khi Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ. Ngày 29/5/2018, Hoa Kỳ khôi phục thuế quan. Ngày 04-05/6/2018, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh.

Ngày 07/6/2018, Hoa Kỳ đồng ý cho phép ZTE tiếp tục kinh doanh. Ngày 6 tháng 7 năm 2018, Mỹ bắt đầu thu thuế 25% đối với 818 sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, đồng thời Trung Quốc thực hiện các biện pháp trả đũa bằng cách áp thuế 25% đối với 545 hàng hóa có nguồn gốc từ Mỹ (trị giá 34 tỷ USD), bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, ô tô và thủy sản. 

Ngày 02/8/2018, Hoa Kỳ sửa đổi thuế quan. Theo sự chỉ đạo của Tổng thống Trump, USTR xem xét mức thuế 25% thay vì 10% trong danh sách hàng hóa được công bố ban đầu vào ngày 10 tháng 7 năm 2018. Danh sách trị giá khoảng 200 tỷ USD bao gồm sản phẩm tiêu dùng, hóa chất, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, dụng cụ, thực phẩm và nông sản, thiết bị thương mại điện tử và phụ tùng. Ngày 07/8/2018, Hoa Kỳ công bố danh sách hàng nhập khẩu được sửa đổi trị giá 16 tỷ USD từ Trung Quốc. Những hàng hóa này sẽ chịu mức thuế 25% thay vì 10% có hiệu lực vào ngày 23/8. Tương tự, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố mức thuế bổ sung 25% đối với 16 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Ngày 14/8/2018, Trung Quốc đệ trình yêu sách lên WTO chống lại Hoa Kỳ. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng Thuế quan của Mỹ đối với các tấm pin mặt trời đã làm tổn hại lợi ích thương mại của Trung Quốc. Ngày 23/8/2018, Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 25% đối với 279 hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc (trị giá 16 tỷ USD). Hàng hóa được áp thuế bao gồm chất bán dẫn, hóa chất, nhựa, xe máy và xe máy điện. Trung Quốc thực hiện trả đũa 25% thuế đối với 333 hàng hóa có nguồn gốc từ Mỹ (trị giá 16 tỷ USD), bao gồm các mặt hàng như than, đồng phế liệu, nhiên liệu, xe buýt và thiết bị y tế. Trung Quốc cũng đệ trình một khiếu nại mới lên WTO. Ngày 22-23/8/2018, Đại diện cấp trung của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến thương mại. 

Ngày 07/9/2018, sau khi công khai danh sách hàng hóa Trung Quốc chịu thuế quan của Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 9 năm 2018, Tổng thống Trump đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế đối với hơn 267 tỷ USD. Điều này có nghĩa là tổng số thuế quan mà Mỹ đe dọa hay áp đặt lên Trung Quốc lên tới 517 tỷ USD, chiếm phần lớn tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu các sản phẩm trị giá 505 tỷ USD từ Trung Quốc. Ngày 12/9/2018, Hoa Kỳ mời Trung Quốc khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại trước khi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD có hiệu lực. Ngày 17/9/2018, USTR công bố danh sách thuế quan hoàn chỉnh đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ngày 18/9/2018, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ sau khi đợt thuế quan mới nhất từ Mỹ (trị giá 200 tỷ USD) sẽ có hiệu lực vào ngày 24/9. Ngày 22/9/2018, Trung Quốc hủy bỏ các cuộc đàm phán thương mại đã được lên kế hoạch với Mỹ khi Mỹ thực hiện thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ngày 24/9/2018, Hoa Kỳ áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD, nâng tổng giá trị lên 250 tỷ USD. Mức thuế tăng từ 10% lúc ban đầu sẽ lên 25% vào ngày 01 tháng 01 năm 2019. Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng cách áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD từ Mỹ, được công bố vào ngày 3 tháng 8.



Ngày 30/10/2018, Hoa Kỳ chuẩn bị công bố thuế quan đối với tất cả các sản phẩm còn lại của Trung Quốc vào đầu tháng 12 nếu các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina không thành công. Ngày 19/11/2018, Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ (Bureau of Industry and Security - BIS) công bố các quy tắc kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), robot và điện toán lượng tử - bị kiểm soát vì nó có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. 

Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý đình chiến tạm thời để giảm căng thẳng thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vào ngày 01/12/2018. Theo thỏa thuận, Mỹ và Trung Quốc sẽ kiềm chế tăng thuế hoặc áp thuế mức thuế mới trong vòng 90 ngày (cho đến ngày 01/3/2019). Ngày 14/12/2018, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ tạm thời xóa bỏ thêm 25% thuế đối với ô tô Mỹ và 5% thuế đối với một số phụ tùng ô tô của Mỹ trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 01/01/2019. Trong giai đoạn này, hàng nhập khẩu ô tô của Mỹ sẽ chịu mức thuế tiêu chuẩn 15% đối với ô tô nhập từ nước ngoài. Trung Quốc cũng nối lại việc mua đậu nành của Mỹ, khoảng 1,5 triệu tấn. Tháng 7 năm 2018, Trung Quốc đã ngừng mua đậu nành do Mỹ sản xuất để trả đũa thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến thương mại.

