Để hiểu hơn về các học sinh trung học

Ở cấp trung học, trẻ đang chính thức bước vào ngưỡng tuổi trưởng thành. Đứa con bé nhỏ của bạn ngày nào giờ đã bắt đầu biết quan sát và nói chuyện như một người lớn. Mặc dù trẻ có suy nghĩ gần như là của một người trưởng thành, nhưng vẫn có những ngoại lệ. Vậy thì chính xác chúng vẫn còn là trẻ con hay đã là người lớn?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ tham khảo Jean Piaget, một nhà tâm lý học với lý thuyết phát triển nhận thức vào cuối những năm 1920. Ông đã tạo ra một thước đo tinh thần cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau. Dưới đây là những gì mà Piaget đã nói về trẻ em ở độ tuổi trung học:

  • Ở độ tuổi này, trẻ vẫn sẽ có tình trạng "tự kỷ trung tâm", điều này có nghĩa là trẻ cho rằng cả thế giới đều tập trung về chúng. Tuy nhiên, trẻ cũng hiểu rằng mỗi người sẽ có mỗi quan điểm khác nhau. Và kết quả là trẻ sẽ bắt đầu bận tâm đến chuyện người khác nghĩ gì về chúng.
  • Các học sinh trung học có khả năng vận dụng những biểu tượng một cách rất hợp lý, thậm chí là những biểu tượng liên quan đến những khái niệm trừu tượng. Ví dụ, bạn có thể bắt gặp trẻ vẽ một một trái tim được khóa chặt để thể hiện sự cam kết.
  • Các học sinh trung học có khả năng phát triển những lý thuyết và kiểm tra chúng với thực tế. Ví dụ, trong giờ thí nghiệm hóa học, trẻ có thể dự đoán được 2 hóa chất sẽ phản ứng với nhau như thế nào. Và sau đó, chúng sẽ sử dụng những phương pháp thích hợp để kiểm tra xem có đúng với dự đoán của chúng hay không.
  • Các học sinh trung học có khả năng vận dụng khả năng suy luận rất tốt. Ví dụ, khi chúng làm bài kiểm tra trắc nghiệm và không biết câu trả lời đúng, nhưng chúng biết được rằng câu trả lời A và C là những câu trả lời sai, chúng sẽ nhận ra ngay đáp án cuối cùng và chính xác phải là câu trả lời B.
  • Các học sinh trung học có khả năng phân loại các vật thể dựa trên những đặc tính của chúng, cũng như là phân loại các vật thể thành một nhóm dựa trên một đặc tính nổi bật.

Hiểu được suy nghĩ của trẻ ở độ tuổi này chỉ là bước đầu tiên, bước tiếp theo là hiểu được cấp độ phát triển trong suy nghĩ của chúng. Vào những năm 1950, nhà tâm lý học Benjamin Bloom dẫn đầu một nhóm nghiên cứu đưa ra những hướng dẫn về cấp độ nhận thức. Theo Bloom, tất cả chúng ta đều trải qua một quá trình nhận thức, tuy nhiên thời gian để đạt được các cấp độ nhận thức ở mỗi người là khác nhau.

Trình tự phát triển cấp độ nhận thức cũng giống như những nấc thang, để bước lên cao thì phải dựa vào nấc thang trước đó. Sau đây là những cấp độ nhận thức mà Bloom đưa ra:



  • Cấp độ 1: Nhớ. Đây là cấp độ mà trẻ được dạy một khái niệm mới và chúng chỉ cần học thuộc lòng điều đó.
  • Cấp độ 2: Hiểu. Trẻ phải hiểu được khái niệm mà chúng đã được dạy trước đó.
  • Cấp độ 3: Vận dụng. Trẻ sẽ được học thêm những ví dụ trong đó nêu ra cách sử dụng khái niệm mà chúng đã được học và đã hiểu.
  • Cấp độ 4: Phân tích. Trẻ sẽ phân tích tỉ mỉ hơn về khái niệm và những ví dụ liên quan.
  • Cấp độ 5: Tổng hợp. Ở cấp độ này, trẻ có thể áp dụng các khái niệm vào những tình huống mới.
  • Cấp độ 6: Đánh giá. Trẻ sẽ nghĩ về những gì mà chúng đã được dạy và đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm.

Bạn có thể giúp trẻ tiến bộ nhanh hơn bằng cách đặt những câu hỏi cần sự tư duy cao. Mức độ phát triển của mỗi đứa trẻ là khác nhau, nhưng dựa vào lý thuyết mà Piaget và Bloom đưa ra, chúng ta có thể hiểu được trẻ đang nghĩ gì và giúp chúng phát triển tư duy qua từng cấp độ.

Đình Phú
Theo education.com