Chính sách kinh tế của Trung Quốc & thương mại điện tử

Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp thương mại điện tử của Trung Quốc. Sau 2 năm tăng trưởng nhanh chóng và không được kiểm soát, chính phủ Trung Quốc đã có một loạt các chính sách thuế và hải quan nhằm mục đích thúc đẩy thương mại điện tử B2C (Business to consumer) và B2B (Business to business) hướng tới bình đẳng hơn.

Một trong những chính sách nổi bật nhất của chính phủ Trung Quốc trong năm 2016 là cho phép các mặt hàng hạn chế nhập khẩu bao gồm mỹ phẩm, sữa bột trẻ em, thiết bị y tế và các sản phẩm thực phẩm… vào Trung Quốc qua khu thương mại tự do. Vì Facebook và Twitter bị chặn bởi tường lửa, WeChat là trang mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc, cung cấp giao dịch trực tuyến cho các nhà bán lẻ tiếp cận người tiêu dùng. WeChat hiện có 700 triệu người sử dụng có thể truy cập trên 10 triệu ứng dụng nội bộ. Mua sắm trực tuyến bằng điện thoại thông minh (smartphone) đến Trung Quốc sau phương Tây nhưng hiện nay người mua hàng trực tuyến ở Trung Quốc sử dụng smartphone chiếm hơn 90% trong năm 2016 và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.



SAP Anywhere: Hệ thống điện toán đám mây trong quản lý thương mại điện tử

Theo Cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc, thương mại điện tử đang trở thành phân khúc quan trọng của ngành dịch vụ giao nhận, các đơn hàng trực tuyến chiếm đến 21 tỷ/30 tỷ bưu kiện vận chuyển được thực hiện trong năm 2016, trong khi năm 2015 có tổng cộng 20 tỷ bưu kiện cho tất cả bưu kiện vận chuyển, số lượng bưu kiện quốc tế vận chuyển từ Trung Quốc đã tăng 47,1% trong 3 quý đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả từ những kênh giao dịch toàn cầu của các ông lớn bán lẻ trực tuyến lớn ở đất nước đông dân nhất thế giới như Alibaba Group Holding hay JD.com.

Thương mại điện tử cũng đến tận các vùng nông thôn. Cục Bưu điện cho biết nông dân Trung Quốc đã chi hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD) để mua hàng trực tuyến trong 10 tháng đầu năm 2016, 80% vùng thôn quê đã có ít nhất một cơ sở cung cấp dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao nhận sản phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2016 Trung Quốc đã mua hàng trực tuyến với số tiền là 3.470 tỷ nhân dân tệ (500 tỷ USD), tăng 26,1% so với năm 2015 đưa Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia hàng đầu về mua sắm trực tuyến. Cơ sở hạ tầng giao hàng ở Trung Quốc với hơn 183.000 văn phòng của các công ty giao nhận, đảm trách vận chuyển cả trong cũng như ngoài nước và khoảng 200 trung tâm phân phối lớn đang được xây dựng trong những năm tới. Các hình thức mới như chia sẻ kho hàng, dùng phương tiện giao thông cá nhân để giao hàng, dùng ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống phân loại hàng hóa tự động giúp tiết kiệm thời gian, tránh thất lạc và giảm thiểu chi phí cũng đang được áp dụng rộng rãi.

Sản phẩm dịch vụ tài chính hướng vào tầng lớp trung lưu mới nổi đang gia tăng ở Trung Quốc và được dự báo sẽ phát triển mạnh hơn do nhu cầu ngày càng cao. Theo Jeremy Peruski - Công ty tư vấn ICR, người tiêu dùng Trung Quốc đã bỏ qua nhiều công nghệ đang dần lỗi thời của phương Tây, họ sử dụng công nghệ mới hơn tạo điều kiện cho phát triển công nghệ, và Trung Quốc đang trở thành một trung tâm công nghệ dựa trên mặt bằng chung của thế giới, dẫn đầu về các sản phẩm phục vụ tài chính. Thẻ tín dụng không được ưa chuộng tại Trung Quốc, thay vào đó, khách hàng dùng điện thoại và các ứng dụng thanh toán như hệ thống thanh toán của Alibaba, Alipay, WeChat… Một báo cáo của Ernst & Young chỉ ra rằng, 40% người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay sử dụng những phương thức thanh toán mới. Một yếu tố khác tạo đà cho sự phát triển cho lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) ở Trung Quốc là một hệ thống tín dụng xã hội mà chính phủ nước này dự kiến sẽ triển khai trên toàn quốc vào năm 2020. Hệ thống này cấp cho mỗi người dân và doanh nghiệp một số điểm tín dụng dựa trên hành vi xã hội, lịch sử mua bán và thông số tài chính của họ. Số điểm sau đó sẽ được sử dụng để quyết định mọi vấn đề của người đó như khoản vay, việc làm, địa điểm du lịch.



Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng với Chủ tịch điều hành Alibaba - Jack Ma, tại Trump Tower ở New York AP

Trong khi đó, phân khúc cho vay ngang hàng (peer-to-peer) của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục phát triển để lấp các khoảng trống của ngân hàng truyền thống. China Rapid Finance (công ty cho vay lớn nhất Trung Quốc) tạo điều kiện cung cấp các khoản vay cho người tiêu dùng trực tuyến và tầng lớp trung lưu. Hiện có hơn 1 triệu người vay và con số này được dự báo sẽ tăng lên. “Năm 2017 sẽ quyết định tương lai của hệ thống tín dụng xã hội Trung Quốc”, Matthew Wong, nhà nghiên cứu cấp cao của CB Insights cho biết.

Năm 2015, Trung Quốc có 19 công ty trị giá hơn 1 tỷ USD. Theo Matthew Wong, con số này giảm xuống còn 11 công ty sau 11 tháng năm 2016 và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017. Việc kêu gọi vốn với các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) sẽ khó khăn hơn trong năm 2017. Số hợp đồng đầu tư cho các Startup đã tăng nhẹ trong quý III năm 2016 nhưng số tiền đầu tư đã giảm khoảng 1,8 tỷ USD. Phân khúc trí thông minh nhân tạo nhiều khả năng sẽ được tài trợ lớn hơn, theo báo cáo của KPMG. Năm 2016, các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động khá mạnh ở nước ngoài với hơn 207 tỷ USD đổ vào các vụ sáp nhập và mua lại. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ được duy trì trong năm 2017. Các hãng công nghệ lớn nhất đã bắt đầu mở rộng toàn cầu, vươn ra châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á. Ant Financial của Alibaba gần đây đã đầu tư vào Ascend Money, một công ty fintech Thái Lan, để mở rộng các sản phẩm tài chính trực tuyến của riêng mình. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư 3,5 tỷ USD vào các công ty Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2016 và nhiều khả năng sẽ gia tăng các khoản đầu tư trong vòng 12 tháng tới. Các chuyên gia cũng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc và tham vọng toàn cầu của họ, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Một số công ty đang có ý định bỏ qua hoàn toàn thị trường trong nước như Cheetah Mobile, nhà cung cấp những ứng dụng được tải nhiều nhất ở châu Âu và Mỹ.

Gần 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc luôn quan tâm thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo. Những năm gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế trong nước giảm tốc, Trung Quốc đã có nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả cho khởi nghiệp và sáng tạo. Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 dự kiến sẽ nâng giá trị giao dịch lên hơn 40.000 tỷ NDT (5.760 tỷ USD) vào năm 2020 (từ mức 21.800 tỷ NDT của năm 2015). Doanh số bán lẻ trực tuyến có thể đạt 10.000 tỷ NDT trong năm 2020 trong bối cảnh cư dân mạng của Trung Quốc sẽ vượt một tỷ người, tăng khoảng 7,8%/năm từ năm 2015, thương mại điện tử bùng nổ sẽ giúp kiến tạo hơn 50 triệu việc làm vào cuối năm 2020 và đồng thời thúc đẩy sự đổi mới trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, du lịch và các lĩnh vực khác, cũng như trở thành động lực chính đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế.



Theo Công ty tư vấn McKinsey, Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới với giá trị doanh thu ước đạt 630 triệu USD trong năm 2015. Giá trị thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc lớn hơn thị trường thương mại điện tử Mỹ gần 80%. Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây mà hệ quả là tăng trưởng thương mại quốc tế chậm, thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 30%. Từ 2008-2015, doanh thu thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đã tăng từ khoảng 123 tỷ USD lên 800 tỷ USD và dự kiến đạt 1.000 tỷ USD trong năm 2016 (theo eMarketer). Hiện có đến 40% người tiêu dùng trực tuyến Trung Quốc đang mua hàng hóa từ nước ngoài, với mức chi ước tính khoảng 40 tỷ USD trong năm 2015, chiếm hơn 6% tổng tiêu dùng thương mại điện tử của Trung Quốc và tăng trưởng với tốc độ hàng năm 50%.

Nhập khẩu của Trung Quốc thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới tăng mạnh từ năm 2011, chủ yếu do người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quen với mua sắm trực tuyến. Năm 2014, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành một Thông báo quốc gia ghi nhận tầm quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới và nhập khẩu thông qua thương mại điện tử. Chính phủ Trung Quốc cũng đã phê chuẩn việc thành lập các thành phố thử nghiệm toàn diện thương mại điện tử xuyên biên giới. Tính đến năm 2016, Trung Quốc đang có 13 thành phố thử nghiệm, bao gồm: Hàng Châu, Thiên Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh, An Huy, Trịnh Châu, Quảng Châu, Thành Đô, Đại Liên, Ninh Ba, Thanh Đảo, Thâm Quyến và Tô Châu. Với dân số gần 1,4 tỷ người, có sự chênh lệch rất lớn trong mỗi 34 khu vực của Trung Quốc, với rất nhiều yếu tố như thu nhập hộ gia đình, ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa và hậu cần ảnh hưởng đến thói quen mua đang được các nhà kinh doanh trực tuyến tìm hiểu và khai thác. Nhờ các chính sách trên và sự hỗ trợ của chính phủ, các Startup nhỏ như Xiaohongshu và Ymatou phát triển bên cạnh gã khổng lồ Alibaba.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)