Ngày 30-31/01/2019, Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại tại Washington, D.C., trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc đề nghị mua 5 triệu tấn đậu nành của Mỹ. Ngày 07-09/01/2019, Hoa Kỳ và Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh, đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi hai nước đồng ý thỏa thuận tạm ngừng chiến trong 90 ngày, kết thúc vào ngày 01 tháng 3. Ngày 07/2/2019, Tổng thống Trump nói sẽ không gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi lệnh ngừng thuế quan hết hạn vào ngày 01 tháng 3 năm 2019.

Ngày 11-15/02/ 2019, Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh. Vào cuối buổi của cuộc đàm phán, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có những sự mâu thuẫn khác biệt, nhưng vẫn đồng ý tiếp tục nói chuyện tại Washington vào tuần sau. Ngày 21-24/02/2019, Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại tại Washington. Ngày 24 tháng 02, Trump tuyên bố ông sẽ gia hạn thỏa thuận thương mại vào ngày 1 tháng 3, chấm dứt thời hạn đàm phán thương mại. Ngày 28-29/3/2019, Mỹ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh. Các quan chức cho biết các cuộc đàm phán thương mại mang tính xây dựng với một cơ chế thực thi để giám sát cam kết của Trung Quốc đối với các nhượng bộ thương mại.

Ngày 31/3/ 2019, Trung Quốc gia hạn tạm dừng thuế quan bổ sung đối với ô tô và phụ tùng ô tô của Mỹ, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 4 năm 2019. Trước đây, Trung Quốc đã áp dụng mức thuế trả đũa 25% để phản đối thuế quan của Mỹ, nhưng đã đình chỉ vào tháng 12 năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đến ngày 01/4/2019. Ngày 01/4/2019, Trung Quốc tuyên bố sẽ cấm tất cả các biến thể của fentanyl, và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2019. Ngày 03-05/4/2019, Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại tại Washington. Ngày 10/4 /2019, Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý thành lập văn phòng thực thi thỏa thuận thương mại. Ngày 30/4 đến 01/5/2019, Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh.

Ngày 05/5/2019, Mỹ cảnh báo sẽ đưa ra mức thuế mới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 325 tỷ USD, bao gồm tất cả các sản phẩm Trung Quốc còn lại. Tổng thống Donald Trump cho rằng việc tăng thuế quan đang được thực hiện bởi vì phía Trung Quốc đang cố gắng đàm phán lại thỏa thuận thương mại và xáo trộn các cam kết. 12:01 sáng ngày 10/5/2019, Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ 10% lên 25% do Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận sau khi kết thúc ngày đầu tiên của vòng thứ 11 của đàm phán thương mại cấp cao. Ngày 16/5/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo bổ sung Huawei Technologies Co. Ltd và các chi nhánh của Huawei vào danh sách đen khi cấm các công ty Mỹ giao dịch với công ty viễn thông Trung Quốc này khi không có sự chấp thuận của chính phủ Hoa Kỳ.



Ngày 31/5/2019, Trung Quốc thiết lập danh sách “thực thể không đáng tin cậy” để trả đũa danh sách thực thể của Mỹ bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nước ngoài không tuân thủ quy tắc thị trường, vi phạm hợp đồng và chặn, ngừng nguồn cung vì lý do phi thương mại hoặc làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc sẽ tiến hành điều tra hãng vận chuyển FedEx (Mỹ) với cáo buộc gây phương hại đến quyền và lợi ích của khách hàng, sau khi hãng này đã "chuyển nhầm" một số bưu kiện của tập đoàn viễn thông Huawei.

Ngày 13/5/2019, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 01/6/2019. Thuế có 4 mức, áp dụng với số sản phẩm của Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Theo đó, khoảng 2.500 hàng hóa bị nâng thuế từ 10% lên 25%, hơn 1.000 sản phẩm nâng từ 10% lên 20%, gần 1.000 sản phẩm nâng từ 5% lên 10%, gần 600 sản phẩm khác được giữ nguyên mức thuế hiện tại là 5%. Ngày 02/6/2019, Trung Quốc phát hành sách trắng về quan hệ kinh tế Mỹ-Trung (China’s Position on the China-US Economic and Trade Consultations), tố cáo các biện pháp đơn phương và bảo hộ của Hoa Kỳ, chỉ trích việc quay trở lại các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và thể hiện lập trường của Trung Quốc về tham vấn thương mại và theo đuổi các giải pháp hợp lý.

Tháng 7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc vì các hành vi thương mại không công bằng và đến nay, Hoa Kỳ đã áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, và đã đe dọa đối với hơn 325 tỷ USD các sản phẩm còn lại. Về phần mình, Trung Quốc đã áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá 110 tỷ USD của Mỹ và đang đe dọa sẽ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Khi mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không sẵn sàng lùi bước, Mỹ - Trung có thể nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn diện. Các sự kiện lớn của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung và các cột mốc về thời gian sự kiện xảy ra cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)